HAG:
Tại ĐHCĐ 2024 của tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (mã chứng khoán: HAG), ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT "ngậm ngùi" vì nhỡ sóng giá heo.
"Đúng là giá heo đang tốt, nhưng chúng tôi đã tuyên bố sẽ tạm dừng mảng heo hồi năm 2023 vì lúc đó thị trường rất xấu" , bầu Đức chia sẻ.
Bầu Đức cho biết theo quan sát, chu kỳ heo là 2 năm. HAGL sẽ tiến hành tăng đàn từ tháng 5-6/2024, tnhờ có nguồn lực từ đối tác mới (LPBS, ThaiHoldings) nên đang làm rất quyết liệt.
"HAGL sẽ ghi nhận lợi nhuận từ cuối năm nay, và sang 2025 thì "ăn trọn" , bầu Đức khẳng định.
Vị chủ tịch công ty rất tiếc nuối khi năm 2023 HAGL thận trọng, không dám không tăng đàn vì sợ rủi ro.
"Nếu tăng đàn từ 2023 thì nay đã khác, nhưng thôi. Dù kế hoạch công bố chưa tính mảng heo nhưng thực tế đang tăng đàn, dự cuối năm 2024 sẽ lấp đầy đàn và ghi nhận lợi nhuận" - ÔngĐức nói.
Theo báo cáo cập nhật mới đây về ngành chăn nuôi heo, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho biết sản lượng thịt heo nhập khẩu đã tăng mạnh trước thềm Tết Nguyên đán. Theo đó, lượng thịt và phụ phẩm heo nhập khẩu bắt đầu tăng mạnh từ quý 3/2023 để phục vụ cho dịp Tết nguyên đán. So với cùng kỳ năm ngoái thịt heo nhập về tăng từ 19-50%, lượng phụ phẩm heo nhập về tăng 58-128%.
Sau đó, cũng như mọi năm, lượng heo nhập về giảm ở những tháng quý 4/2023 và quý 1/2024. Trong 4T/2024, tổng lượng thịt heo nhập về đạt hơn 18.000 tấn (giảm 14% so với cùng kỳ năm trước), lượng phụ phẩm nhập về đạt hơn 48 nghìn tấn (tăng 99,6%).
VCBS cũng cho biết nhu cầu tái đàn đang giảm đáng kể. Tổng lượng heo giống nhập khẩu về Việt Nam đạt 5.457 con (giảm 31% so với năm trước) trong năm 2023. Sang quý 1/2024, lượng heo giống nhập về khá lai rai chỉ đạt 565 con (giảm 82%).
Tuy trong cơ cấu thịt nhập khẩu, nhu cầu thịt heo không chiếm tỷ trọng nhiều nhất nhưng duy trì khá ổn định trong khoảng thời gian từ tháng 12/2023 đến tháng 3/2024. Nhu cầu về thịt heo tăng khoảng 6,2% sau 4T/2024 bù đắp cho sự giảm cho nhu cầu về thịt trâu bò.
Đặc biệt VCBS còn nhận định rằng giá heo 3 miền đồng loạt được đẩy tăng trong 4 tháng đầu năm do nguồn cung heo khan hiếm, tồn kho biểu to ít. Tại thị trường miền Bắc, trong tháng 4 giá heo liên tiếp tăng trong 3 tuần đầu lên mức 62-64.000 đồng/kg, sau đó duy trì ở mức cao cho tới hết tháng.
Có 3 nguyên nhân chính có thể kể đến là do. Đầu tiên là do nguồn cung heo ở phía Bắc không còn nhiều, tồn kho heo biểu to gần như không còn. Thứ hai là mặt bằng giá heo ở 3 vùng gần như bằng nhau, nên lưu chuyển heo từ miền Trung/ Nam ra Bắc khá yếu ớt. Thứ ba là heo Thái chưa được đưa về Việt Nam dù mức chênh lệch giá ở tháng 3 khá cao.
Tại thị trường miền Trung và Nam, giá heo cũng có xu hướng tăng tích cực do nguồn cung nội vùng thấp. Thứ hai là heo từ Campuchia ngưng nhập về do đây là thời điểm nghỉ Tết cổ truyền ở nước này. Ba là việc heo Thái vẫn chưa được nhập về như dự đoán. Tính đến thời điểm cuối tháng 4, giá heo ở miền Trung được đẩy lên vùng 61-63.000 đồng/kg, giá heo miền Nam ghi nhận quanh mức 62-64.000 đồng/kg.
Cũng theo VCBS, chênh lệch giá heo tại miền Bắc Việt Nam và Nam Trung Quốc ở mức thấp khiến dòng lưu chuyển giữa 2 nước vẫn đóng băng. Chênh lệch giữa giá heo Việt Nam và Thái Lan được nới rộng quanh mốc 20.000 đồng/kg từ giữa tháng 3, với mức giá hấp dẫn này, heo Thái đã được nhập nhiều về Campuchia và được dự đoán sẽ được đưa về Việt Nam.
Tuy nhiên, sang tháng 4, heo Thái vẫn chưa được ghi nhận nhập về nước ta, nguyên nhân được cho là các cửa khẩu tại miền Trung đang siết chặt do có dịch nhiệt thán trên gia súc ở Thái Lan. Bên cạnh đó, mức chênh lệch đã thu hẹp lại về mức 11.000-15.000 đồng/kg, cùng chi phí bao biên lớn khiến thương lái không còn thấy hấp dẫn.
Heo từ Campuchia về Việt Nam nhiều hơn ở trung tuần tháng 3 do thị trường Việt Nam có dấu hiệu thiếu hụt heo. Chênh lệch giá heo giữa hai nước có xu hướng giảm do heo Campuchia tăng giá lên vùng 60.500-61.000 đồng/kg trước dịp Tết cổ truyền của nước này. Lượng heo Campuchia về Việt Nam bắt đầu ít lại từ đầu tháng 4, còn quanh 2.000 con/ ngày.