Mới đây, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 20/1/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XV) về đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo và du lịch đến năm 2030.
Theo danh mục các dự án trọng điểm lĩnh vực nông nghiệp; công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo; du lịch đến năm 2030, Gia Lai dự kiến thu hút 82 dự án trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến, năng lương tái tạo và du lịch. Tổng vốn đầu tư các dự án dự kiến khoảng 194.000 tỷ đồng.
Cụ thể, các dự án trong lĩnh vực nông nghiệp có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng hơn 10.000 tỷ đồng.
Một số dự án tiêu biểu trong lĩnh vực trồng trọt bao gồm: Dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Đak Đoa quy mô 459,04 ha với tổng vốn đầu tư 1.490 tỷ đồng; Dự án đầu tư xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại TP Pleiku quy mô ba giai đoạn 100 ha với tổng vốn đầu tư 500 tỷ đồng,...
Ngoài ra, lĩnh vực chăn nuôi tiêu biểu với Dự án chăn nuôi bò thịt vỗ béo tại huyện Chư Prông có diện tích 200 ha với tổng vốn đầu tư 1.400 tỷ đồng; Dự án Khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao tại huyện Chư Pưh có diện tích 100 ha với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 1.030 tỷ đồng; Dự án Trang trại chăn nuôi heo tại huyện Ia Pa có diện tích 183 ha với tổng vốn 800 tỷ đồng.
Trong lĩnh vực lâm nghiệp có dự án Khu Lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Mang Yang có diện tích 327,47 ha cùng tổng vốn đầu tư dự kiến 3.100 tỷ đồng.
Lĩnh vực công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 165.627 tỷ đồng.
Một số dự án tiêu biểu trong lĩnh vực công nghiệp chế biến gồm: Nhà máy thức ăn gia súc tại các Cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh có công suất 100.000 tấn/năm với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 1.200 tỷ đồng; Dự án Nhà máy súc sản tại các Cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh có công suất 20.000 tấn/năm với tổng mức đầu tư dự kiến 900 tỷ đồng; Dự án Nhà máy đường tinh luyện tại thị xã An Khê có công suất 40.000 tấn nguyên liệu/ngày với tổng mức đầu tư khoảng 900 tỷ đồng,...
Riêng với lĩnh vực công nghiệp năng lượng tái tạo dự kiến có 38 dự án với tổng mức đầu tư gần 157.000 tỷ đồng.
Các dự án điện gió có 18 dự án với tổng vốn đầu tư dự kiến gần 111.972 tỷ đồng, tiêu biểu như: Hai nhà máy điện gió Cửu An, Song An tại thị xã An Khê tổng mức đầu tư hơn 3.800 tỷ đồng; huyện Kông Chro với hai dự án Nhà máy điện gió Yang Trung và Chơ Long với tổng mức đầu tư lần lượt 6.246 tỷ đồng và 6.953 tỷ đồng; Dự án Nhà máy điện gió Ia Le 1 ở huyện Chư Pưh với tổng mức đầu tư hơn 4.021 tỷ đồng,...
Các dự án điện mặt trời có 8 dự án với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 27.575 tỷ đồng, tiêu biểu như: Dự án Điện mặt trời nổi KN Ia Ly – Gia Lai tại huyện Chư Păh với công suất 500 MWp có tổng mức đầu tư hơn 9.559 tỷ đồng, Dự án Điện mặt trời Krông Pa 2 tại huyện Krông Pa vớ công suất 49 MWp có tổng mức đầu tư 1.131 tỷ đồng,...
Các dự án thủy điện có 11 dự án với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 13.567 tỷ đồng, tiêu biểu như: Dự án Ia Ly mở rộng tại huyện Chư Păh với công suất 360 MW cùng tổng mức đầu tư 6.045 tỷ đồng; Dự án Ia Hiao tại thị xã Ayun Pa và huyện Phú Thiện với công suất 12 MW cùng tổng mức đầu tư 360 tỷ đồng,...
Ngoài ra, các dự án điện sinh khối theo Quy hoạch Điện VIII được cấp thẩm quyền phê duyệt (dự kiến tổng quy mô khoảng 165 MW) đầu tư tại các huyện có tiềm năng phát triển điện sinh khối với tổng vốn đầu tư 3.795 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tỉnh Gia Lai cũng tập trung thu hút đầu tư vào 10 dự án thuộc lĩnh vực Du lịch với tổng vốn đầu tư dự kiến 18.422 tỷ đông cùng quy mô gần 8.508 ha.
Các dự án lớn thuộc lĩnh vực này gồm: Dự án Khu du lịch Biển Hồ - Chư Đang Ya tại TP Pleiku và huyện Chư Păh có diện tích 5.191 ha với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 5.000 tỷ đồng; Dự án Công viên văn hoá đồi thông tại TP Pleiku và huyện Grai trên diện tích 128 ha với tổng vốn đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng; Dự án Khu du lịch sinh thái hồ Ayun Hạ ở huyện Phú Thiện trên diện tích 500 ha có tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 1.600 tỷ đồng,...