Ngân hàng có hưởng lợi từ gói hỗ trợ lãi suất?
Là một trong những chính sách được mong đợi trong năm nay, gói hỗ trợ lãi suất 2% được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp tăng thêm vốn lưu động, giúp duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh sau giai đoạn ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Tuy nhiên, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng hạn mức tín dụng của nhiều ngân hàng không còn đủ để thực hiện gói hỗ trợ. Điều này đòi hỏi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần nâng hạn mức tín dụng cho các ngân hàng trong khi vẫn cần bảo đảm kiểm soát lạm phát là thách thức lớn đối với tiến độ thực hiện.
- TIN LIÊN QUAN
-
Ngân hàng 'hưởng lợi' gì từ gói hỗ trợ lãi suất 2%? 03/06/2022 - 07:00
Việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất lần này cũng sẽ làm ảnh hưởng nhất định đến kết quả kinh doanh của các ngân hàng bởi ngân hàng sẽ phải ứng trước tiền và một phần tiền sẽ được quyết toán sau (85% được trả trước theo quý và 15% còn lại được quyết toán vào quý I năm sau).
Trong khi đó, các ngân hàng nhóm Big4 khả năng cao sẽ chiếm phần lớn về hạn mức hỗ trợ lãi suất do có tỷ trọng dư nợ cho vay/tổng dư nợ các ngân hàng cao.
Đánh giá về tác động của gói hỗ trợ tới thị trường chứng khoán, chuyên gia cho rằng trong ngắn hạn, đây sẽ là sự củng cố về mặt tâm lý trong bối cảnh thị trường đón nhận nhiều thông tin tiêu cực trong thời gian gần đây.
Trong trung, dài hạn, mức độ ảnh hưởng sẽ phụ thuộc vào hiệu quả của gói hỗ trợ lãi suất này (bên cạnh các gói hỗ trợ khác trong gói phục hồi kinh tế 350.000 tỷ) lên kinh tế vĩ mô cũng như hoạt động của các doanh nghiệp niêm yết, đặc biệt là nhóm ngành hưởng lợi.
Tác động tích cực về mặt dòng tiền thực tế, theo KBSV đánh giá là không lớn, do quy mô gói kích thích kinh tế 40.000 tỷ đồng chỉ tương đương 0,6% so với vốn hoá toàn thị trường; thấp bằng 1/4 lần so với gói kích thích trị giá 17.000 tỷ của năm 2009.
Hơn thế nữa, công tác thanh tra, giám sát, kiếm soát việc gói hỗ trợ lãi suất được thực thi ở thời điểm hiện tại chắc chắn chặt chẽ và hiệu quả hơn nhiều so với thời điểm năm 2009 khi ngành ngân hàng còn non trẻ. Theo đó, ít có khả năng một phần đáng kể dòng tiền từ gói hỗ trợ này chảy vào kênh chứng khoán.
Mặt khác, CTCP Chứng khoán VNDirect nhận định trong ngắn hạn, ngành ngân hàng sẽ được hưởng lợi từ việc Chính phủ triển khai gói bù lãi suất trên trong hai năm 2022-2023. Điều này giúp các ngân hàng duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng cao và giảm bớt việc phải cắt giảm một phần lợi nhuận để hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp như giai đoạn 2020-2021 vừa qua.
Về dài hạn, lãi suất cho vay tăng sẽ bù đắp cho lãi suất huy động tăng và giúp ngành ngân hàng cải thiện hệ số NIM và khả năng sinh lời. Gói cấp bù lãi suất dự báo có thể giảm lãi suất cho vay trung bình từ 0,2 đến 0,4 điểm % vào năm 2022.
Mức độ rủi ro thấp so với gói hỗ trợ năm 2009
Dù được đặt nhiều kỳ vọng, song theo KBSV, gói hỗ trợ lãi suất 2% cũng đi kèm lo ngại nhiều khoản vay không được sử dụng đúng mục đích sang đầu tư tài sản đầu cơ và rủi ro gia tăng liên quan đến lạm phát, tỷ giá hối đoái, hiệu quả đầu tư như trong giai đoạn triển khai gói hỗ trợ lãi suất tương tự năm 2009.
Song, khi so sánh tương quan giữa hai gói hỗ trợ, chuyên gia cho rằng rủi ro nêu trên từ gói hỗ trợ mới sẽ được hạn chế bởi quy mô dư nợ hỗ trợ lãi suất tương ứng khoảng hơn 9%/năm so với tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống trong hai năm 2022 và 2023, thấp hơn mức 24% năm 2009.
Bên cạnh đó, lãi suất hỗ trợ chỉ ở mức 2% - thấp hơn mức 4% năm 2009 và chỉ áp dụng đối với 9 nhóm đối tượng cụ thể, có tính rủi ro thấp.
Hệ thống ngân hàng hiện nay cũng ổn định và khỏe mạnh hơn giai đoạn trước, được kiểm chứng trong thời kỳ dịch bệnh. Tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng được NHNN cấp thay vì không bị giới hạn như năm 2009. Công cụ vĩ mô hiện tại cũng được đánh giá khá hiệu quả nhằm kiểm soát ổn định nền kinh tế.
"Bài học về gói hỗ trợ lãi suất 17.000 tỷ đồng trong năm 2009 để lại nhiều hệ quả lên nền kinh tế sẽ khiến NHNN và Bộ Tài Chính kiểm soát chặt chẽ hơn và đối tượng áp dụng trong nghị định mới có tính chọn lọc giúp giảm rủi ro trên," công ty chứng khoán nhận định.
Chính phủ đã ban hành nghị định hỗ trợ lãi suất 2% có tổng mức hỗ trợ tối đa 40.000 tỷ đồng đối với các khoản vay được giải ngân trong khoảng thời gian từ 1/1/2022 đến 31/12/2023 của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thuộc một trong các ngành theo quy định.
Cho đến thời điểm hiện tại, Agribank và Vietcombank là hai ngân hàng đã công bố thông tin về việc triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2%.
Phó Tổng giám đốc Agribank - bà Nguyễn Thị Phượng cho biết ngân hàng đã được phê duyệt quy mô hỗ trợ 5.000 tỷ đồng cho hai năm 2022-2023. Trong khi đó, lãnh đạo Vietcombank và Vietinbank ước tính với tổng dư nợ trên 1 triệu tỷ đồng, giá trị khoản vay được hưởng hỗ trợ tại mỗi ngân hàng sẽ đạt trên 300.000 tỷ đồng.