Công nghệ

Google không còn là nơi của những ý tưởng điên rồ

Đầu tuần này, Google đã cắt giảm tới hơn một nửa số dự án tại vườn ươm khởi nghiệp Area 120. Mục đích của bộ phận này là cung cấp cho nhân viên một nơi để thử nghiệm và theo đuổi dự án đam mê của họ. Nhiều trong số đó là những ý tưởng viển vông, phi lý, điên rồ. Tuy nhiên, hãng hy vọng có thể tìm ra sự đột phá tiếp theo, như với Adsense, Gmail hoặc Google News.

"Area 120 là vườn ươm nội bộ, chuyên thử nghiệm sản phẩm mới của Google. Nhóm thường tìm kiếm những cơ hội hứa hẹn nhất. Tuy nhiên gần đây, chúng tôi chuyển trọng tâm sang các dự án được đầu tư sâu về AI và có tiềm năng giải quyết những vấn đề của người dùng. Do đó, Area 120 cắt giảm một số dự án để nhường chỗ cho công việc mới", TechCrunch dẫn thông báo của Google.

Elias Roman, người đứng đầu Area 120, nói mục tiêu tập trung vào các dự án AI trái ngược hoàn toàn với nhiệm vụ trước đó là thúc đẩy quá trình ươm tạo sản phẩm trên toàn Google.

Bên trong một văn phòng làm việc của Google. Ảnh: Google

Bên trong một văn phòng làm việc của Google. Ảnh: Google

Theo các chuyên gia, khi nền kinh tế thay đổi, Google có thể không còn "mặn mòi" với những vụ đặt cược và thử nghiệm lớn. Thay vào đó, hãng cố gắng tập trung nỗ lực vào những gì tạo ra tiền ngay hoặc những dịch vụ không thể bỏ qua như Google Cloud.

Trước đây, hãng khuyến khích nhân viên dành khoảng 20% thời gian của mình để tạo các ứng dụng đột phá. Còn bây giờ, CEO Sundar Pichai nói công ty cần hoạt động hiệu quả hơn 20%. Trong một thông báo hồi đầu hè, ông kêu gọi nhân viên "kinh doanh nhiều hơn". The Verge cho rằng nó không khác gì yêu cầu làm việc chăm chỉ hơn và tìm cách cắt giảm chi phí hơn, giống như "chặt bỏ những cây có thể hoặc không thể kết trái trong tương lai".

Tinh thần này đang ảnh hưởng ra ngoài phạm vi của Google. Theo Information, một số nhà tuyển dụng chuyên tìm kiếm nhân viên cho các công ty khởi nghiệp bắt đầu quay lưng với Google. Họ có định kiến rằng nhân viên của gã khổng lồ công nghệ Mỹ chủ yếu duy trì các sản phẩm cũ thay vì xây dựng sản phẩm mới.

Một trong những nơi bị tác động nhiều nhất bởi "tinh thần thực dụng" này là bộ phận phần cứng của công ty. Đầu tuần này, Google hủy một dự án Pixelbook để cắt giảm chi phí. Dự này này nhằm hỗ trợ các đơn vị đối tác thúc đẩy danh mục Chromebook một cách hiệu quả. Pixelbook ban đầu được coi như một tia sáng, truyền cảm hứng cho các nhà sản xuất làm những gì họ muốn hơn là thứ Google thật sự muốn người dùng chi tiền.

Một thiết bị phần cứng khác là điện thoại Pixel cũng không còn mang đậm dấu ấn Google như trước. Hầu hết người dùng nhớ về Pixel 4 đi kèm cảm biến radar hoặc Pixel 2 với những thay đổi mang tính cách mạng. Nhưng giờ đây, khi nhắc về Pixel 7, đa số thấy nó giống các model tiền nhiệm với một vài nâng cấp nhỏ.

Giới phân tích nhận định, sẽ thiếu công bằng khi nói Google không làm gì mới. Họ bổ sung đồng hồ thông minh và máy tính bảng vào danh mục sản phẩm của mình. Nhưng cả hai chưa tạo được thành công vượt trội nào với thiết kế lỗi thời. Trong lĩnh vực phần mềm, Google cũng mạnh tay loại bỏ nhiều dự án ngay khi vừa ra mắt, thậm chí còn trong "trứng nước" khi không thấy tiềm năng. Có thể kể đến như kế hoạch tích hợp tài khoản ngân hàng của người dùng vào Google Pay, hay chương trình YouTube Originals.

The Verge cho rằng động thái mới của Google cho thấy hãng ngày càng ít tham vọng hơn. Công ty vẫn đang chi gần 10 tỷ USD mỗi quý cho R&D. Nhiều dịch vụ cốt lõi vẫn được nâng cấp và thiết kế lại, như hệ điều hành Android có thể tùy biến tốt hơn. Hãng cũng giới thiệu loạt thay đổi cho Workspace, cho phép người dùng kết hợp tài liệu, bảng tính, lời nhắc, thậm chí cuộc họp và email với nhau. Họ cũng đang đầu tư cho Google Meet - đối thủ cạnh tranh của Zoom. Dù vậy, các thay đổi trên là nhằm đảm bảo người dùng có trải nghiệm dễ dàng trong công việc hơn là xây dựng những sản phẩm mới, mang tính đột phá.

Theo các nhà phân tích, ngay cả khi Google ngừng hoàn toàn các ý tưởng thử nghiệm, công ty vẫn có thể tồn tại với những dịch vụ được hầu hết người dùng Internet toàn cầu sử dụng. Nhưng nếu trước đây Google không thúc đẩy đổi mới sáng tạo, có lẽ đã không có sự ra đời của Gmail, trợ lý ảo và ChromeOS. Và nếu tiếp tục duy trì tính thực dụng hiện tại, Google sẽ không có phát minh tiếp theo liên quan đến ôtô tự lái hoặc điện toán đám mây. Do đó, nếu hãng muốn thu hút những tài năng về xây dựng sản phẩm cho tương lai, họ phải thật sự là nơi các kỹ sư được thỏa chí sáng tạo mà không cần lo lắng về vấn đề "trồng nhầm cây không ra trái".

(theo The Verge)

Cùng chuyên mục

Đọc thêm