Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng SJC 83,5 - 85,8 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra, tăng 700.000 đồng/lượng so với sáng qua.
Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng miếng SJC 83,6 - 85,7 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra.
Tập đoàn Doji niêm yết giá vàng miếng 83,5 - 85,7 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng nhẫn vẫn đứng im quanh mốc 74, 75 triệu đồng/lượng tuỳ từng thương hiệu.
Giá vàng miếng SJC lên mức cao nhất trong lịch sử. Trước đó vào ngày 15/4, giá vàng SJC cũng từng xác lập đỉnh 85,5 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên mốc này cũng không giữ được lâu mà ngay sau đó rơi về quanh 83-84 triệu đồng/lượng.
Giá vàng trong nước tăng mạnh trái ngược hẳn với vàng thế giới khi giá thế giới đang lao dốc và để tuột mốc 2.300 USD/ounce . Sự lệch pha và biến động ngược chiều đã kéo giãn chênh lệch giá vàng thế giới với giá vàng miếng SJC lên tới 15 triệu đồng/lượng.
Giá vàng miếng SJC tăng mạnh sau khi Ngân hàng Nhà nước 4 lần gọi thầu nhưng 3 lần huỷ và 1 lần “ế”.
Việc đấu thầu vàng của Ngân hàng Nhà nước đã có tác động rất lớn tới diễn biến giá vàng. Cụ thể, trong những ngày Ngân hàng Nhà nước thông báo tổ chức đấu thầu, giá vàng SJC đều có diễn biến giảm mạnh trong đầu phiên sáng, sau đó đảo chiều tăng mạnh trở lại (sau khi thông báo huỷ thầu hoặc bán được ít).
Giới chuyên gia cho rằng, đấu thầu vàng miếng chưa phải là phương án hữu hiệu để giảm chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và thế giới. Với biến động chính trị thế giới như hiện nay, giá vàng trong nước vẫn có động lực để tăng. Mặc khác, do giá vàng tăng giảm mạnh nên xu hướng của người dân vẫn đổ tiền vào kênh đầu tư này để "lướt sóng". Nhu cầu mua vàng của người dân cao tiếp tục đẩy giá vàng SJC gia tăng.
Đối với thị trường tiền tệ, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 24.241 đồng/USD. Các ngân hàng thương mại giao dịch đồng USD mua vào 25.144 đồng/USD, bán ra 25.454 đồng/USD.