Ấn Độ là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Tuy nhiên, đằng sau đó là những vấn đề đáng lo ngại về tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Quốc gia 1,4 tỷ dân này không tạo ra đủ việc làm cho lực lượng lao động ngày càng đông, dù Thủ tướng Narenda Modi cho biết đây là ưu tiên hàng đầu của ông.
Sản lượng kinh tế tăng nhờ chi tiêu của chính phủ trong thời kỳ đại dịch được đẩy mạnh, trong khi khu vực tư nhân lại gặp cản trở bởi quy định đầu tư mới không rõ ràng. Trong khi đó, những vấn đề gián đoạn do ảnh hưởng của đại dịch và lạm phát gia tăng đang khiến người dân nước này chịu nhiều áp lực.
1. Tình hình thị trường lao động ở Ấn Độ tệ đến mức nào?
Theo Trung tâm Giám sát Kinh tế Ấn Độ (CMIE), một công ty nghiên cứu tư nhân, tỷ lệ thất nghiệp ở Ấn Độ dao động khoảng 7-8%, cao hơn mức 5% cách đây 5 năm. Đồng thời, lực lượng lao động sụt giảm khi hàng triệu người chán nản vì triển vọng việc làm không mấy tích cực trong thời kỳ đại dịch.
Tỷ lệ tham gia lực lượng của Ấn Độ đã giảm xuống chỉ còn 40% trong số 900 triệu người trong độ tuổi lao động hợp pháp, từ mức 46% cách đây 6 năm. Trong khi đó, tỷ lệ này ở Mỹ là 62,2%.
2. Ai bị ảnh hưởng nhiều nhất
Đó là phụ nữ và thanh niên. Từ năm 2010 đến 2020, số phụ nữ đi làm ở Ấn Độ giảm từ 26% xuống 19%, theo số liệu do WB tổng hợp. Khi dịch bệnh căng thẳng thì tình hình trở nên nghiêm trọng: CMIE ước tính tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ đã giảm mạnh xuống còn 9% vào năm 2022, tương đương với Yemen đang bị ảnh hưởng bởi chiến tranh.
Rosa Abraham - giáo sư kinh tế Đại học Azim Premji, người đã theo dõi tình trạng việc làm của 20.000 người trước và sau đại dịch tại Ấn Độ, nhận thấy phụ nữ có nguy cơ mất việc cao hơn nam giới và khả năng đi làm lại sau phong toả cũng thấp hơn nhiều.
Tỷ lệ thất nghiệp ở mọi nhóm tuổi lao động và nhóm 20-24 tuổi ở Ấn Độ.
Ngoài ra, người trẻ tuổi cũng khó kiếm việc làm hơn. CMIE ước tính, tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm tuổi 20-24 là 43,7% vào tháng 6. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp với nhóm 16-24 tuổi ở Trung Quốc là 18,4%, khi quốc gia châu Á này cũng đang đối mặt với những khó khăn về thị trường việc làm.
3. Đằng sau những con số trên là gì?
Hệ thống giáo dục và đào tạo việc làm yếu kém của Ấn Độ khiến bằng cấp thường bị các nhà tuyển dụng coi là vô giá trị. Trong các cuộc khảo sát quy mô lớn, các nhà tuyển dụng cho biết chưa đến 1 nửa số sinh viên tốt nghiệp tham gia lực lượng lao động có kỹ năng tốt mà họ cần, hoặc có khả năng cải thiện trong thời gian làm việc.
Bởi vậy, thay vào đó, nhiều người lựa chọn không tiếp tục học, làm nông hoặc chỉ ở nhà, sống bằng tiền cho thuê nhà, lương hưu của thành viên trong gia đình hoặc hỗ trợ của chính phủ. Nhiều phụ nữ Ấn Độ đang lựa chọn ở nhà nội trợ, chăm sóc người thân và con cái mà không có thu nhập.
4. Tại sao đây là tình trạng đáng lo ngại?
Ấn Độ là quốc gia có lợi thế về người trẻ, khi 1 nửa dân số nước này ở độ tuổi dưới 30. Tuy nhiên, tình trạng già hoá sẽ diễn ra trong những thập kỷ tới. Nếu quốc gia tỷ dân rơi vào tình trạng "già trước khi giàu" và có đủ khả năng để hỗ trợ tất cả người dân, điều này sẽ gây hậu quả cho nền kinh tế 3,2 nghìn tỷ USD.
Để duy trì đà tăng trưởng vượt bậc và thu hút nhà đầu tư toàn cầu, ông Modi cần đảm bảo Ấn Độ có một lực lượng lao động có đủ kỹ năng để thúc đẩy ngành công nghiệp phát triển. Theo báo cáo năm 2020 của McKinsey Global Institute, Ấn Độ cần tạo ra ít nhất 90 triệu việc làm phi nông nghiệp mới vào năm 2030.
Ngoài ra, Ấn Độ còn phải đối mặt với tình trạng bất ổn xã hội. Hồi tháng 6, các cuộc biểu tình đã nổ ra khi chính phủ thông qua kế hoạch kêu gọi nhập ngũ mới mà chỉ cung cấp hợp đồng lao động ngắn hạn và ít phục lợi hơn trước.
5. Chính phủ Ấn Độ đang làm gì?
Ấn Độ đã công bố kế hoạch tuyển dụng 1 triệu lao động đến cuối năm 2023 đối với các vị trí trong cơ quan chính phủ. Chương trình nhập ngũ đối với các nam thanh niên theo hợp đồng 4 năm đã thu hút số lượng người nộp đơn đăng ký cao kỷ lục trong những tuần đầu tiên. Chính phủ cho biết, chương trình này sẽ giúp thúc đẩy việc làm khi có một lực lượng lao động được đào tạo và có kỷ luật cho các ngành của địa phương.
Ngoài ra, việc làm ở khu vực tư nhân cũng có tiến triển tốt, chủ yếu là trong nền kinh tế "gọi xe", chẳng hạn như làm tài xế cho Uber hoặc nhân viên giao hàng cho Zomato, theo đó tâm lý nhà đầu tư được cải thiện.
Tham khảo Bloomberg