Chia sẻ trong chuyên mục “Tiêu điểm chứng khoán” do Chứng khoán MB (MBS) tổ chức, ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng MBS cho rằng bối cảnh kinh tế Việt Nam trong nửa cuối năm sẽ có thách thức đan xen với cơ hội. Trong đó, động lực của nền kinh tế và thị trường chứng khoán là xu hướng lãi suất tiếp tục giảm và nhiều khả năng sẽ duy trì ở mức độ hiện tại.
“Tôi kỳ vọng lãi suất giảm sẽ thẩm thấu vào nền kinh tế thực trong nửa cuối năm. Hiện tại, việc hạ lãi suất chưa thực sự thẩm thấu, các doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn nhưng đến cuối năm khả năng một số các doanh nghiệp vững mạnh sẽ có thể cải thiện được hoạt động kinh doanh”. Cũng theo chuyên gia, thị trường chứng khoán thường đi trước nền kinh tế nên thị trường đã phản ánh yếu tố này.
Bên cạnh đó, hoạt động đầu tư công được đẩy mạnh cũng là một động lực của nền kinh tế. 6 tháng đầu năm, đầu tư công giải ngân đã tăng trưởng khá so với mặt bằng của năm ngoái. Đây sẽ là một chủ đề đầu tư tốt và là động lực cho thị trường chứng khoán nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Cuối cùng là chính sách tài khóa dự kiến sẽ có xu hướng được nới lỏng. Câu chuyện đầu tư công tăng, lương cơ bản tăng sẽ trở thành những động lực để nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng tốt hơn trong hai quý cuối năm so với nửa đầu năm.
Tuy nhiên, nhiều thách thức vẫn tồn tại. Đầu tiên là khu vực xuất khẩu suy giảm theo nhu cầu từ thị trường thế giới phục hồi yếu. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm đặc biệt tại các quốc gia là đối tác xuất khẩu chính của Việt Nam bao gồm Mỹ, EU đang đối diện rủi ro suy thoái và Trung Quốc đang phục hồi không như kỳ vọng khiến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam suy giảm.
Lãi suất của toàn cầu vẫn tiếp tục neo ở mức cao và do đó với độ mở của nền kinh tế Việt Nam, bối cảnh trong nước cũng không thể kỳ vọng sẽ phục hồi mạnh mẽ.
“Nếu muốn đạt mức tăng trưởng 6,5% thì dưới góc nhìn của tôi mục tiêu này là rất thách thức, các quý cuối năm phải đạt trung bình 7,5% và trong bối cảnh hiện tại để hoàn thành con số này rất khó. Nhiều tổ chức cũng đã đánh giá tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm nay sẽ giảm hơn so với kế hoạch và tôi cũng đồng ý với quan điểm này, mặc dù mặt bằng lãi suất đã giảm nhưng với nền kinh tế mở như Việt Nam, kinh tế toàn cầu khó khăn thì chúng ta cũng khó mà thuận lợi được”, ông Tuấn chia sẻ.
Một yếu tố bất lợi nữa là khó khăn trên thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục kéo dài. Thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục trầm lắng sẽ tạo nên điểm nghẽn với sự luân chuyển các dòng vốn của nền kinh tế, khiến đầu tư co hẹp qua đó làm chậm quá trình phục hồi tăng trưởng của nền kinh tế.
Về thị trường chứng khoán, chuyên gia cho biết VN-Index đã hồi phục khoảng 28% kể từ đáy tháng 11/2022. Vùng giá 1.040 - 1.050 điểm sẽ là ngưỡng hỗ trợ quan trọng cho thị trường trong thời gian tới. Kinh tế trưởng MBS nhấn mạnh quan điểm chứng khoán Việt Nam đã tạo đáy dài hạn vào cuối năm ngoái.
“Dù nhà đầu tư không nên quá lạc quan khi thị trường còn những lực cản nhất định, song nếu quá bi quan các bạn sẽ bỏ lỡ rất nhiều cơ hội. Do vậy, chúng tôi đánh giá trong năm nay thị trường dự kiến sẽ leo lên vùng. 1.145 – 1.175 điểm
Sang năm 2024 khi mặt bằng lãi suất tiếp tục hạ nhiệt và nền kinh tế tăng trưởng tốt hơn nữa, lợi nhuận doanh nghiệp phục hồi mạnh mẽ thì thị trường sẽ đạt được những đỉnh cao mới. Về mặt tổng thể, xu hướng chính của thị trường trong hai năm tới vẫn là đi lên, tuy nhiên quá trình này sẽ khá gập ghềnh và chậm chạp vì thị trường sẽ phải chờ nguồn tiền gia tăng tương ứng”.
Tìm kiếm câu chuyện tăng trưởng từ những ngành phục hồi theo chu kỳ
Nhận định về cơ hội đầu tư vào những nhóm ngành triển vọng trong 6 tháng đến một năm tới, ông Tuấn cho rằng nhà đầu tư nên chờ nhịp điều chỉnh, ưu tiên lựa chọn những cổ phiếu đầu ngành để hưởng trái ngọt.
Trong đó, với nhóm ngân hàng, các động thái giảm lãi suất điều hành sẽ tạo ra dư địa cho việc hạ lãi suất cho vay xuống mức thấp hơn, qua đó cải thiện nhu cầu tín dụng. Việc giảm lãi suất điều hành cũng khiến cho biên lợi nhuận thuần của các ngân hàng cải thiện trong nửa cuối năm. Tuy nhiên ngành ngân hàng sẽ phân hóa khi các ngân hàng có bộ lọc dự phòng tốt, chất lượng tài sản tốt sẽ có được lợi thế vững chắc hơn trước những khó khăn của nền kinh tế trong năm nay.
Với nhóm chứng khoán, chuyên gia kỳ vọng lãi suất giảm sẽ dần thẩm thấu vào nền kinh tế thực trong nửa cuối năm, gián tiếp tác động tích cực đến thanh khoản của thị trường chứng khoán. Các doanh nghiệp phục hồi lợi nhuận, lãi suất thấp có thể khiến kênh đầu tư chứng khoán trở nên hấp dẫn hơn.
Nhóm ngành thép đang dần thấy sự phục hồi khi đơn hàng thép xuất khẩu đã cải thiện rõ rệt, còn nhu cầu nội địa cũng đang có dấu hiệu tan băng nhờ một số công trình bất động sản dân cư được nối lại. Đầu tư công vẫn là một điểm tựa cho nhu cầu tiêu thụ thép khi các dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 và các công trình cao tốc ở khu vực phía Nam liên tục được khởi công. Cổ phiếu đáng chú ý: HPG, cổ phiếu đáng theo dõi: NKG, HSG.
Ngành bán lẻ với kỳ vọng vào sự phục hồi của một số ngành xuất khẩu chủ lực, chúng tôi kỳ vọng thu nhập của nhóm lao động phổ thông sẽ được cải thiện, tác động tiêu cực đến nhu cầu tiêu dùng của các sản phẩm có tính chất không thiết yếu. Ngoài ta, mặt bằng lãi suất hạ, nhu cầu vay tín dụng có thể phục hồi, qua đó giúp các doanh nghiệp bán lẻ niêm yết cải thiện doanh thu và lợi nhuận trong nửa cuối năm.
Ngành thuỷ sản với xu hướng lạm phát hạ nhiệt, nhu cầu tiêu thụ của các sản phẩm thuỷ sản ở Mỹ trong nửa cuối năm 2023 được kỳ vọng tăng 40-50% so với cùng kỳ 2022. Các thị trường trọng điểm khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, cũng được dự báo hồi phục nhẹ từ cuối quý II/2023 (theo VASEP).
Ngành dệt may sau quý I và quý II gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp dệt may/sợi đang dần dần nhìn thấy cửa phục hồi. Với tình hình các đơn hàng hiện tại, kết qủa kinh doanh sẽ tốt hơn từ nửa cuối quý III đến quý IV/2023 nhờ nhu cầu tiêu thụ hồi phục tại thị trường Mỹ và EU trong bối cảnh lạm phát hạ nhiệt, các nhà bán lẻ bắt đầu chu kỳ tích trữ tồn kho phục vụ mùa mua sắm cuối năm.
Với ngành xây lắp hạ tầng, để đạt mục tiêu hoàn thành 95% kế hoạch giải ngân, MBS cho rằng sẽ có khoảng 550 nghìn tỷ đồng được giải ngân vào nửa cuối năm 2023, tập trung vào một số dự án thành phân cao tốc Bắc Nam. Bên cạnh đó, nhiều tín hiệu cho thấy sân bay Long Thành sẽ được đẩy mạnh, trong đó gói thầu tổng trị giá hơn 35 nghìn tỷ nhiều khả năng sẽ tìm được nhà thầu trong quý III năm nay.
Ngành đá, theo Bộ giao thông Vận tải, nhu cầu đá xây dựng cho thi công sân bay Long Thành giai đoạn 1 lên tới 18 triệu m3, tương đương 58% công suất khai thác được cấp phép hàng năm của tỉnh Đồng Nai. Do đó, dự án sân bay Long Thành được kỳ vọng sẽ là cú hích lớn đối với các doanh nghiệp đá xây dựng trong thời gian tới.
Với ngành hạ tầng năng lượng, chuyên gia cho rằng đầu tư hạ tầng năng lượng là xu hướng dài hạn tất yếu phù hợp với lộ trình giảm phát thải nhà kính và giảm phụ thuộc vào điện than. Bên cạnh đó, hàng loạt các dự án đầu tư hạ tầng LNG đã được đưa vào quy hoạch nhằm phù hợp với chiến lược năng lượng quốc gia, sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong mảng xây dựng hạ tầng năng lượng.