Sáng 16/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thường trực Chính phủ về thúc đẩy đầu tư công năm 2024.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng cho rằng, đầu tư công có ý nghĩa quan trọng đối với triển khai đột phá chiến lược về hạ tầng, nhất là mục tiêu đến năm 2025 có 3.000 km đường cao tốc, đến năm 2030 có 5.000 km đường cao tốc. Đầu tư tạo không gian phát triển mới, các khu đô thị mới, khu công nghiệp mới và kích hoạt các hoạt động kinh tế - xã hội khác.
Tuy nhiên, kết quả giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm với yêu cầu đặt ra và số vốn được giao vẫn thấp. "Cần làm rõ tại sao cùng một cơ chế, chính sách, có nơi làm tốt, có nơi làm chưa tốt", Thủ tướng đặt vấn đề và yêu cầu toàn hệ thống phấn đấu giải ngân đạt trên 95% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao.
Gần 30.000 tỷ vốn đầu tư công chưa được phân bổ
Theo báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 được Quốc hội quyết nghị phân bổ cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương là hơn 669.264 tỷ đồng, bao gồm vốn ngân sách Trung ương hơn 236.915 tỷ đồng (vốn trong nước là hơn 216.915 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 20.000 tỷ đồng), vốn ngân sách địa phương là hơn 432.348 tỷ đồng.
Căn cứ quy định Luật Đầu tư công, Nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 cho các bộ, cơ quan Trung ương, đạt tỷ lệ 100% kế hoạch vốn năm 2024 đã được Quốc hội phân bổ.
Đến ngày 10/7, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 chi tiết cho danh mục nhiệm vụ, dự án đạt 95,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Số vốn còn lại chưa phân bổ chi tiết là 29.900 tỷ đồng, bao gồm: vốn ngân sách Trung ương là 8.200 tỷ đồng của 20/44 bộ, cơ quan trung ương và 21/63 địa phương, vốn ngân sách địa phương là 21.700 tỷ đồng của 23/63 địa phương.
Về tình hình giải ngân, ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 30/6 là 196.700 tỷ đồng, đạt 29,39% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2023 là 30,49%.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giải ngân vốn đầu tư chậm là do các vướng mắc đã tồn tại trong thời gian dài về cơ chế chính sách, công tác giải phóng mặt bằng với trọng tâm là việc xác định nguồn gốc đất, xác định giá đất, và giá nguyên - nhiên vật liệu biến động do nguyên liệu đầu vào tăng cao.
Đồng thời, tỷ lệ giải ngân những tháng đầu năm thấp, xu hướng tăng mạnh trong những tháng cuối năm do tâm lý ngại giải ngân nhiều lần, ngại làm thủ tục thanh quyết toán vốn nhiều lần của cả chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án và cả nhà thầu.
"Công tác tổ chức thực hiện tại các bộ, ngành và địa phương còn nhiều bất cập; cùng mặt bằng pháp lý, có bộ, cơ quan trung ương, địa phương giải ngân tốt nhưng vẫn có những bộ, cơ quan trung ương, địa phương có tỷ lệ giải ngân chưa tốt; trong một số thời điểm, tại một số dự án, một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quyết liệt, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, chưa rõ nét", Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ.