Thời sự

Giải ngân vốn đầu tư năm 2022 của Bộ Giao thông Vận tải cao kỷ lục

Bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông. Ảnh minh họa: TTXVN

Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và giải ngân vốn đầu tư công là chủ đề thu hút sự quan tâm tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023 của Bộ Giao thông Vận tải vào chiều 13/1, tại Hà Nội.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc đánh giá, năm 2022, ngành giao thông vận tải có đóng góp tích cực vào thành tựu tăng trưởng của cả nước. Tỷ lệ giải ngân của Bộ Giao thông Vận tải lớn cả về tỷ lệ và giá trị, là "cứu cánh" cho giải ngân của cả nước năm 2022.

Công tác xây dựng quy hoạch, Bộ Giao thông Vận tải đã hoàn thành 4/5 quy hoạch, là cơ sở để thu hút các nguồn lực đầu tư công và thu hút phát triển. Năm 2023 là năm giữa của giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu 2025 hoàn thành 3.000 km cao tốc, là nhiệm vụ nặng nề của ngành giao thông vận tải. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cam kết đồng hành cùng ngành giao thông vận tải để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Về phía Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn cho biết, khó khăn trong triển khai các dự án xây dựng nói chung, dự án giao thông nói riêng là giá thép xây dựng đạt cao nhất quý I/2022, giá xi măng 4 lần tăng giá; đến cuối năm đã giảm nhưng cao hơn quy IV/2021, gây tác động đến công trình xây dựng, đình trệ dự án vốn đầu tư công…

Để giải quyết khó khăn trên, Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông Vận tải đã phối hợp chặt chẽ tháo gỡ, giám sát, công bố giá tại các địa phương. Hai Bộ tổ chức hội nghị hướng dẫn các địa phương. Nhờ các giải pháp, quý III/2022, thị trường ổn định trở lại.

"Bộ Xây dựng cảm ơn Bộ Giao thông Vận tải hỗ trợ nghiệm thu công trình xây dựng, có 22 công trình; trong đó có 16 công trình giao thông vận tải", Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn thông tin.

Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên cũng bày tỏ, đồng tình, đánh giá cao kết quả ngành giao thông vận tải đạt được năm 2022. Trong năm, để giải quyết khó khăn về nguồn vật liệu xây dựng cho ngành giao thông vận tải, hai Bộ đã phối hợp trình ban hành 2 nghị quyết, tăng số lượng mỏ. Các địa phương đã vào cuộc, tháo gỡ được một phần công trình xây dựng và giao thông. Nhất là sau khi có nghị quyết quốc hội, hồ sơ có trong dự án về khai thác mỏ không cần thủ tục môi trường...

Về vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy cho biết, năm 2022, Bộ Giao thông Vận tải sớm phân bổ chi tiết toàn bộ số vốn được giao khoảng 55.051 tỷ đồng; trong đó, giao đầu năm 50.328 tỷ đồng, giao bổ sung 4.723 tỷ đồng vào tháng 10/2022.

Tính đến 31/12/2022, Bộ Giao thông Vận tải giải ngân lên đến 47.905 tỷ đồng, khoảng 87% kế hoạch bao gồm cả phần vốn chỉ mới được giao bổ sung vào tháng 10/2022; dự kiến hết năm tài chính (31/1/2023), sẽ giải ngân được 95,7% tổng kế hoạch được giao.

"Việc triển khai đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông được đặc biệt chú trọng với tư duy mới, cách làm mới đảm bảo cả 3 mục tiêu chất lượng, tiến độ, hiệu quả", Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy khẳng định.

Chỉ riêng năm 2022, Chính phủ đã trình và được Quốc hội khóa XV thông qua chủ trương đầu tư 6 dự án quan trọng quốc gia; trong đó chỉ riêng Kỳ họp lần thứ III, đã thông qua 5 dự án.

Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, Bộ Giao thông Vận tải đã hoàn thành và đưa vào khai thác đảm bảo chất lượng 22 dự án; trong đó có nhiều dự án quan trọng như đường bộ cao tốc đoạn Cam Lộ - La Sơn, cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn; đường cất hạ cánh tại 2 Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất; 2 dự án đường sắt trên tuyến đường sắt Hà Nội - Tp. Hồ Chí Minh, thông xe tuyến chính 3 dự án thành phần đường cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1.

Đồng thời hoàn thiện toàn bộ thủ tục theo đúng quy định pháp luật để khởi công 18 dự án động lực như nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, cầu Rạch Miễu 2 và đặc biệt lần đầu tiên ngành giao thông vận tải tổ chức khởi công đồng loạt theo hình thức trực tuyến dự án đường bộ cao tốc Bắc -Nam phía Đông với 12 dự án thành phần.

Đáng chú ý, tính từ thời điểm phê duyệt chủ trương đầu tư đến thời điểm khởi công chỉ chưa đầy 1 năm, rút ngắn hơn một nửa thời gian chuẩn bị so với trước đây. Công tác điều hành kế hoạch vốn kịp thời, linh hoạt. Tỷ lệ giải ngân tiếp tục duy trì trong nhóm đầu của các bộ ngành.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy, trong giai đoạn 2021 - 2025, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục ưu tiên bố trí nguồn lực lớn để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; trong đó ưu tiên các dự án quan trọng có tính chất động lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, với mục tiêu đến năm 2025 cả nước sẽ có khoảng 3.000 km đường bộ cao tốc và cơ bản hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ Lạng Sơn đến Cà Mau, hoàn thành giai đoạn 1 Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, chuẩn bị đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và triển khai một số dự án nâng cấp, đầu tư mới các cảng hàng không, cảng biển, luồng hàng hải - đường thủy nội địa quan trọng khác.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải và các bộ, ngành, địa phương tích cực chuẩn bị, hoàn thiện thủ tục đầu tư để kịp thời báo cáo Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư các dự án đường bộ cao tốc; trong đó ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông các vùng động lực, vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và các vùng khó khăn.

Với tinh thần khẩn trương, trách nhiệm, ngay từ đầu năm 2022, Bộ Giao thông Vận tải đã tập trung nguồn lực, chỉ đạo các cơ quan tham mưu làm việc không kể ngày đêm, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để lần đầu tiên trong một năm đã trình và được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư 6 dự án quan trọng quốc gia. Bên cạnh đó, Bộ đã kịp thời trình, phê duyệt chủ trương đầu tư 54 dự án nhóm A, B, C.

Song hành với đó, công tác bảo đảm chất lượng, tiến độ được Bộ Giao thông Vận tải xác định là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng hàng đầu trong quá trình thực hiện đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.

Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan tham mưu thường xuyên kiểm tra, đôn đốc trực tiếp tại công trường, nghiêm khắc phê bình, kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu các chủ đầu tư/ban quản lý dự án và các đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công; yêu cầu các đơn vị bố trí lãnh đạo, tăng cường cán bộ có năng lực, kinh nghiệm thường xuyên có mặt tại hiện trường để chỉ đạo, điều hành, tháo gỡ ngay các vướng mắc.

"Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các chủ đầu tư/ban quản lý dự án và nhà thầu tuyệt đối không vì tiến độ mà đánh đổi chất lượng. Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo các đơn vị kiểm soát tiến độ theo ngày/tuần/tháng; kiên quyết cắt chuyển khối lượng, xử lý nghiêm các nhà thầu vi phạm theo quy định của hợp đồng", Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy cho hay.

Đặc biệt, Bộ Giao thông Vận tải đã tổ chức phát động phong trào thi đua "120 ngày đêm thông xe kỹ thuật vào cuối năm 2022" đối với 4 dự án  thành phần đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.

Để tháo gỡ khó khăn đối với các dự án quan trọng quốc gia, bên cạnh việc chỉ đạo quyết liệt và phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương trong xử lý, tháo gỡ các vấn đề thuộc thẩm quyền, Bộ Giao thông Vận tải đã tập trung rà soát, kịp thời tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, xử lý nhiều vấn đề quan trọng, phức tạp.

Để có kết quả giải ngân vốn đầu tư công tốt trong năm 2022, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy chia sẻ, Bộ Giao thông Vận tải nhận thức rõ việc giải ngân vốn đầu tư công không chỉ là hoàn thành nhiệm vụ của ngành giao thông vận tải mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với việc phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Ngay từ đầu năm, Bộ Giao thông Vận tải đã tập trung chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ công tác giải ngân và chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội phân bổ và giao chi tiết kế hoạch cho các nhiệm vụ, dự án đúng quy định, phù hợp với tiến độ thực hiện và khả năng giải ngân, có trọng tâm, trọng điểm, điều hành kế hoạch linh hoạt, kịp thời.

Đồng thời gắn trách nhiệm người đứng đầu trong việc bảo đảm tiến độ và chất lượng giải ngân.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm