Những lợi ích của việc làm bài tập về nhà đã được phụ huynh và giáo viên tranh luận trong nhiều năm qua. Mặc dù có nhiều người cho rằng, bài tập về nhà có hại hơn có lợi bởi nó gây ra thêm sự căng thẳng không cần thiết cho mọi người. Nhưng một số người khác lại cho rằng, việc làm bài tập về nhà mang lại nhiều tích cực vì nó giúp trẻ suy nghĩ độc lập hơn sau giờ học trên lớp.
Mới đây, ông Tạ Đại Hòa - Giáo sư nghệ thuật cao cấp tại Đại học Thanh Hoa, đồng thời là Phó Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục Trung Quốc đã đưa ra những phân tích hữu ích về vấn đề giao bài tập về nhà cho trẻ.
Chân dung giáo sư Tạ Đại Hòa.
1. Khuyến khích học sinh luyện tập và thực hành ở nhà
Thông thường một giờ học từ 45 – 50 phút ở trên lớp chỉ đủ để giáo viên giúp học sinh nắm được một cách khái quát nhất những lý thuyết quan trọng. Tuy nhiên, nếu chỉ nắm được lý thuyết mà không thực hành thì điều đó gần như không mang lại lợi ích.
Chính vì thế, việc giao bài tập về nhà giúp học sinh có thời gian luyện tập và thực hành kiến thức đã được học trên lớp. Việc làm đi làm lại bài tập sẽ gây nhàm chán, song đây là việc cần thiết để nắm vững kiến thức, đặc biệt là đối với những kiến thức khó.
2. Cho phép bố mẹ cùng con học tập
Nhiều phụ huynh than phiền rằng, họ không biết một cách chính xác các con được học những gì trên lớp. Chính vì thế, những bài tập về nhà sẽ giúp bố mẹ giải quyết được vấn đề này. Vì khi ở lớp, con được học lý thuyết gì thì về nhà sẽ được giao bài tập ấy. Bằng cách này, phụ huynh có thể nắm được tình hình học trên lớp của con.
Hơn nữa, khi con làm bài tập về nhà, bố mẹ có thể cùng tham gia để hướng dẫn cho con những chỗ vướng mắc. Việc có người hỗ trợ cũng góp phần tạo nên động lực cho trẻ.
3. Giúp con học được kỹ năng quản lý thời gian
Làm bài tập về nhà là nhiệm vụ của học sinh sau khi kết thúc giờ học ở trường. Tuy nhiên, sau khi tan học, các em còn tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa khác, cũng như phải thực hiện các công việc sinh hoạt thường nhật.
Do đó, để vừa có thể tham gia những hoạt động giải trí và sinh hoạt, vừa hoàn thành bài tập về nhà trước khi đến lớp thì học sinh phải biết cách quản lý và sắp xếp thời gian sao cho hợp lý. Kỹ năng này không chỉ có ích cho việc học trong hiện tại mà còn giúp ích nhiều cho các em trong tương lai.
Làm bài tập về nhà giúp trẻ học được kỹ năng quản lý thời gian. (Ảnh minh hoạ)
4. Tạo được sự liên kết giữa nhà trường và gia đình
Thông thường, giáo viên ít khi để ý đến cuộc sống gia đình học sinh. Ngược lại, nhiều ông bố bà mẹ cũng không nắm được thời gian học tập, kế hoạch học tập của con. Và bài tập về nhà chính là cầu nối mở ra sự liên kết giữa nhà trường, giáo viên và phụ huynh. Điều này giúp mọi người hiểu nhau hơn. Giáo viên có thể qua các bậc phụ huynh để hiểu được nhu cầu của học sinh.
Ngoài ra, thông qua việc trao đổi bài tập về nhà, điểm số với giáo viên, phụ huynh sẽ nắm được điểm mạnh và điểm yếu của con. Từ đó, gia đình và nhà trường sẽ cùng nhau lên một kế hoạch giáo dục, tạo ra môi trường học tập tốt nhất cho trẻ.
GIẢI PHÁP HỮU HIỆU: THIẾT KẾ BÀI TẬP VỀ NHÀ
1. Đối với giáo viên
Giáo sư Tạ Đại Hòa khuyến khích giáo viên tự thiết kế bài tập về nhà. Thực tế, có rất ít giáo viên tự thiết kế bài tập về nhà. Hầu hết họ đều mượn bài tập khác nhau từ ngân hàng câu hỏi, tư liệu sẵn có.
Tất nhiên, việc mượn bài tập sẵn như vậy là cần thiết. Nhưng nếu giáo viên có thể tự thiết kế một số bài tập dựa trên ý tưởng của bản thân và tình hình thực tế của học sinh sẽ tốt hơn rất nhiều. Đặc biệt, công việc này giúp đánh giá được năng lực chuyên môn của giáo viên. Mỗi nhà trường cũng nên tạo cho mình một ngân hàng bài tập riêng biệt.
2. Đối với học sinh
Đồng thời, giáo sư cũng khuyến khích học sinh tự thiết kế bài tập về nhà. Việc làm này giúp các em có ý thức hơn trong việc đưa ra ý tưởng giải bài tập. Các em sẽ phát huy được tính sáng tạo, nhạy bén và có thêm động lực giải bài tập do chính mình tạo ra.
Thông qua việc tự thiết kế bài tập về nhà, học sinh sẽ nắm được lỗ hổng kiến thức để tự cải thiện bản thân hoặc nhờ giáo viên hỗ trợ.
Giáo sư Tạ Đại Hòa nhấn mạnh: "Đừng coi thường những bài tập về nhà của học sinh. Tôi đã làm nghiên cứu trên một nhóm học sinh và nhận ra rằng, chỉ sau một thời gian ngắn, những học sinh tự tạo bài tập cho mình sẽ yêu thích việc học hơn. Nhờ vậy, các em cải thiện được điểm số, đạt thành tích cao trong học tập".