Một người mẹ sinh sống tại Trung Quốc chia sẻ câu chuyện về con mình. Trước khi con học mẫu giáo, người mẹ luôn cảm thấy hài lòng về con, chưa bao giờ lo lắng con học kém hơn các bạn. Mọi người đều khen con trai cô thông minh, lanh lợi. Nhưng khi lên 5 tuổi, trong khi nhiều đứa trẻ khác nhận biết được mặt chữ, làm được phép tính đơn giản, nói được nhiều câu Tiếng Anh thì con của cô vẫn không biết gì.
Cô lo lắng chia sẻ: "Tôi thấy con mình thật kém cỏi. Tôi sợ con lên lớp 1 sẽ đuối hơn so với các bạn". Một thời gian sau, cô phát hiện con trai rất thích vẽ tranh, có ước mơ trở thành hoạ sĩ. Nghe con thổ lộ, cô liền đăng ký lớp học năng khiếu vẽ cho con.
Thật không ngờ, chỉ sau một thời gian ngắn, đứa trẻ tiếp thu kiến thức rất tốt, có hứng thú học tập hơn. Dù điểm số chưa tăng cao nhưng có sự cải thiện rõ rệt. Con cô không còn sợ những môn học trên lớp nữa. Về hội hoạ, đứa trẻ được giáo viên đánh giá có tố chất, nếu được đầu tư có thể sẽ rạng danh. Nghe vậy, cô lấy làm vui mừng và hãnh diện.
Giáo sư Lý Mai Cần – Chuyên gia Tâm lý Học đường hàng đầu Trung Quốc đã chỉ ra rằng, nếu trẻ không có tiềm năng tiếp thu kiến thức văn hoá, cha mẹ nên chuyển hướng sang các môn học theo năng khiếu của trẻ như: Âm nhạc, Mỹ thuật, Bơi lội,… Điều này giúp trẻ phát triển tối đa năng lực bản thân.
Giáo sư Lý Mai Cần – Chuyên gia Tâm lý Học đường hàng đầu Trung Quốc.
Trên thực tế, trẻ thường bộc lộ sở thích, năng khiếu ngay khi còn nhỏ. Cha mẹ cần quan sát kỹ lưỡng để giúp con phát triển. Khi yêu thích một lĩnh vực nào đó, trẻ cảm thấy hứng thú nghiên cứu, khám phá. Lúc này, trẻ sẽ tập trung suy nghĩ, giải quyết vấn đề, không lùi bước trước khó khăn.
Vì vậy, không chỉ học tập kiến thức văn hoá mới là con đường duy nhất dẫn tới thành công. Nếu phát hiện con có những sở thích, năng khiếu riêng biệt, cha mẹ nên động viên và đưa ra định hướng giúp con phát triển. Trong quá trình đó, cha mẹ cần lưu ý một số điều dưới đây.
1. Hiểu rõ tài năng thiên bẩm của con
Cha mẹ cần tôn trọng quy luật khoa học, căn cứ vào những sở thích đặc biệt để đăng ký cho con tham gia vào các lớp năng khiếu phù hợp. Các bậc phụ huynh thường khó phân tích và hiểu được con mình có tài năng, tiềm năng ở lĩnh vực nào. Tuy nhiên, việc quan sát con hằng ngày rất có ích trong việc xác định.
Chẳng hạn như nếu con thích âm nhạc, thích đàn piano thì hãy cho con đi học lớp luyện đàn piano. Hay con thích đá bóng thì cho con tham gia lớp huấn luyện bóng đá chuyên nghiệp,…
Khi chọn lớp năng khiếu cho con, cha mẹ không nên quá tham lam, cầu toàn, không nên mù quáng cho con tham gia nhiều lớp đến nỗi con không có thời gian để phát triển. Cha mẹ càng không nên ép con tham gia những lớp năng khiếu không có chút liên quan đến tài năng thiên bẩm của con.
Trước khi đăng ký lớp học năng khiếu cho con, cha mẹ cần biết rõ tài năng thiên bẩm của con. (Ảnh minh hoạ)
2. Tôn trọng mong muốn của con
Có nhiều bậc cha mẹ muốn con phát triển toàn diện, nhanh chóng thành tài nhưng không tôn trọng mong muốn của con. Họ bắt con tham gia nhiều lớp bồi dưỡng năng khiếu vượt khả năng tiếp thu và học tập của con. Làm như vậy chỉ làm tăng áp lực học tập, hoàn toàn không có lợi cho việc bồi dưỡng đam mê thực sự và khai thác tiềm năng của con một cách tự nhiên.
Trên thực tế, nếu chọn đúng lớp năng khiếu con thật sự muốn theo học sẽ có lợi cho việc phát triển năng lực thiên bẩm và kích thích sự ham học hỏi của con. Nhờ vây, con mới cảm thấy có cảm hứng để học tập.
Hãy luôn tôn trọng mong muốn của con bằng việc lắng nghe con tâm sự. (Ảnh minh hoạ)
3. Không nên so sánh mù quáng, không nên chạy theo trào lưu
Nhiều bậc phụ huynh thấy con nhà người khác tham gia lớp học năng khiếu thì lo sợ con mình sẽ bị tụt hậu. Họ mong muốn con mình có điểm xuất phát cao và luôn bị ám ảnh bởi tâm lý muốn con tài giỏi hơn người khác. Vì vậy họ ép con tham gia đủ các lớp năng khiếu.
Cứ như vậy, họ chạy theo trào lưu, mù quáng so sánh với những thứ xa vời. Từ việc được hưởng lợi từ học năng khiếu, trẻ dần trở thành người bị ép buộc. Việc học năng khiếu như vậy không thể đạt được hiệu quả. Cha mẹ không nên so sánh xa rời thực tế, phải có cái nhìn đúng đắn. Hãy chọn khoá học và có định hướng cho con rõ ràng.