Thận trọng trước áp lực tỷ giá
Trong báo cáo mới đây, ông Lê Anh Tuấn - Giám đốc, Khối đầu tư Dragon Capital đánh giá VN-Index đã trải qua tháng 4 là đầy sóng gió, mặc dù nền kinh tế trong nước đang phục hồi nhưng một loạt các tin tức tiêu cực xuất hiện tạo áp lực cho tâm lý nhà đầu tư. Cụ thể, trong cuộc họp đầu tháng, Fed đưa ra thông điệp về việc có thể duy trì lãi suất lâu hơn dự kiến, khiến cho đồng tiền các nước châu Á chịu nhiều áp lực.
Các đồng tiền của châu Á có mức sụt giảm mạnh nhất kể từ tháng 9/2023 sau tác động tiêu cực từ việc Fed trì hoãn việc giảm lãi suất và sự ngược chiều chính sách tiền tệ của các Ngân hàng Trung ương lớn trên thế giới.
Tình trạng buôn lậu vàng và đầu tư tiền mã hóa là những yếu tố trong nước gây áp lực lên tỷ giá, bên cạnh yếu tố khác như mùa cao điểm trả cổ tức, chênh lệch âm lãi suất VNĐ/USD và hoạt động đầu cơ USD.
Các yếu tố trên đã dẫn đến việc VNĐ mất giá 2,2% trong tháng 4 và 4,4% tính từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã có hành động can thiệp bằng cách thu hẹp chênh lệch lãi suất và triển khai các biện pháp nhằm bình ổn thị trường vàng.
Trước diễn biến đó, các ngân hàng Trung ương trong khu vực cũng đã có những biện pháp ứng phó phù hợp. Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tăng lãi suất OMO lên 25 điểm cơ bản. Tâm lý bất an của nhà đầu tư đã phản ánh đỉnh điểm vào phiên giảm sâu 4,7% của VN-Index vào ngày 15/4.
Đà giảm của thị trường dần được thu hẹp lại, các nhà đầu tư bắt đầu chuyển hướng và trở nên lạc quan hơn trong việc tìm kiếm các cơ hội đầu tư. Khi chỉ số VN-Index xuống ở vùng thấp 1.170-1.180, tỷ lệ lợi nhuận trên rủi ro trở nên thuận lợi hơn cho nhà đầu tư, đặc biệt ở các ngành như công nghệ thông tin, bán lẻ, bất động sản khu công nghiệp, vật liệu xây dựng và ngân hàng ở mức định giá ngày càng hấp dẫn.
Sự hồi phục của lợi nhuận là tiền đề cho đà tăng của VN-Index thời gian tới
Thị trường đã có sự phục hồi vào cuối tháng nhờ vào kết quả kinh doanh tích cực của Quý 1/2024 với lợi nhuận sau thuế của 80 doanh nghiệp Dragon Capital theo dõi tăng 22,1% , đánh dấu quý có lợi nhuận cao nhất kể từ năm 2022. Sự phục hồi của thị trường diễn ra trên diện rộng, đáng chú ý nhất đến từ nhóm ngành vật liệu (tăng 5 lần), vận tải ( tăng 3,5 lần) và bán lẻ (tăng 2 lần). Điều này nằm trong kỳ vọng trước đó của đội ngũ phân tích, với kịch bản môi trường kinh doanh được cải thiện, việc xử lý hàng tồn kho kết thúc và các nỗ lực tái cơ cấu thành công.
Ngành ngân hàng đạt kết quả kinh doanh tích cực với tăng trưởng lợi nhuận đạt 15,6% so với cùng kỳ, tương đồng với dự báo của chúng tôi. Trong bối cảnh các ngân hàng TMCP Nhà nước có báo cáo lợi nhuận tăng trưởng nhẹ, nhóm các ngân hàng TMCP tư nhân lại đạt được mức tăng trưởng trung bình 17%. Ở chiều ngược lại, lợi nhuận nhóm bất động sản thương mại và bất động sản công nghiệp giảm tương ứng 66% và 53% so với cùng kỳ cho thấy sự phục hồi của ngành bất động sản chưa được phản ánh vào kết quả hoạt động kinh doanh.
Đáng chú ý, sau nhịp điều chỉnh của thị trường, dư nợ cho vay ký quỹ của các công ty chứng khoán giảm về mức hợp lý và bớt rủi ro hơn so với giai đoạn tăng mạnh ở cuối tháng 3. Đây có thể là một trong những cơ sở giúp cho các nhà đầu tư trở nên tích cực hơn cho hoạt động bắt đáy vừa qua.
Trong giai đoạn thị trường đang tìm kiếm trạng thái cân bằng, Dragon Capital cho rằng những biến động trong ngắn hạn vẫn có thể xuất hiện. Tuy nhiên, Dragon Capital duy trì quan điểm rằng sự hồi phục mạnh mẽ của lợi nhuận doanh nghiệp sẽ là tiền đề quan trọng cho đà tăng trưởng của thị trường chứng khoán trong thời gian tới. Diễn biến thị trường vào đầu tháng 5 hỗ trợ quan điểm này khi đã có sự phân hoá rõ rệt về hiệu suất cổ phiếu giữa các công ty có báo cáo kinh doanh tốt và những công ty có báo cáo kinh doanh gây thất vọng.