Với mức tăng trưởng ấn tượng 5,66% trong quý I/2024 giữa bối cảnh kinh tế toàn cầu nói chung còn gặp nhiều khó khăn, kinh tế Việt Nam đang nhận được nhiều đánh giá tích cực từ các chuyên gia nước ngoài, trở thành một trong những điểm đến đầu tư rất hấp dẫn của khu vực.
Thị trường hấp dẫn trong mắt các tổ chức quốc tế
Trong khuôn khổ Hội nghị thường niên mùa Xuân của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) diễn ra tại thủ đô Washington D.C (Mỹ), Trưởng đoàn tham vấn và giám sát kinh tế Vĩ mô Việt Nam của IMF, ông Paulo Medas, đã chia sẻ với phóng viên TTXVN rằng Việt Nam là điểm đến hấp dẫn cho đầu tư nước ngoài (FDI) trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động và bất ổn địa chính trị gia tăng.
Chuyên gia của IMF đánh giá rằng trong bối cảnh chuỗi cung ứng đang chuyển dịch sang châu Á, Việt Nam tiếp tục là một trong những thị trường hấp dẫn, thu hút lượng lớn FDI nhờ môi trường đầu tư ổn định, nền kinh tế tăng trưởng cao, thị trường nội địa lớn và nguồn nhân lực trẻ.
Trước đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam theo sức mua tương đương (PPP) sẽ đạt gần 2.343 tỷ USD vào năm 2029, vượt qua Australia và Ba Lan, xếp thứ 20 trên thế giới. Tuy nhiên, để duy trì sức hấp dẫn, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, giảm thiểu thủ tục hành chính, phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là năng lượng xanh, và đẩy mạnh đổi mới sáng tạo.
Báo cáo cập nhật kinh tế 6 tháng Điểm lại mới nhất của Ngân hàng Thế giới vừa được công bố tuần trước cũng nhận định kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,5% trong năm 2024 và tăng dần lên 6,0% vào năm 2025. Theo WB, sau khi trải qua giai đoạn giảm tốc trong năm 2023, nền kinh tế đang có một số tín hiệu phục hồi vào đầu năm 2024. Xuất khẩu đang phục hồi, tiêu dùng và đầu tư tư nhân trong nước cũng trên đà tăng dần. Ngoài ra, lĩnh vực bất động sản dự báo cũng sẽ phục hồi mạnh hơn vào cuối năm nay và năm sau, thúc đẩy nhu cầu trong nước khi các nhà đầu tư và người tiêu dùng dần lấy lại niềm tin.
Trong khi đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) lại tỏ ra lạc quan hơn khi kỳ vọng kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,0% trong năm 2024 và 6,2% trong năm 2025. Theo ADB, nhu cầu toàn cầu suy giảm và lãi suất quốc tế cao đã tác động đến tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2023. Tuy nhiên, việc chuyển hướng nhanh chóng sang chính sách tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng và đầu tư công quy mô lớn là một trong những biện pháp then chốt được thực hiện để duy trì phục hồi tăng trưởng. Sự phục hồi tương đối toàn diện trong các ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu, dịch vụ và hoạt động ổn định của ngành nông nghiệp được kỳ vọng sẽ hỗ trợ cho đà phục hồi của Việt Nam.
Tại Hàn Quốc, theo bài viết đăng tải trên báo Donga Ilbo, Việt Nam đang được coi là "công xưởng thế hệ tiếp theo" và là thị trường đang phát triển để thay thế một số thị trường khác, trở thành trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tiên tiến.
Bài viết chỉ rõ khả năng cạnh tranh R&D của Việt Nam được hưởng lợi từ những thay đổi trong chính sách của Chính phủ. Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu vượt xa mô hình “Made in Vietnam” trước đây, vốn chỉ giới hạn ở vai trò là cơ sở gia công, để trở thành trung tâm sản xuất với kỹ thuật và năng lực sản xuất của chính mình và đang tăng cường nỗ lực thúc đẩy lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT).
Điểm đến chiến lược của các doanh nghiệp nước ngoài
Không chỉ các tổ chức quốc tế, nhiều doanh nghiệp nước ngoài cũng đã có những đánh giá rất tích cực về kinh tế Việt Nam. Mới đây nhất, tập đoàn công nghệ Apple của Mỹ thông báo sẽ gia tăng chi tiêu cho các đối tác trong chuỗi cung ứng tại Việt Nam, nơi vốn được coi là trung tâm sản xuất chủ chốt. Thông báo này được đưa ra khi Giám đốc điều hành (CEO) Apple, Tim Cook, có chuyến thăm hai ngày, bắt đầu từ ngày 15/4 tại Việt Nam. Theo thông báo của Apple, Việt Nam là một trong 5 quốc gia hàng đầu thế giới về sản xuất trò chơi di động. Ông Cook cho biết Apple cam kết tiếp tục tăng cường sự kết nối tại Việt Nam.
Trước đó, vào tháng 3/2024, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam Choi Joo Ho cho biết năm 2023, Samsung đã đầu tư bổ sung 1,2 tỷ USD, nâng tổng vốn đầu tư tại Việt Nam lên 22,4 tỷ USD. Samsung cam kết sẽ tiếp tục đầu tư thêm 1 tỷ USD mỗi năm tại Việt Nam. Trung tâm Nghiên cứu và phát triển của Samsung hiện có 2.400 kỹ sư đang làm việc, trong đó các kỹ sư người Việt Nam là lực lượng "nòng cốt" trong việc nghiên cứu tính năng trí tuệ nhân tạo (AI) trong dòng điện thoại mới Galaxy S24, được Tập đoàn Samsung đánh giá cao về năng lực.
Báo cáo mới công bố của ngân hàng UOB có trụ sở tại Singapore giữ nguyên dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay ở mức 6%. UOB nhận định "triển vọng cho năm 2024 là tích cực mặc dù các rủi ro vẫn còn hiện hữu". Các thách thức bao gồm xung đột Nga-Ukraine, Hamas- Israel có thể làm gián đoạn thương mại và thị trường năng lượng, hàng hóa toàn cầu. Bù lại, những cơ sở để lạc quan cho tăng trưởng các quý tới gồm sự phục hồi của nhu cầu ngành bán dẫn, tăng trưởng ổn định ở Trung Quốc và khu vực, khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn cũng như những xu hướng chuyển dịch có lợi trong chuỗi cung ứng cho Việt Nam và ASEAN.
Trước đó, trong bài viết “Nhận định nền kinh tế số ASEAN”, các chuyên gia của ngân hàng HSBC cho biết nền kinh tế số ASEAN đang bước vào một giai đoạn tươi sáng mới, trong đó Việt Nam đã trở thành thị trường đi đầu trong ngành công nghiệp số đối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Bà Amanda Murphy - Giám đốc Khối khách hàng Doanh nghiệp, khu vực Nam và Đông Nam Á, HSBC châu Á-Thái Bình Dương cho biết nền kinh tế số của Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất ASEAN vào năm 2022, 2023 và dự kiến sẽ duy trì vị trí này cho đến năm 2025. Việt Nam cũng được dự báo sẽ có 67,3 triệu người dùng điện thoại thông minh vào năm 2026, chiếm 96,9% người dùng Internet.
Tài khóa thúc đẩy tăng trưởng
Ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam, chia sẻ rằng kinh tế Việt Nam được kỳ vọng tăng trưởng với nhịp độ vững chắc trong năm nay và năm tới, bất chấp môi trường toàn cầu còn nhiều thách thức. "Tuy nhiên, những bất ổn địa chính trị toàn cầu và các hạn chế mang tính cơ cấu của kinh tế trong nước có thể ảnh hưởng đến triển vọng này. Do đó, các biện pháp chính sách trong năm 2024 sẽ cần kết hợp các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng ngắn hạn để đẩy mạnh nhu cầu trong nước với các giải pháp cải thiện cơ cấu trong dài hạn nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững".
Đại diện ADB lưu ý rằng để thúc đẩy tăng trưởng, Việt Nam cần có các biện pháp mạnh mẽ hơn để giải quyết những yếu kém về cơ cấu trong nước như sự phụ thuộc nhiều vào ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI, mối liên kết lỏng lẻo giữa các ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu và phần còn lại của nền kinh tế, thị trường vốn non trẻ, sự phụ thuộc quá nhiều vào tín dụng ngân hàng, cũng như các rào cản pháp lý phức tạp đối với doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam, lưu ý rằng dư địa chính sách tiền tệ, giảm lãi suất không còn nhiều. Trong bối cảnh không gian chính sách tiền tệ hạn chế, chi tiêu tài khóa và đầu tư sẽ là chìa khóa tăng trưởng trong năm 2024.
Đồng quan điểm này, báo cáo mới nhất của WB cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các chính sách tài khóa nhằm củng cố sự phục hồi của kinh tế Việt Nam. Báo cáo khuyến nghị đẩy nhanh tốc độ triển khai các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng được tài trợ bởi nguồn lực công. Điều này sẽ giúp kích thích nền kinh tế, với tiềm năng tăng trưởng GDP là 0,1 điểm phần trăm cho mỗi mức tăng 1 điểm phần trăm trong đầu tư công tính theo tỷ lệ GDP.
“Đầu tư vào các dự án hạ tầng công tạo ra nhiều lợi ích lâu dài bên cạnh việc kích thích kinh tế ngay lập tức” – đó là lời chia sẻ của ông Sebastian Eckardt, Giám đốc Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới về Kinh tế Vĩ mô, Thương mại và Đầu tư cho biết.
Chuyên gia Eckardt cũng cho rằng: “Nỗ lực tăng cường quản lý đầu tư công cũng sẽ giải quyết những điểm nghẽn cơ sở hạ tầng quan trọng về năng lượng, giao thông và hậu cần, vốn là nền tảng cho tăng trưởng kinh tế dài hạn của Việt Nam”.