Mới đây, Sở Xây dựng Hà Nội đã thông tin về tình hình cấp nước cho dịp hè năm 2023. Theo đó, tổng nhu cầu sử dụng hiện khoảng 1,12 triệu – 1,25 triệu m3/ngày - đêm. Vào hè, nhu cầu sử dụng nước sạch tăng 5-10%, tổng mức tiêu thụ nước sạch sẽ khoảng 1,25 triệu -1,35 triệu m3/ngày - đêm.
Trong khi đó, tổng công suất cấp nước từ các nhà máy tập trung đạt khoảng 1,53 triệu m3/ngày - đêm. Như vậy, khả năng phân phối nước vẫn chưa đồng bộ với nhu cầu sử dụng nước, đặc biệt tại địa bàn cấp nước của CTCP Viwaco (khu vực quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Đống Đa, Hà Đông) đang sử dụng phần lớn nguồn nước mặt sông Đà (khoảng 170.000 - 180.000m3/ngày - đêm).
Để bảo đảm cung cấp đủ nguồn nước sạch, đáp ứng nhu cầu của người dân, Hà Nội đang đẩy mạnh các giải pháp tháo gỡ, bảo đảm nước sạch. Trong khi đó, CTCP Đầu tư nước sạch sông Đà Viwasupco đang triển khai giai đoạn hai của dự án nâng công suất nhà máy đang thực hiện các gói thầu đúng tiến độ. Các công trình trong giai đoạn hai đang được trình thiết kế để Bộ Xây dựng thẩm định. Như vậy, toàn bộ đường ống giai đoạn hai sẽ được đưa vào vận hành trong tháng 5.
Thông tin với báo chí về lộ trình tăng giá nước sạch sinh hoạt, ông Nguyễn Xuân Sáng, Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội cho biết, hiện chi phí cấu thành giá nước sạch như tiền lương, nhân công... tăng, dẫn đến phải tăng giá nước sạch để bảo đảm chất lượng nước cho người dân.
Về công tác chuẩn bị, Sở Tài chính Hà Nội đã chủ trì xây dựng điều chỉnh giá nước, trước mắt lộ trình là trong hai năm (2023-2024), áp dụng cho hộ gia đình, đơn vị cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, các doanh nghiệp.
Dự kiến đối với một hộ gia đình tiêu thụ 10m3/tháng, chi phí tăng khoảng 15.270 đồng. Với các nhóm khách hàng khác có hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ, tăng khoảng 20%. Mức tăng này chiếm tỷ trọng không lớn trong tổng chi phí của các doanh nghiệp, đơn vị.
Tại dự thảo phương án giá trình UBND thành phố, Sở Tài chính Hà Nội cũng đánh giá tác động của việc điều chỉnh giá nước sạch đối với các đối tượng sử dụng. Theo tính toán của liên ngành, với phương án giá dự kiến, CPI sẽ tăng khoảng 0,17%, không có tác động lớn đến giá của các hàng hóa, dịch vụ có liên quan.
Song song với việc bảo đảm an ninh nguồn nước, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nước sạch đang đồng loạt đề nghị UBND TP. Hà Nội sớm điều chỉnh giá bán lẻ nước sạch.
Điển hình CTCP Nước mặt sông Đuống (Công ty sông Đuống) mới đây cũng đã có văn bản gửi UBND thành phố Hà Nội về các vướng mắc liên quan đến giá bán buôn nước sạch. Theo đó, giá bán buôn nước sạch của Cty sông Đuống được tăng lên 8.325 đồng/m3 theo Quyết định 3342/QĐ-UBND TP. Hà Nội. Tuy nhiên, nhiều đơn vị mua buôn không đồng ý thanh toán và ký kết phụ lục hợp đồng.
Công ty sông Đuống nêu ví dụ cụ thể với CTCP Viwaco và Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông đều chưa thống nhất ký phụ lục hợp đồng do giá bán lẻ nước sạch chưa được điều chỉnh. Các đơn vị này chỉ đồng ý thanh toán với đơn giá cũ khoảng hơn 5.000 đồng/m3.
10 năm nay giá nước vẫn chưa được điều chỉnh, đang là vướng mắc lớn nhất khiến nhiều nhà đầu tư bỏ cuộc, chậm triển khai tiếp dự án. Đây cũng là nguyên nhân khiến kế hoạch phủ mạng cấp nước tới khu vực nông thôn không đạt mục tiêu giai đoạn 2016-2020.
Trước đó, thông tin về việc giá điện bán lẻ tăng 3% từ ngày 4/5 cũng nhận được sự quan tâm của nhiều người. Cụ thể, tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có Quyết định số 377/QĐ-EVN ngày 27/4/2023 về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, theo đó giá bán lẻ điện bình quân là 1.920,3 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) từ ngày 4/5. Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 3% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.