Giá urê tương lai tại sàn giao dịch Chicago (Mỹ) ngày 21/9 ở mức 864 USD/tấn, tăng 57% tính từ giữa tháng 6 nhưng vẫn giảm 18% so với vùng đỉnh 1.050 USD/tấn thiết lập vào nửa cuối tháng 3.
Tại Trung Quốc và ấn độ, giá urê giảm cũng có xu hướng phục hồi nhẹ sau khi giảm mạnh từ đỉnh hồi tháng 6. Ure Trung Quốc hiện có giá khoảng 480 USD/ tấn, tăng 4% từ đáy và giảm 30% so với đỉnh hồi tháng 6.
Nguồn: TradingEconomics
Đối với thị trường trong nước, giá urê nội địa sau khi giảm xấp xỉ 20% từ đỉnh hiện đã hồi phục ở mức 14.320 đồng/kg. Tính chung giá Ure trung bình 8 tháng đầu năm 2022 cao hơn 60% so với trung bình cả năm 2021.
Giá urê phục hồi, triển vọng nào cho ngành phân bón cuối năm 2022?
Chứng khoán BSC duy trì quan điểm khả quan đối với ngành phân bón trong những tháng còn lại năm 2022 nhờ mặt bằng giá bán duy trì mức cao so với cùng kỳ, dù tốc độ tăng trưởng giảm tốc so với nửa đầu năm 2022.
BSC nhận thấy kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành phân bón phụ thuộc lớn vào biến động của giá hàng hoá, đặc biệt là giá Ure và giá dầu FO. Giá Ure trong nước đã trải qua đợt điều chỉnh từ tháng 6 – tháng 8 và BSC kỳ vọng giá Ure nội địa sẽ phục hồi từ nay tới cuối năm nhờ nhu cầu phân bón cải thiện khi bước vào mùa vụ lớn nhất trong năm và giá gạo cải thiện kích thích người dân sử dụng phân bón.
Đồng thời, giá Ure thế giới phục hồi nhờ nguồn cung thế giới sụt giảm và nhu cầu cải thiện kỳ vọng sẽ hỗ trợ giá Ure nội địa phục hồi cuối năm 2022. Theo đó, trong quý 4/2022 nguồn cung Ure thế giới sẽ suy giảm nhờ giá khí tự nhiên ở Châu Âu neo ở mức cao cùng với chi phí sản xuất tăng cao khiến các nhà sản xuất phân bón khu vực này cắt giảm sản lượng và Trung Quốc bước vào mùa vụ chính trong năm nên chính sách xuất khẩu sẽ tiếp tục duy trì sự kiểm soát như hiện tại, tương ứng mức giảm từ 20 – 25% sản lượng xuất khẩu Ure so với năm 2021.
Trái ngược với quan điểm lạc quan trên, giới phân tích vẫn cho rằng nhóm cổ phiếu phân bón vẫn còn đối diện nhiều áp lực. Theo đó, nhu cầu Ure suy yếu có thể ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu phân bón thời gian tới. Và thực tế, xuất khẩu phân bón cũng đã hạ nhiệt trong hai tháng qua.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu năm, xuất khẩu phân bón đạt gần 1 triệu tấn, tương đương 647 triệu USD, tăng 43% về lượng và gấp 2,8 lần về kim ngạch so với cùng kỳ 2021.
Tuy nhiên, trong tháng 7 và tháng 8, xuất khẩu phân bón của Việt Nam liên tục giảm mạnh. Cụ thể, xuất khẩu phân bón trong tháng 7 giảm 48% so với tháng trước đó; tháng 8 cũng ghi nhận mức giảm 6% giá trị so với tháng 7.
Giá xuất khẩu phân bón trong tháng 8 cũng đã giảm mạnh 69 USD/tấn so với tháng 7 và giảm hơn 20% so với đầu năm, xuống còn 598 USD/tấn. Đây cũng là tháng thứ hai liên tiếp, giá phân bón xuất khẩu đi xuống.
Chứng khoán SSI cho rằng nhu cầu urê suy yếu do lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu và do quý 3 thường là quý tiêu thụ thấp điểm. Mùa cao điểm quý 4 sẽ hỗ trợ phục hồi nhu cầu tiêu thụ urê. Tuy nhiên, trước lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu và sự điều chỉnh giá các mặt hàng nông nghiệp, nhu cầu đối với phân urê có thể sẽ không phục hồi nhiều trong quý 4.
Mức nền cao là thách thức lớn đối với doanh nghiệp phân bón năm 2023
Nhìn về triển vọng kinh doanh nhóm phân bón trong năm 2023, Chứng khoán BSC cho rằng mức nền cao đang là thách thức lớn nhất với tăng trưởng của doanh nghiệp phân bón trong năm 2023 và giá Ure sẽ hạ nhiệt từ 2023 tuy nhiên mặt bằng giá mới sẽ được thiết lập
BSC kỳ vọng giá các nguyên liệu sản xuất Ure như than và khí tự nhiên sẽ hạ nhiệt trong dài hạn nhờ chi phí năng lượng toàn cầu sẽ bình thường hoá trong dài hạn và Châu Âu sẽ tìm được nguồn cung khí tự nhiên thay thế cho Nga.
Đồng thời, đội ngũ phân tích cho rằng giá Ure sẽ điều chỉnh từ 2023 tuy nhiên việc sụt giảm nguồn cung phân bón ở Châu Âu sẽ hỗ trợ giá Ure thiết lập mặt bằng giá mới. Tương ứng, giá Ure sẽ giao động quanh 400 – 550 USD/tấn trong giai đoạn 2023– 2024.
Ngoài ra, giá khí tự nhiên của Châu Âu sẽ thiết lập mặt bằng giá mới trong giai đoạn 2023 – 2024 do chi phí xây dựng CSHT lớn để thay thế cho nguồn cung từ Nga. Điều này sẽ khiến nguồn cung phân bón trên toàn cầu sụt giảm do chi phí sản xuất phân bón ở Châu Âu tăng lên, một số nhà máy phân bón sẽ cắt giảm sản lượng hoặc đóng cửa vĩnh viễn.