Giá rau xanh tăng khoảng 50%
Chị Xuân đi chợ Tân Định, Quận 1 cho biết, gia đình chị ăn rau xanh nhiều, trước đây, chị đi chợ mua rau cải khá thoải mái, một số loại rau ăn lá, rau củ giá khoảng 15.000-20.000 đồng/kg, giờ mức giá này không còn nữa. Từ đầu tháng 6 đến nay, giá những mặt hàng này tăng thêm khoảng 50% so với đầu năm nên chị phải gói ghém chi tiêu và nhất là mua thực phẩm. Vì không chỉ rau xanh tăng mà nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu khác cũng tăng, ảnh hưởng đến chi tiêu của gia đình.
“Từ lúc giá xăng tăng thì các mặt hàng đều liên tục tăng theo giá xăng. Các loại rau củ, thịt gà, cá đều tăng... đồ dùng trong gia đình như: dầu gội, nước xả, bột nêm... đều tăng. Vì dụ như một số loại rau, trước mình mua 10.000 đồng/kg thì giờ đều tăng lên 15.000 đồng/kg, tăng nhiều nhất là rau củ, nói chung các loại đồ thực phẩm đi chợ mua hàng ngày đều tăng”, chị Xuân than thở.
Giá xăng dầu tăng tiếp tục đẩy giá rau xanh tăng cao, tạo mức giá mới
Không chỉ người tiêu dùng khó khăn mà tiểu thương bán rau củ và các loại thực phẩm khác cũng bị ảnh hưởng. Giá tăng cao, sức mua giảm, khách hàng chi tiêu cũng tiết kiệm hơn rất nhiều.
“Rau nào cũng lên giá, giờ làm gì có giá rau 20.000 đồng/kg, rau giờ 30.000 -40.000 đồng/kg, giá đâu có rẻ. Ngò rí giờ cũng gần 100.000 đồng/kg, giá rau tăng cũng do phân bón tăng nên sao nông dân chịu nổi, giá phân bón tăng gấp đôi. Giá rau đắt quá, người tiêu dùng mua rau ít hơn, trước mua 1 kg, giờ chỉ mua 1/2kg”, chị Phúc, bán rau cải ở chợ Thị Nghè, Quận Bình Thạnh cho biết.
Kềm chế tăng giá từ gốc
Giá xăng dầu liên tục tăng cao, cùng với mấy tuần qua thời tiết có lúc mưa nhiều ảnh hưởng đến nguồn cung rau củ. Đồng thời, rau củ vận chuyển từ xa về thành phố, cước phí tăng nên đẩy giá thành tăng cao. Hiện nay, nguồn rau củ của các chợ đầu mối ở TP.HCM chủ yếu từ các huyện Đơn Dương, Đức Trọng và Duy Linh ở tỉnh Lâm Đồng. Do ảnh hưởng giá nhiên liệu tăng nên chi phí vận chuyển rau củ từ vùng nguyên liệu này cũng tăng từ 10-15% so với trước.
Giá rau củ tăng cao nên người tiêu dùng mua ít hơn
Theo ông Lê Hoàng Phong, Phó Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và kinh doanh chợ đầu mối nông sản Hóc Môn, những ngày này, lượng rau củ về chợ hơn 1.700 tấn/đêm, chỉ giảm khoảng 5% so với đầu tháng 6. Nguồn cung những mặt hàng này về chợ đầu mối giảm không nhiều, nhưng giá rau củ tăng cao phần lớn do giá nhiên, nguyên liệu đầu vào tăng, cộng với thời tiết không thuận lợi. Trong đó, giá rau ăn lá tăng từ 14%-25% so với đầu tháng 6, giá củ tăng từ 10-15%.
“Giá tăng liên tục trong chu kỳ biên độ 1 tháng trên dưới 2-3 lần nó sẽ tác động rất nhanh, sâu đến cước phí vận chuyển tại vì đặc thù của chợ đầu mối Hóc Môn là hàng vận chuyển từ xa về như: Lâm Đồng, các tỉnh miền Đông, cửa khẩu quốc tế Trung Quốc, cửa khẩu Camphuchia vận chuyển từ Thái Lan về”, ông Lê Hoàng Phong cho biết thêm.
Không chỉ rau mà thịt gà, cá biển cũng tăng giá theo giá xăng
Sau dịch bệnh, thu nhập của nhiều người lao động bị giảm. Giá rau, củ, thực phẩm tăng làm cho người tiêu dùng càng khó khăn hơn, vì không chỉ rau mà một số thực phẩm khác cũng tăng theo giá xăng dầu và nguyên liệu sản xuất đầu vào. Giá hàng hóa tăng, giảm theo quy luật của thị trường. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế, để kềm chế tốt việc tăng giá thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu thì bộ, ngành chức năng và Chính phủ phải có chính sách điều hành kiểm soát giá từ gốc, đó là giá nhiên, nguyên liệu đầu vào như: giá xăng, dầu, vật tư nông nghiệp, phân bón và thức ăn chăn nuôi./.