Doanh nghiệp

Giá mủ phục hồi, Tập đoàn Cao su (GVR) ước lãi quý IV cao nhất trong vòng ba năm

Tại Hội nghị Tổng kết công tác Đảng và hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2023, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (Tập đoàn Cao su - Mã: GVR) cho biết sản lượng cao su khai thác ước đạt 445.000 tấn (vượt gần 5% kế hoạch), tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước đó. Sản lượng tiêu thụ 520.290 tấn cao su các loại, tăng 4% và vượt 2% kế hoạch.

Kết quả, tổng doanh thu hợp nhất ước đạt 24.485 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 4.015 tỷ đồng, giảm lần lượt 4% và 30% so với thực hiện năm 2022.

Riêng công ty mẹ tập đoàn ghi nhận doanh thu và lợi nhuận trước thuế ước lần lượt đạt 3.872 tỷ đồng và 1.405 tỷ đồng.

Những ngày cuối tháng 12/2023, Tập đoàn Cao su  đã điều chỉnh mục tiêu doanh thu giảm từ 27.527 tỷ đồng xuống còn 24.243 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất giảm về 3.956 tỷ, giảm 899 tỷ so với ban đầu. Như vậy so với kế hoạch đã thay đổi, Tập đoàn thực hiện được 89% mục tiêu doanh thu và vượt 1% kế hoạch lợi nhuận năm.

 Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính của công ty.

Tính riêng trong quý IV/2023, doanh thu hợp nhất tập đoàn ước khoảng 18.632 tỷ đồng và lãi trước thuế 2.835 tỷ, tăng 6% và tăng 71% so với cùng kỳ năm trước đó. Kết quả lợi nhuận này cũng cao nhất kể từ quý I/2021.

Kết quả này có được trong bối cảnh giá mủ cao su nguyên liệu trong nước biến động theo xu hướng của thị trường thế giới, giá mủ cao su giảm trong 2 quý đầu năm, sau đó tăng trở lại trong quý III và IV/2023. 

 Diễn biến giá cao su thế giới trong năm 2023. (Nguồn: Tradingeconomics).

Nhìn chung cả năm, Tập đoàn Cao su cho biết giá bán mủ cao su bình quân năm 2023 đạt 30,49 triệu đồng/tấn, giảm 6,55 triệu đồng/tấn so với giá bán kế hoạch, tác động trực tiếp tới hiệu quả hoạt động của các công ty cao su trong ngành.

Đối với ngành gỗ, kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản dự kiến cả năm 2023 chỉ đạt khoảng 15 tỷ USD, trong đó gỗ và sản phẩm gỗ khoảng 13,6 tỷ USD, đạt 80% kế hoạch và giảm 20% so với năm 2022. Đồng thời, các dự án Khu công nghiệp của tập đoàn, dự án thu hồi, đền bù đất của các địa phương đều triển khai chậm so với kế hoạch đề ra. Mặt khác, cạnh tranh thu hút lao động diễn ngày càng gay gắt, khó khăn... Đây là những yếu tố bất lợi, ảnh hưởng lớn đến thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2023 của tập đoàn.

Theo các chuyên gia trong ngành, thời gian tới, nhu cầu Trung Quốc vẫn là yếu tố chủ chốt tác động lên diễn biến giá cao su tại Việt Nam. Bên cạnh đó, biến động của giá dầu do lo ngại gián đoạn thương mại tại kênh đào Suez cũng sẽ ảnh hưởng gián tiếp lên giá cao su.

Năm 2024, dự kiến Trung Quốc sẽ đẩy mạnh tiêu thụ ô tô, cũng như thúc đẩy các hoạt động sản xuất, dẫn đến nhu cầu nhập khẩu cao su để sản xuất lốp xe và các sản phẩm khác tăng lên. Việc Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu cao su sẽ là động lực tăng giá cao su toàn cầu. Trong khi, khoảng 80% tổng lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam đang được xuất khẩu sang Trung Quốc.

Trước bối cảnh này, Tập đoàn Cao su đưa ra kế hoạch năm 2024 với doanh thu và thu nhập khác đạt 24.999 tỷ đồng (cao hơn 2% so với năm 2023); lợi nhuận trước thuế 4.104 tỷ đồng, tăng hơn 2%. Lợi nhuận sau thuế 3.437 tỷ đồng.

Riêng Công ty mẹ kỳ vọng đạt doanh thu 3.988 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.454 tỷ đồng, tăng hơn 3% so với năm ngoái.

Về chỉ tiêu sản lượng, cao su khai thác kỳ vọng đạt 445.200 tấn, thu mua 75.290 tấn và tiêu thụ 520.490 tấn. Giá bán mủ bình quân khoảng 34,6 triệu đồng/tấn, thu hoạch gỗ cao su 6.430 ha. Sản lượng sản xuất gỗ các loại (gỗ phôi, gỗ ghép tấm, gỗ tinh chế, gỗ MDF) khoảng 1.247.012 m3, bằng 106% – 189% so với ước thực hiện năm 2023.

Sản lượng các sản phẩm công nghiệp khác (găng tay, băng tải, bóng thể thao, nệm, gối cao su) bằng 92% – 106% so với ước thực hiện năm 2023. Khu công nghiệp phấn đấu cho thuê mới 245 ha, bằng 468% so với ước thực hiện năm 2023. 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm