Khóa học nâng cao năng lực quản lý của các cơ sở dịch vụ ăn uống vừa và nhỏ tại Việt Nam do ĐH Duke (Mỹ) phối hợp với Hiệp hội Nhà hàng Việt Nam (RAV), ĐH Kinh tế Quốc Dân (NEU), và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, USAID tài trợ đang tiếp tục nhận đăng ký tham gia từ các doanh nghiệp kinh doanh ăn uống quy mô dưới 30 lao động.
Đăng ký tham gia tại đây |
Dự kiến ban đầu, khóa học kết thúc đăng ký vào cuối tháng 6. Tuy nhiên, theo đề nghị của nhiều đơn vị, ban tổ chức quyết định gia hạn đăng ký đợt một đến 14/8, tạo thêm cơ hội cho các cá nhân, đơn vị kinh doanh dịch vụ F&B tham gia khóa học về năng lực quản trị.
"Do nhu cầu học viên tăng cao và để đảm bảo chất lượng khóa học, nên những học viên đã đăng ký khóa học trước ngày 30/6 sẽ bắt đầu học ngày 15/8. Các học viên đăng ký từ nay đến 14/8 dự kiến học vào tháng 9", đại diện cho tổ chức cho biết thêm.
Khóa học sẽ tổ chức online nhằm tạo điều kiện tham gia rộng rãi cho mọi chủ và quản lý nhà hàng khắp các tỉnh, thành phố. Người tham gia chỉ cần cam kết trả lời một bảng câu hỏi 10 phút trên smartphone một lần mỗi tháng trong vòng một năm sau khi khóa học kết thúc để đánh giá kết quả đào tạo.
Về lịch trình, các buổi học online sẽ diễn ra một lần một tuần trong 6 tuần. Ngoài các bài giảng trên lớp, khóa đào tạo sẽ bao gồm các bài giảng và trao đổi kinh nghiệm thực tế của các chủ nhà hàng thành công. Học viên hoàn thành cả chương trình học sẽ nhận được chứng chỉ từ cả Đại học Duke và Đại học Kinh tế Quốc dân.
Chia sẻ về lý do chương trình đào tạo lần này tập trung vào chủ các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống quy mô nhỏ, ông Eddy Malesky - Giám đốc Trung tâm phát triển quốc tế (DCID) tại ĐH Duke, Mỹ cho biết dịch vụ là lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng nhanh của nền kinh tế ở Việt Nam. Đóng góp của ngành này vào sự tăng trưởng và nhu cầu việc làm cũng đang tăng lên. Việc quản lý tốt hơn và nâng cao năng suất trong lĩnh vực này là điều cần thiết để giúp các nhà hàng phát huy hết tiềm năng của mình.
Theo báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm nay, mối lo ngại về sức khỏe trong đại dịch và các lệnh phong tỏa liên quan có ảnh hưởng đến ngành dịch vụ trong nước, đặc biệt là nhà hàng, cụ thể là suy giảm doanh thu và gặp nhiều khó khăn để có thể trở lại mức hiệu suất như trước đại dịch. Do đó, các đơn vị tham gia chương trình thấy cần thiết có bước hỗ trợ cho lĩnh vực kinh doanh ăn uống.
"Thực tế, các doanh nghiệp F&B Việt Nam chỉ cần những thay đổi nhỏ về phương thức quản trị, ví dụ như trong quản lý nguồn nhân lực, kiểm soát nội bộ trong kê khai hàng tồn kho và thiết bị, hay việc thiết lập các chỉ số hiệu suất chính, sẽ mang lại những thay đổi lớn", ông Eddy Malesky chia sẻ thêm.