Thời sự

Giá vàng thế giới trải qua tuần giảm mạnh nhất trong bốn tháng qua

Giá vàng giảm sau khi nhu cầu đối với kim loại quý này bị ảnh hưởng bởi hy vọng về tiến triển trong các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine cùng tác động từ quyết định tăng lãi suất của Mỹ.

Như vậy, giá vàng kỳ hạn của Mỹ để mất 0,7% xuống 1.929,30 USD/ounce.

Ông David Jones, chiến lược gia thị trường tại nền tảng giao dịch trực tuyến Capital.com cho biết xu hướng đầu cơ đối với vàng đã hạ nhiệt ồ ạt trong 10 ngày qua khi cú sốc ban đầu từ xung đột Nga-Ukraine giảm dần, kéo theo nhu cầu về tài sản trú ẩn an toàn này.

Đồng ý với nhận định trên, nhà phân tích Edward Meir của công ty môi giới đầu tư ED&F Man Capital Markets cho biết nếu có một lệnh ngừng bắn hoặc một thỏa thuận nào đó giữa Nga và Ukraine, giá vàng có thể giảm khá nhanh.

Nhìn chung, thị trường vàng thế giới đã có một tuần không mấy "rực rỡ" khi phải chịu nhiều yếu tố bất lợi. Chúng bao gồm quyết định tăng lãi suất như dự kiến của Cục Dự trữ Liên bang (Fed), sự mạnh lên của đồng USD và các cuộc hòa đàm giữa Nga - Ukraine ghi nhận diễn biến tích cực.

Trong phiên đầu tuần 14/3, giá vàng giao tháng Tư giảm 24,2 USD (1,22%) xuống 1.960,8 USD/ounce, nhờ cú sốc ban đầu từ xung đột Nga-Ukraine đang giảm dần khi các quan chức hai nước bắt đầu vòng hòa đàm thứ tư.

Đà giảm tiếp tục trong phiên 15/3, giữa bối cảnh nhà đầu tư chờ đợi kết quả cuộc họp chính sách tiền tệ diễn ra trong hai ngày 15-16/3 của FED. Phiên này, giá vàng giao dịch kỳ hạn tại Mỹ giảm 1,59% xuống 1.929,7 USD/ounce. Ngoài ra, giá vàng còn chịu thêm sức ép khi Bộ Lao động Mỹ thông báo trong tháng Hai chỉ số giá sản xuất (PPI) đã tăng 0,8% so với tháng trước và 10% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tín hiệu cho thấy tỷ lệ lạm phát cao nhất trong 40 năm khó có thể hạ nhiệt trong mùa Xuân.

Sang phiên 16/3, giá vàng tiếp tục giảm 20,5 USD (1,06%) và đóng cửa ở mức 1.909,2 USD/ounce do kỳ vọng về đợt nâng lãi suất lần đầu tiên trong năm 2022 của Fed. Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ (FOMC) cùng ngày đã nâng lãi suất chuẩn thêm 0,25 điểm phần trăm lên ngưỡng 0,25 - 0,5%, đồng thời báo hiệu sẽ có nhiều đợt tăng nữa trong năm nay.

Chốt phiên 17/3, giá vàng thế giới tăng 34 USD, hay 1,78%, lên 1.943,2 USD/ounce, đánh dấu phiên tăng giá đầu tiên trong năm phiên, do quan ngại về cuộc khủng hoảng tại Ukraine trở lại "ám ảnh" thị trường.

Với mức giảm trong phiên 18/3, giá vàng thế giới đã mất 2,8% trong cả tuần qua, đánh dấu tuần giảm giá mạnh nhất kể từ tháng 11/2021 tới nay.

Các nhà đầu tư cho rằng quyết định tăng lãi suất của FED là trở ngại đối với vàng trong ngắn hạn, khi lạm phát tại châu Âu và Mỹ tăng tiếp tục hỗ trợ nhu cầu về kim loại quý này như một "hàng rào" chống lại lạm phát.

Tuy nhiên trong một báo cáo ngắn gần đây, nhà phân tích Suki Cooper của ngân hàng Standard Chartered lại cho rằng động thái tăng lãi suất của FED không làm giảm tâm lý tích cực đối với vàng. Chuyên gia này cũng lưu ý rủi ro địa chính trị hiện tại đã làm gia tăng lo ngại lạm phát, làm dấy lên mối quan tâm về dài hạn hơn đối với vàng.

Ông Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại công ty môi giới đầu tư OANDA nhận định đồng USD sẽ được hưởng lợi từ lãi suất tăng và dòng chảy "trú ẩn an toàn" ổn định, khi các nhà đầu tư ngày càng lo lắng về tác động của cuộc chiến ở Ukraine đối với lạm phát và tăng trưởng.

Khi đó, vàng có thể đối mặt với một giai đoạn khó khăn trong ngắn hạn với mức hỗ trợ quan trọng quanh khoảng 1.900 USD/ounce.

Nhà phân tích thị trường quốc tế Carlo Alberto De Casa của nền tảng giao dịch kim loại quý Kinesis Money nói rằng, diễn biến của xung đột Nga - Ukraine cùng những quyết định tiếp theo của Fed sẽ là động lực chính cho thị trường vàng.

Bất chấp sự sụt giảm gần đây, ông De Casa cho hay nhiều nhà đầu tư vẫn lạc quan vào vàng và nhu cầu đối với loại tài sản này vẫn rất lớn. Nhà phân tích nhận định vàng sẽ nhận được hỗ trợ ở hai ngưỡng: đầu tiên là quanh khoảng 1.920 USD/ounce (mức đỉnh của giá vàng vào năm 2011), tiếp theo là ngưỡng 1.900 USD/ounce.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm