Một trong những vấn đề được đưa ra bàn luận tại Hội thảo Tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của khu vực doanh nghiệp: Khó khăn, Thách thức và Quyết tâm diễn ra sáng nay (22/8) là việc tăng trưởng tín dụng trong tháng 7 âm.
Cụ thể, tổng dư nợ tín dụng đến cuối tháng 7 đạt khoảng 12,47 triệu tỷ đồng, tăng 4,56% so với cuối năm 2022, giảm nhẹ so với mức 4,7% được công bố vào cuối tháng 6.
"Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tục hạ lãi suất điều hành, tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng vẫn giảm bất thường thể hiện mức độ khó khăn rất lớn của doanh nghiệp, dẫn tới khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế suy giảm", bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng Ban Nghiên cứu Môi trường Kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đánh giá.
Theo bà, doanh nghiệp rất khó khăn về tài chính. Việc thiếu vốn và gánh nặng chi phí (chi phí sản xuất, kinh doanh và chi phí tuân thủ quy định pháp luật) đang cản trở khả năng phục hồi.
Nêu gợi ý chính sách để phục hồi doanh nghiệp, đại diện CIEM cho rằng, NHNN cần tiếp tục hạ lãi suất để doanh nghiệp dễ dàng hơn trong tiếp cận vốn vay. Đồng thời, tiếp tục áp dụng các hỗ trợ về cho phép cơ cấu lại nợ, mua lại trái phiếu, các gói tín dụng và phục hồi các kênh huy động vốn khác như chứng khoán hay trái phiếu doanh nghiệp.
Đặc biệt, cần hạ thấp các điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận được vốn từ các quỹ phát triển, quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ về giảm, hoãn, giãn thuế.
Bà Thảo cũng nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay cần coi trọng cải cách thể chế môi trường kinh doanh, giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp. Tuyệt đối không ban hành các quy định tạo thêm gánh nặng chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp và thiết lập cơ chế bảo vệ cán bộ thực thi.
Hỗ trợ kém hiệu quả, doanh nghiệp khó càng thêm khó
Cũng theo bà Thảo, một số gói hỗ trợ của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế chưa hiệu quả như gói hỗ trợ lãi suất 2% hay các quỹ phát triển quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn khó tiếp cận. Theo khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chỉ có 7,34% số doanh nghiệp được hỏi đã tiếp cận được tín dụng từ các quỹ.
Các kênh huy động vốn khác cũng gặp khó do thị trường chứng khoán suy giảm, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ngưng trệ.
Đặc biệt, nhiều vướng mắc trong một số chính sách như việc hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) khiến số tiền chậm hoàn thuế tiêu thụ đặc biệt - nguồn vốn tự có của doanh nghiệp bị "om" tại cơ quan quản lý khiến doanh nghiệp càng gặp khó khăn.
“Doanh nghiệp đang bị chậm hoàn thuế tiêu thụ đặc biệt, chỉ riêng doanh nghiệp xuất khẩu gỗ bị chậm hoàn thuế với con số lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Môi trường kinh doanh tiềm ẩn nhiều rủi ro, không những không cải thiện mà còn tạo thêm rào cản và gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp ”, bà Thảo nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký VCCI cũng cho rằng, có vấn đề trong sự đồng bộ và thực thi chính sách.
"Mục tiêu của Chính phủ và NHNN là kéo mặt bằng lãi suất xuống để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn rẻ hơn với chi phí thấp hơn, hoạt động kinh doanh thuận lợi hơn nhưng ở đâu đó trong nhiều ngành khác lại có nhiều chính sách khiến chi phí kinh doanh tăng lên chứ không giảm", ông Tuấn nói.
Hiện tại, có rất nhiều doanh nghiệp "kêu" về vấn đề hoàn thuế. Nếu như NHNN nỗ lực kéo mặt bằng lãi suất xuống để doanh nghiệp giảm được chi phí lãi vay nhưng hàng chục tỷ đồng, hàng trăm tỷ đồng bị đọng ở cơ quan quản lý thuế thì doanh nghiệp xuất khẩu cũng không thể vượt qua khó khăn được.
Đây không phải trường hợp hãn hữu của một vài doanh nghiệp mà xảy ra khá phổ biến đặc biệt là với nhóm doanh nghiệp xuất khẩu, nông sản vốn đã bị ảnh hưởng bởi sự suy giảm tổng cầu thế giới.
Nếu không quyết liệt tháo gỡ khó khăn này, ngành xuất khẩu của Việt Nam có thể đứng trước nguy cơ mất trắng đơn hàng do doanh nghiệp không có tiền trả lương nhân viên, nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào,... vì càng xuất khẩu số tiền đọng ở cơ quan thuế sẽ càng lớn.