Giáo sư Ngô Bảo Châu tại buổi trò chuyện - Ảnh: TRỌNG NHÂN
"Tôi từng khủng hoảng trong học hành"
Tại buổi nói chuyện, giáo sư Ngô Bảo Châu cho rằng trong nghiên cứu khoa học luôn có nhiều khó khăn khác nhau. Nhưng theo ông, cái khó nhất là mỗi người phải luôn biết cách tự làm mới bản thân.
Ông giải thích hồi còn đi học, ông được trang bị một số công cụ hay "vũ khí" tư duy để giải quyết các dạng bài toán. Sau một khoảng thời gian, các bài toán có thể giải được từ những "vũ khí" này sẽ cạn dần.
Lúc đó, việc tìm kiếm những bài toán mới sẽ là thách thức. Đặc biệt khi quỹ thời gian ngày càng ít trong khi người làm nghiên cứu ngày càng già đi.
Vì vậy, nếu muốn duy trì con đường nghiên cứu toán học một cách "dài hơi’, theo giáo sư Châu, mỗi người không chỉ phải luôn cập nhật thông tin, kiến thức mà còn thật sự phải thay đổi bản thân.
Họ cần biết học thêm những điều mới. Không chỉ quanh quẩn ở một dạng mà cần liên tục học thêm nhiều dạng toán. Nói cách khác, họ luôn phải biết chọn những đề tài mới và thay đổi "vũ khí" tư duy của mình.
Tâm sự với các sinh viên trong hội trường, giáo sư Ngô Bảo Châu cho rằng ông từng có một khoảng thời gian bị khủng hoảng trong chuyện học hành.
Khi còn học chuyên toán tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, bài toán nào ông cũng giải được. Đến lúc sang Pháp học tại trường École normale supérieure Paris, có những lúc ông không thể hiểu người ta đang dạy mình cái gì. Vì sao phải hiểu và phân biệt quá nhiều lý thuyết trừu tượng trong toán học?
Giáo sư Châu cho rằng bước ngoặt đến khi gặp được giáo sư Gérard Laumon, người sau này hướng dẫn ông nghiên cứu tiến sĩ. Những cách tiếp cận về toán của người thầy này cho ông biết rằng các kiến thức trừu tượng trong toán học không phải để đánh đố, mà từ những thứ trừu tượng có thể giải quyết những vấn đề cụ thể.
Các khái niệm trừu tượng cũng giúp cho khả năng diễn đạt khoa học của bạn tốt hơn. Theo giáo sư Châu, hiểu được các những gì trừu tượng sẽ nâng tầm tư duy của người học lên một bước.
95% thời gian nghiên cứu bế tắc
Giáo sư Ngô Bảo Châu cho rằng trong nghiên cứu khoa học, kết quả mỗi người thu được không hẳn là một sự đột phá mà là một quá trình tích lũy hằng ngày.
Chẳng hạn, khi mới tiếp cận với các định lý, lý thuyết, khái niệm trong toán học, bạn có thể không hiểu ngay. Nhưng nếu mỗi ngày làm quen, tìm hiểu một ít, rồi vài tháng sau, chắc chắn bạn sẽ không còn thấy lạ lẫm.
Nói cách khác, theo giáo sư Châu, người đi theo con đường toán học luôn cần sự siêng năng và nghiêm túc với bản thân. Người học toán có thể thực tập với những tư duy, thao tác với các khái niệm toán mỗi ngày.
Giáo sư Châu lý giải trong khi làm nghiên cứu, 90-95% thời gian là bế tắc. Những khoảnh khắc đột phá giúp bạn thành công rất hiếm hoi.
Thử thách luôn là một phần của nghiên cứu bởi nếu dễ dàng, có lẽ không cần đến nghiên cứu hay các nhà khoa học. "Trong cuộc đời nghiên cứu, tôi nghĩ chúng ta chỉ độ vài ba khám phá là chúng ta đã hạnh phúc và thấy cuộc sống có ý nghĩa rồi", giáo sư Châu nói.
Sinh viên nên tham gia các nhóm nghiên cứu
Giáo sư Châu cho rằng ngày nay điều kiện nghiên cứu khoa học ở Việt Nam dù đã tốt hơn nhiều so với trước đây nhưng nhìn chung vẫn còn gặp không ít khó khăn. Vì vậy, sinh viên nếu muốn theo hướng nghiên cứu cần sự nỗ lực, can đảm và đầu tư rất lớn.
Ông cho rằng sinh viên có thể bắt đầu bằng việc tham gia một nhóm nghiên cứu nào đó với những người thầy có kinh nghiệm. Thầy sẽ là người định hướng và đặt ra những vấn đề nghiên cứu đầu tiên cho các bạn. Và trong những nhóm nghiên cứu, sinh viên cũng sẽ được học hỏi rất nhiều thứ mới mẻ, không chỉ kiến thức mà còn cách làm khoa học, cách tư duy.