Chứng khoán

Góc nhìn CTCK: Tiếp tục giằng co

photo-1719834220393

Phiên giao dịch đầu tiên của tháng 7 chứng kiến giao dịch giằng co chủ đạo. Sự phân hoá giữa các nhóm ngành và các cổ phiếu vốn hoá lớn khiến giao dịch trở nên ảm đạm và có phần nghiêng về phe bán. Tuy nhiên, lực cầu gia tăng sau 14h giúp thị trường đảo chiều tăng điểm trong đó nhóm ngân hàng đóng vai trò dẫn dắt bên cạnh MWG, VRE, HVN,…

Đóng cửa phiên 1/7, VN-Index tăng 9,24 điểm (+0,74%) lên 1.254,56 điểm với thanh khoản thấp, giá trị khớp lệnh đạt khoảng 11.900 tỷ đồng. Giao dịch khối ngoại tiếp tục là điểm trừ khi bán ròng với giá trị hơn 772 tỷ đồng trên toàn thị trường. Đây cũng là phiên "xả hàng" thứ 17 liên tiếp của khối ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

photo-1719834231882

Nhận định về thị trường trong những phiên tới, các CTCK đã đưa ra những nhận định trái chiều:

Tiếp tục đi ngang

Chứng khoán YuantaThị trường có thể sẽ tiếp tục đi ngang quanh mức hiện tại trong phiên giao dịch kế tiếp. Đồng thời, thanh khoản vẫn duy trì ở mức thấp tại nhịp hồi cho thấy các nhà đầu tư vẫn chưa sẵn sàng quay trở lại thị trường và chúng tôi đánh giá rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức cao. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý tiếp tục giảm cho thấy các nhà đầu tư vẫn còn bi quan với diễn biến thị trường hiện tại.

Áp lực điều chỉnh có thể gia tăng

Chứng khoán KBSV: VN-Index đảo chiều hồi phục với biên độ tích cực, hình thành nên mẫu nến "Piercing" và phần nào cho thấy tín hiệu lực cầu đã có phản ứng. Mặc dù vậy, nhiều khả năng áp lực điều chỉnh sẽ gia tăng trở lại trong các nhịp hồi phục intraday của chỉ số, trước khi dòng tiền có thể tạo lực đỡ đáng kể hơn tại các ngưỡng hỗ trợ xa. NĐT được khuyến nghị tránh mua lại quá sớm, chỉ giải ngân 1 phần tỷ trọng nhỏ trading quay vòng cho các vị thế đang nắm giữ tại khi chỉ số lui về vùng hỗ trợ.

Chưa thoát khỏi vùng 1.250 +/- 10 điểm

Chứng khoán BSC: VN-Index giao dịch trong vùng 1.240-1.245 cả phiên sáng trước khi bật tăng trong phiên chiều và đóng cửa tại mốc 1.254.56 điểm, tăng hơn 9 điểm so với phiên trước đó. Độ rộng thị trường nghiêng về phía tích cực với 14/18 ngành tăng điểm, trong đó ngành Bán lẻ dẫn đầu đà tăng, theo sau là ngành Du lịch và giải trí, Xây dựng và vật liệu,…

Về giao dịch của khối ngoại, hôm nay khối này bán ròng trên sàn HSX và mua ròng trên sàn HNX. Thanh khoản vẫn duy trì ở mức thấp, thị trường vẫn chưa cho thấy dấu hiệu sẽ thoát khỏi vùng giao dịch 1.250 +/- 10 điểm trong những phiên tới.

Cần thời gian để xác định xu hướng

Chứng khoán TPS: VN-Index tạo lập một cây nến hồi phục sau phiên giảm điểm khá mạnh trước đó. Thanh khoản tiếp tục suy giảm; đà tăng của thị trường phần lớn tập trung vào phiên chiều cho thấy phiên giao dịch ngày hôm nay vẫn thiên về kéo chỉ số khi có sự tham gia trở lại của ngành ngân hàng.

TPS cho rằng chỉ khi có nhóm cổ phiếu mang tính dẫn dắt xuất hiện (nhóm vốn hóa lớn) thì thị trường mới có thể mở ra các kịch bản tươi sáng hơn. Hiện tại, vùng giá 1.240 điểm đang hỗ trợ chỉ số VN-Index khá tốt. Tuy nhiên, cần thêm thời gian để xác nhận xu hướng của thị trường đã chuyển sang tạo nền hay chưa.

Cần thoát khỏi tình trạng tích luỹ với biên độ hẹp

Chứng khoán SHS: Trong ngắn hạn, VN-Index đang hình thành đường xu hướng giảm giá nối các vùng giá cao 1.305 điểm (13/6/2024) và 1.288 điểm (21/4/2024) với vùng kháng cự ngắn hạn quanh 1.256-1.263 điểm, tương ứng giá trung bình 10 phiên, đồng thời duy trì trên đường xu hướng tăng trưởng trung hạn kéo dài từ tháng 11/2023 đến nay.

Xu hướng ngắn hạn, trung hạn của VN-Index đều dần đi đến thời điểm cần thoát khỏi tình trạng tích lũy với biên độ hẹp dần hiện nay. Đối với chỉ số, với trường hợp tích cực, nhà đầu tư nên chờ chỉ số vượt lên đường xu hướng giảm giá ngắn hạn với thanh khoản gia tăng tốt. Điểm tích cực là thị trường vẫn duy trì số ít mã tăng giá tốt, vượt lên vùng giá đỉnh cũ như các mã bán lẻ, xây lắp điện...

Cùng chuyên mục

Đọc thêm