"Đường lên núi tu luyện năm nay cũng khốc liệt không kém gì kỳ tuyển sinh đại học hàng năm ở dưới núi", một nhân viên quản lý trường nói.
Hàn Vũ là sinh viên năm thứ 3 của Học viện Đạo giáo Chiết Giang. Trong kỳ nghỉ hè, anh chọn ở lại trường để tiếp khách du lịch và các đạo sĩ từ khắp nơi trên thế giới. Lúc rảnh, Hàn Vũ giúp học viên mới thực hành tại trại huấn luyện mang tên Viên Đường. Trại huấn luyện này là rào cản cuối cùng của kỳ đánh giá tuyển sinh hàng năm. Tại đây, các ứng viên được đào tạo chuyên sâu khép kín trong bốn tuần, không liên lạc với người thân, không sử dụng điện thoại.
"Cường độ tập luyện cũng giống việc huấn luyện quân sự tại các trường cao đẳng và đại học bình thường khác. Giáo viên sẽ tiến hành kiểm tra các ứng viên trên năm phương diện: giới hành, khổ hành, công hành, đức hành và đạo hành. Nếu kiên trì cho đến khi kết thúc và vượt qua bài kiểm tra, họ sẽ trở thành học viên chính thức", Hàn Vũ giải thích cho những người mới đến.
Theo thời gian biểu của khóa đào tạo Viên Đường, các ứng viên phải thức dậy lúc 4h15, tham gia lớp học buổi sáng từ 5h, chủ yếu là đọc kinh điển Đạo giáo. Đến 6h tập luyện buổi sáng, chủ yếu là tu luyện thân tâm như điều hòa hơi thở, thái cực quyền, khí công, thiền định.
Trải nghiệm tại khóa huấn luyện Viên Đường đã để lại ấn tượng sâu sắc với Kim Linh, một học viên tốt nghiệp hai năm trước. "Lúc đầu rất dễ ngủ gật khi thiền định. Khi đó giáo viên sẽ dùng một chiếc roi đánh vào vai, thế là tỉnh ngủ", cô nói.
Ngoài thiền định, còn có những hoạt động khác nhằm rèn luyện thân thể. Kim Linh nói, khóa của cô được chia thành vài nhóm. Nhóm "Hỏa" làm việc trong nhà bếp; nhóm "Mộc" chịu trách nhiệm trồng trọt, còn cô thuộc nhóm "Kim" có nhiệm vụ đốn củi và tỉa cành cây.
"Độ khó, độ nặng của những hoạt động trong khóa huấn luyện sẽ tăng dần", Kim Linh chia sẻ. Lấy thiền định làm ví dụ. Ban đầu chỉ tập luyện mỗi ngày một giờ, sau đó tăng dần về thời gian và đa dạng hình thức tập luyện. "Có thể bạn sẽ được yêu cầu vừa thiền vừa thổi tiêu, chủ yếu là kiểm tra hơi thở ổn định hay không", cô gái nói.
Học chơi tiêu cũng là bước quan trọng để trở thành một đạo sĩ. Tại học viện, không khó nhận thấy các đạo sĩ luôn cầm một chiếc tiêu và luyện tập ngày đêm. Loại nhạc cụ này không chỉ giúp ngón tay hoạt động linh hoạt mà còn kiểm soát chặt chẽ độ mạnh của luồng hơi, tạo ra âm thanh trầm bổng. Theo Kim Linh, cô đã học tại đây ba năm và mới chỉ thổi được hai bản nhạc.
Những bài kiểm tra như vậy kéo dài trong suốt những năm học tập tại trường. Tại học kỳ đầu tiên của năm cuối cấp, trường sẽ đánh giá toàn diện năng lực, thái độ của từng học viên rồi sắp xếp vào các ngôi đền Đạo giáo khác nhau thực tập. Sang học kỳ hai, sinh viên bắt đầu làm luận văn và bảo vệ tốt nghiệp.
"Nhiều người vẫn nghĩ chúng tôi có thể 'nằm dài' khi đến đây, nhưng việc học khá vất vả bởi phải tuân thủ nghiêm ngặt thời gian biểu cũng như đến lớp sáu ngày trong một tuần", Kim Linh nói.
Theo cô, trong số 60 người được tuyển hàng năm, những người kiên trì tới cùng cho đến ngày tốt nghiệp chỉ còn lại non nửa.
Tự Phú là người phụ trách an ninh của Học viện Đạo giáo Chiết Giang. Sinh năm 1989, Tự có mái tóc dày và dài, thường túm lên bằng kép tóc. Đồng đạo khi đến thăm trường thường cùng Tự luyện công tại quảng trường lầu một. Động tác và biểu cảm của chàng trai này luôn tràn đầy sức sống.
Nhưng mười năm trước, Tự Phú từng mắc bệnh hiểm nghèo và muốn tự tử.
Sau khi tốt nghiệp cử nhân, Tự Phú làm việc trong một khách sạn 5 sao ở Vũ Hán. Tuy nhiên chàng trai này luôn cảm thấy bất ổn. Vốn thật thà, anh thường bị quản lý khách sạn bố trí làm ca đêm. Nếu sai sót, cũng chính người này sỉ nhục cay nghiệt khiến Tự Phú bị đồng nghiệp coi thường.
Để giảm bớt áp lực tinh thần, chàng trai sống phóng khoáng trong mối quan hệ nam nữ. Vài năm trước Tự Phú thấy ngực đau, đi khám được chẩn đoán có khổi u. Nghĩ rằng mình chẳng sống được bao lâu nữa, anh nghỉ việc về nhà. Tình cờ nhìn thấy thông tin về Học viện Đạo giáo Chiết Giang.
"Dù sao cũng chẳng có nơi nào khác để đi, thử lên núi xem cuộc sống nơi đây thế nào", chàng trai nêu lý do khi rời thành phố lên núi. Tháng 7/2014, Tự Phú bắt xe hơn mười tiếng mới đến được trường. Anh quyết định đi bộ từ dưới chân núi để chứng minh bản thân là một người mộ đạo.
Trước khi lên núi, Kim Linh cũng từng làm việc cho một công ty thiết kế nội thất. Có thời điểm, bản vẽ nào của cô cũng không khiến khách hàng vừa lòng. "Tôi suy sụp, nghĩ rằng bản thân là một kẻ vô dụng", cô gái nói.
Thời điểm này, dịch Covid-19 bùng phát, Kim Linh sống trong trạng thái căng thẳng tột độ. Cảm giác trống rỗng cũng bắt nguồn từ sự hoang mang về con đường phát triển sự nghiệp. Cô nhận thấy phụ nữ cùng ngành sau khi kết hôn và sinh con, họ thường thay đổi nghề nghiệp hoặc ở nhà toàn thời gian.
"Tôi muốn cởi trói cho sự trì trệ và muốn tìm một nơi khiến lòng mình thanh thản". Năm 2021, Kim Linh đã vượt qua kỳ đánh giá tuyển sinh của Học viện Đạo giáo Chiết Giang và trở thành một học viên.
Giống như Kim Linh, lúc đầu những người lên núi đều muốn cởi trói cho sự trì trệ được tích tụ ở cuộc sống hiện đại. Thứ hai là để dưỡng bệnh, chăm sóc tinh thần bản thân, muốn thoát ra cuộc sống ngột ngạt để tìm con đường hạnh phúc mới.
Sau khi tốt nghiệp, Kim Linh đến tu tập ở một ngôi đền Đạo giáo ở tỉnh Hồ Nam sau đó chuyển đến Tây An. Ngôi đền hiện tại cô tu tập khá tồi tàn và nhỏ bé, lên xuống núi rất bất tiện. Bởi vậy, cuộc sống của cô gái này trở nên đơn giản hơn. Ngoài việc chăm lo đạo quán, ngày nào cô cũng đọc sách và ngồi thiền. Đến bữa, bốn đạo sĩ trong đền thay phiên nhau nấu ăn với món chính là bánh bao, ăn kèm với khoai tây hoặc củ cải bào sợi. Họ thường ngồi trước cửa đền ngắm núi, trò chuyện cho đến khi hạng vạng tối.
Khi Tự Phú ở trong trường, mỗi sáng anh đều dọn dẹp hành lang mỗi tầng với tinh thần tự nguyện. "Khi dọn dẹp và rửa sạch rác rưởi, tôi cảm thấy những suy nghĩ vẩn vơ trong lòng dần tiêu tan", anh nói. Sau này anh trở thành thành viên của hội an ninh trường với nhiệm vụ hướng dẫn học viên tham gia lao động cũng như thực hiện tốt nội quy. Công việc mang đến cho Tự Phú niềm vui và tính trách nhiệm. "Người từng nghĩ bản thân vô dụng giờ lại đang nỗ lực để trở thành đàn anh tốt trong mắt các học viên khác", Tự Phú nói.
Với Hàn Vũ, dù ở trên núi nhưng anh luôn nắm rõ mọi thông tin của đời sống bên ngoài. "Tỷ lệ trầm cảm ở thanh thiếu niên Trung Quốc đã lên tới 24,6%. Là một sinh viên của Học viện Đạo giáo, tôi muốn làm gì đó", Hàn bộc bạch.
Trong kế hoạch, thanh niên này muốn sử dụng những kiến thức và kỹ năng đã học để xây dựng một ngôi đền Đạo giáo, chủ yếu thu nhận người trẻ có vấn đề về tinh thần đến tu luyện.
(Theo qq)