TTCK tháng 8 trôi qua với nhiều biến động ở vùng giá cao nhất kể từ đầu năm 2023 (VN-Index quanh 1.200 điểm). Ông Huỳnh Hoàng Phương dự báo trong ngắn hạn, thị trường sẽ tiếp tục đi lên sau phiên giảm sâu ngày 18/8 với các động lực ngắn hạn từ chuyến thăm sắp tới của tổng thống Mỹ và kỳ vọng phục hồi của nhóm xuất khẩu. Về chiến lược đầu tư, vị chuyên gia cho rằng giai đoạn hiện tại nhà đầu tư cần tập trung vào chọn đúng dòng cổ phiếu có câu chuyện tăng trưởng hoặc phục hồi.
Theo ông định giá thị trường đang ở mức đắt hay rẻ? Và ông đánh giá như thế nào về diễn biến và dự báo xu hướng của TTCK trong tháng 9 và thời gian tới?
Ông Huỳnh Hoàng Phương: TTCK Việt Nam có thể nói là đã trải qua 8 tháng đầu năm thăng hoa và đa phần vượt dự báo của các công ty chứng khoán trước đó. Tính đến hết tháng 8, VN-Index đã tăng 21,5% so với đầu năm, hiện là một trong những thị trường có mức tăng trưởng tốt nhất khu vực.
Để dự báo diễn biến và xu hướng của VN-Index trong tháng 9 này và 4 tháng cuối năm, tôi cũng như FIDT Research đánh giá thị trường qua một số yếu tố.
Thứ nhất, xét về định giá thì định giá P/E của VN-Index đã phục hồi về mức trung bình giai đoạn từ 2012 đến nay, rõ ràng xét theo P/E thì thị trường không còn rẻ nhưng cũng không đắt. Nếu xét về định giá P/B thì thị trường vẫn còn rẻ, tuy nhiên cần nhìn vào con số P/B này. Hiện nay, nhóm ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong vốn hóa thị trường và định giá P/B của nhóm ngân hàng đa phần vẫn nằm ở vùng khá thấp so với lịch sử định giá của nhóm này. Do đó, định giá nhóm ngân hàng là nguyên nhân chủ yếu kéo theo định giá P/B của toàn thị trường ở mức tương đối thấp, nếu loại trừ nhóm ngân hàng thì định giá P/B nhiều nhóm ngành đã về mức trung bình khá nhiều.
Vậy chúng ta có thể thấy, nếu loại trừ tác động của nhóm ngân hàng thì nhiều nhóm cổ phiếu đã định giá không còn rẻ so với trung bình hơn 10 năm nay.
Thứ hai, bối cảnh nền kinh tế hiện tại dù có thể nói là vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất nhưng việc phục hồi của nền kinh tế vẫn còn ở các bước đầu và đối mặt nhiều khó khăn. Chính sách của nhà nước hiện tại là tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ nền kinh tế với sự đồng bộ của chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Tín dụng tính đến gần cuối tháng 8 vẫn ở mức tăng trưởng thấp trong nhiều năm trở lại đây cho thấy doanh nghiệp còn nhiều khó khăn và khả năng hấp thụ vốn kém. Do đó, xét về chu kỳ kinh tế thì Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn đầu phục hồi và giai đoạn này là giai đoạn tăng trưởng tốt nhất của TTCK.
Trong lịch sử, khi TTCK tăng trưởng mạnh đầu giai đoạn phục hồi và phục hồi về mức mà định giá không còn quá rẻ thì sau đó thị trường vẫn sẽ tiếp tục đi lên. Tuy nhiên cần chú ý vào hai đặc tính của thị trường giai đoạn này. Một là, mức tăng trưởng sau đó sẽ không mạnh như giai đoạn trước nữa. Hai là, trong giai đoạn tăng sắp tới của thị trường sẽ chứng kiến nhiều pha điều chỉnh hơn là giai đoạn trước đó. Hay có thể nói ngắn là thị trường 4 tháng cuối năm vẫn đi lên nhưng mức tăng sẽ không mạnh và con đường đi lên “gập ghềnh” hơn giai đoạn 8 tháng đầu năm. Các model (mô hình) dự phóng của FIDT đang đưa ra mức dự báo VN-Index cuối năm nay rơi vào khoảng 1.250 - 1.300 điểm.
Trong ngắn hạn tháng 9, tôi cho rằng thị trường sẽ tiếp tục đi lên sau phiên giảm sâu ngày 18/8 với các động lực ngắn hạn từ chuyến thăm sắp tới của tổng thống Mỹ và kỳ vọng phục hồi của nhóm xuất khẩu.
Lãi suất thu hẹp được xem là yếu tố ảnh hưởng tích cực đến TTCK, song xu hướng giảm lãi suất được dự báo sẽ chậm dần. Đâu sẽ là động lực của thị trường trong tháng 9 và trong thời gian tới, thưa ông?
Ông Huỳnh Hoàng Phương: Trước tiên là phải thừa nhận là lãi suất điều hành và lãi suất huy động vốn không còn nhiều dư địa giảm, lãi suất huy động vốn hiện nay đã vào vùng hỗ trợ cho nền kinh tế, theo thống kê của chúng tôi thì đang tương đương giai đoạn tháng 6/2020 - giai đoạn lãi suất thấp hỗ trợ nền kinh tế trong đại dịch.
Để xem lãi suất có còn là động lực cho thị trường chứng khoán hay không tôi nhìn lãi suất theo hai góc độ. Đầu tiên, xu hướng tăng hay giảm còn mạnh hay không hai là mức lãi suất đang ở vùng nào. Với giai đoạn hiện tại thì lãi suất huy động sẽ ở gần cuối chu kỳ giảm (xu hướng), mức lãi suất hiện tại là đang tương đối thấp và là vùng lãi suất hỗ trợ nền kinh tế, mức lãi suất thấp này sẽ còn kéo dài đến ít nhất đầu năm 2024. Với nhận định như trên thì lãi suất vẫn hỗ trợ nền kinh tế và vẫn còn là động lực hỗ trợ thị trường, tuy nhiên động lực sẽ không mạnh như giai đoạn lãi suất đang trong xu hướng giảm mạnh.
Ngoài ra, thị trường và nền kinh tế từ đây đến cuối năm sẽ được dẫn dắt bởi các động lực mới rõ nét hơn. Quan trọng nhất là sự vào cuộc mạnh hơn của chính sách tài khóa và các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế từ phía chính phủ từ giữa năm 2023. Như chúng ta đã thấy, giải ngân đầu tư công tăng mạnh trong các tháng gần đây, vốn đầu tư công trong tháng 8 tăng hơn 23% so với cùng kỳ 2022 (theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và sẽ tiếp tục tăng mạnh trong 4 tháng cuối năm. Hơn nữa, chính sách giảm thuế, phí trong từ tháng 7 như giảm VAT từ 10% xuống 8%, giảm 50% lệ phí trước bạ, giảm 30% tiền thuê đất,… kết hợp với lương cở sở tăng 20,8% từ đầu tháng 7 năm nay cũng được kỳ vọng hỗ trợ mạnh mẽ cho tiêu dùng, bán lẻ nói riêng, nền kinh tế và TTCK nói chung.
Các động lực trên củng cố quan điểm về diễn biến tích cực của chỉ số VN-Index các tháng cuối năm như đã nhận định trên.
Ông có lời khuyên nào đến nhà đầu tư cá nhân, nhất là những nhà đầu tư mới tham gia thị trường, về việc lựa chọn cổ phiếu và phân bổ danh mục vào lúc này?
Ông Huỳnh Hoàng Phương: Số lượng tài khoản mở mới tăng mạnh từ tháng 5/2023 cho thấy có lực lượng nhà đầu tư mới tham gia hoặc trở lại thị trường. Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư cá nhân đã bán sớm và bỏ lỡ con sóng tăng mạnh trong vài tháng vừa qua. Với nhóm nhà đầu tư này nói chung, tôi cho rằng nhà đầu tư nên bắt đầu tham gia ngay vào thị trường nhưng với mức phân bổ thấp (khoảng dưới 50%). Việc này tránh tâm lý chờ đợi và dễ dẫn đến FOMO (tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội) khi thấy thị trường tăng và có thể gia tăng thêm vị thế trong các phiên thị trường điều chỉnh mạnh của thị trường.
Giai đoạn hiện nay cần tập trung vào chọn đúng dòng cổ phiếu có câu chuyện tăng trưởng hoặc phục hồi. Do thị trường đã về vùng định giá trung bình nên ngoài việc chọn đúng dòng cổ phiếu, tôi cho rằng nhà đầu tư nên phân bổ danh mục nhất định, tránh all-in (sử dụng tối đa sức mua) vào một cổ phiếu duy nhất.
Trên khía cạnh cơ bản, đâu là những nhóm ngành có triển vọng để đầu tư trong thời gian tới, thưa ông? Doanh nghiệp hay nhóm ngành nào đang có câu chuyện riêng mà nhà đầu tư cần lưu ý?
Ông Huỳnh Hoàng Phương: Để chọn cổ phiếu, hay các nhóm ngành đầu tư sắp tới, quan điểm của tôi chú trọng vào sự tăng trưởng nhờ các câu chuyện riêng hoặc sự phục hồi sau khi giai đoạn khó khăn nhất đã đi qua.
Với câu chuyện tăng trưởng, tôi lựa chọn hai nhóm ngành chứng khoán và đầu tư công. Nhóm chứng khoán hưởng lợi lớn nhờ chỉ số chứng khoán tăng trưởng tốt với thanh khoản gia tăng mạnh giúp cho kết quả kinh doanh từ các mảng tự doanh, môi giới và cho vay được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng tốt. Ngoài ra, nhóm này còn hưởng lợi nhờ kỳ vọng hệ thống KRX vận hành cuối năm nay tạo tiền đề nâng hạng thị trường mới nổi của FTSE nửa đầu 2024. Bên cạnh đó, nhóm đầu tư công hưởng lợi nhờ việc chính phủ liên tục nỗ lực giải ngân đầu tư công làm bàn đạp hỗ trợ nền kinh tế và xu hướng này sẽ mạnh mẽ trong nửa cuối 2023 và cả năm 2024.
Với câu chuyện phục hồi, tôi chọn nhóm xuất khẩu và nhóm tiêu dùng, bán lẻ. Nhóm xuất khẩu đang phục hồi nhờ đơn hàng phục hồi. PMI tháng 8 cũng đã tăng trở lại trên mức 50 với số lượng đơn hàng mới (new orders) tăng trưởng, xu hướng này được dự báo sẽ kéo dài đến cuối năm. Các nhóm ngành nhà đầu tư có thể chú ý là thủy sản, dệt may, gỗ. Song song đó, nhóm hàng tiêu dùng và bán lẻ phục hồi nhờ chính sách kích cầu của chính phủ như giảm thuế VAT, tăng lương cơ sở. Ngoài ra, giai đoạn cuối năm thường là giai đoạn tăng trưởng tốt của nhóm ngành bán lẻ.