Trong suốt chiều dài lịch sử, Ấn Độ từng nằm dưới sự thống trị của đế quốc Mogul trong khoảng 400 năm. Vì nhiều mục đích khác nhau, các vị vua Mogul đã chia Ấn Độ ra thành nhiều tiểu quốc khác nhau và chỉ định một người quản lý được gọi là Nawab.
Trong số đó, nhà Nizam là Nawab của tiểu quốc Hyderabad từ thế kỷ 18 - 20. Đây là gia đình giàu có nhất trong số các Nawab, thậm chí đã có thời điểm họ còn giàu hơn cả triều đình Mogul thời bấy giờ.
Bất cứ khi nào triều đình Mogul gặp sự cố, gia đình Nizam ở Hyderabad đều ra tay tương trợ, cả về tài chính lẫn quân đội. Không chỉ vậy, gia đình Nizam còn trung thành với đế quốc Mogul tới mức chưa bao giờ có ý định lật đổ dù triều đại này đã suy tàn vào thế kỷ 18.
Khối tài sản kếch xù của nhà Nizam đến từ mỏ kim cương Golconda, mỏ kim cương duy nhất trên thế giới lúc bấy giờ. Nizam thứ 7 (Đệ Thất) và cũng là vị vua cuối cùng của Hyderabad là Mir Osman Ali Karan. Nhân vật này từng được biết đến là một vị vua giàu có nhưng lại có lối sống tiết kiệm kỳ lạ.
Vị vua có nhiều tiền không đếm nổi
Mir Osman Ali Karan lên ngôi vào ngày 11/8/1911, ở tuổi 25 và cai trị Vương quốc Hyderabad từ năm 1911 đến năm 1948, cho đến khi nó được sáp nhập và trở thành thành phố Hyderabad, thuộc bang Telangana ngày nay tại Ấn Độ.
Vua Nizam thứ 7 và cũng là vị vua cuối cùng của Hyderabad là Mir Osman Ali Karan từng được đánh giá là một trong những người giàu nhất mọi thời đại. Năm 1937, ông có mặt trên trang bìa tạp chí Time với tư cách là người giàu nhất vào thời điểm đó.
Chuyện kể rằng Nizam Đệ Thất có lần phát hiện những con chuột đã gặm nhấm 3 triệu bảng Anh (hơn 85 tỷ đồng theo tỷ giá hiện tại) trong chiếc hòm đặt ở một căn hầm của cung điện. Tuy nhiên ông lại không có phản ứng gì và bình thản như mọi chuyện chưa từng xảy ra.
Có tin đồn cho rằng vị vua này sở hữu nhiều viên ngọc trai đến mức có thể lát kín được Giao lộ Piccadilly ở thành phố Westminster (Anh). Ông cũng cất giấu nhiều ngọc lục bảo trong phòng ngủ của mình.
Vua Nizam Đệ Thất.
Bộ sưu tập đá quý của Nizam Đệ Thất vô cùng phong phú. Trong đó có viên kim cương Jacob huyền thoại, viên đá quý 185 carat có kích thước bằng quả trứng đà điểu trị giá 50 triệu bảng Anh (hơn 1.421 tỷ đồng theo tỷ giá hiện tại). Viên kim cương này được ông tìm thấy trong một chiếc tất cũ của cha. Điều bất ngờ hơn là ông dùng nó để... chặn giấy trên bàn làm việc.
Không chỉ mọi thứ xung quanh bàn làm việc của Nizam Đệ Thất đều được dát vàng, hơn 150 chiếc xe ô tô đắt tiền của ông cũng có ghế ngồi được bọc lụa vàng tỏa sáng óng ánh. Số lượng vàng ngọc mà ông sở hữu phải mất tận 3 ngày mới lau rửa, đánh bóng xong, và phải mất cả năm mới có thể kiểm tra, giám định hết được.
Ước tính ở thời kỳ đỉnh cao, tổng lượng vàng Nizam Đệ Thất sở hữu khoảng 100 triệu bảng Anh (khoảng 2.800 tỷ đồng), còn lượng ngọc là 400 triệu bảng Anh (khoảng 11.300 tỷ đồng). Còn nếu tính cả bất động sản, tổng tài sản của Quốc vương Hyderabad nhiều không kể hết.
Vị vua này có một đội quân riêng gồm 3.000 vệ sĩ, 38 người với công việc duy nhất là quét bụi cho đèn chùm trong cung điện, và 28 người nữa chỉ để "bưng bê, rót nước uống". Tổng cộng số quân lính và người hầu trong cung điện của Nizam Đệ Thất là khoảng 12.000 người. Tất cả họ đều được phân công nhiệm vụ phục vụ nhà vua 24/7.
Nizam Đệ Thất đi thị sát khắp vương quốc của mình trên chiếc Rolls-Royce, có ban nhạc riêng chuyên chơi những bản nhạc mà ông yêu thích. Nhà vua có 4 hoàng hậu, 42 phi tần và 34 người con.
Nizam Đệ Thất (chính giữa) và vợ con cùng các cận thần.
Bước sang tuổi 40 lại sống tiết kiệm khó tin
Mỗi năm, Nizam Đệ Thất cho tổ chức 4 đại tiệc chiêu đãi, mời toàn bộ vương tôn quý tộc Hyderabad tham gia. Khách dự tiệc bắt buộc phải bày tỏ tấm lòng bằng tài vật. Nhà vua đích thân đi xung quanh bàn tiệc và nhận thành ý của mọi người.
Trước đó Nizam Đệ Thất nổi tiếng là người sống xa hoa. Tuy nhiên khi bước sang tuổi 40, vị vua này bắt đầu thực hành lối sống tiết kiệm kỳ lạ.
Với số tài sản kếch xù của mình, Nizam Đệ Thất hoàn toàn có thể sống thoải mái đến cuối đời. Thế nhưng từ khi bước sang tuổi 40, vị vua này lại chuyển sang lối sống tiết kiệm kỳ lạ. Ông mặc cùng một bộ quần áo rách nát trong suốt hàng chục năm, tự tay đan đôi tất của mình và thường xuất hiện với những bộ quần áo chằng chịt những miếng vá.
Đến cuối đời nhà vua sống giản dị đến kỳ lạ.
Thậm chí Nizam Đệ Thất còn không cần thay trang phục trong nhiều tháng dù cho bản thân sở hữu một tủ quần áo dài hàng km chứa đầy lụa là, gấm vóc. Việc ăn uống của ông cũng trở nên đơn giản đến lạ. Ông dùng một chiếc đĩa thiếc để ăn. Về già, ông ngủ ở một mái hiên đơn sơ cùng với một con dê bị buộc dây ở đó.
Mỗi tuần, Nizam Đệ Thất chỉ cho phép bản thân được tiêu hết đúng 1 bảng Anh (khoảng 28 nghìn đồng). Đã có lần, Nizam Đệ Thất sai người hầu đi chợ mua chăn mới, dặn trước không được phép trả quá 25 rupee (hơn 7 nghìn đồng). Vì thương buôn đòi 35 rupee/cái chăn, người hầu đành tay không trở về và ông tiếp tục sử dụng cái chăn cũ của mình.
Không giống như người cha già sống tiết kiệm, 34 người con của Nizam Đệ Thất lại chi tiêu cực kỳ thoải mái. Họ tìm mọi cách để xin tiền từ cha của. Đỉnh điểm nhất, Nizam Đệ Thất phải mở một tài khoản ngân hàng gửi hẳn 1 triệu bảng Anh (hơn 28 tỷ đồng) để cho các con tiêu xài và trả nợ.
Ngày 24/2/1967, Nizam Đệ Thất băng hà, Hyderabad tổ chức quốc tang. Đó cũng là lúc các con của ông bắt đầu cuộc chiến tranh giành tài sản và vương triều nhà Nizam cũng không tồn tại được lâu...
Nguồn: Medium, Daily Mail