"Tôi chưa từng gặp mặt hay ngồi với những nhân viên này. Tôi bị bắt phải tham gia chuyến đi như thời còn đi học", Catherine (tên đã thay đổi), 33 tuổi, nói.
Sau hai năm dịch bệnh, nhiều công ty Mỹ đang hào phóng tài trợ cho nhân viên đi du lịch tại các khu nghỉ dưỡng cao cấp nhưng nhiều người không muốn đi bởi đã quen làm việc tại nhà và muốn nhận tiền hơn là tốn thời gian để miễn cưỡng tỏ ra vui vẻ. Mất kết nối với đồng nghiệp, không muốn trở lại văn phòng sau đại dịch là thực trạng đang diễn ra tại nhiều công sở Mỹ.
Sean Hoff, người sáng lập Công ty du lịch Moniker, Canada cho biết, các cơ quan đang đốt tiền vào những chuyến nghỉ dưỡng cao cấp nhờ đã tiết kiệm được một khoản lớn bởi không phải thuê văn phòng trong hai năm đại dịch.
"Nhiều doanh nghiệp đã đặt những gói dịch vụ cao cấp nhất", Hoff nói và cho biết trung bình mỗi tháng công ty tổ chức 30 tour cho các công ty Mỹ với chi phí lên đến 50.000 USD, tăng gấp đôi so với năm 2019. Những địa điểm thường được lựa chọn nghỉ dưỡng là St. Tropez, Paris (Pháp), Barcelona (Tây Ban Nha) và Dublin (Ireland). Nhưng các chuyến du lịch với công ty mang lại nhiều phiền phức hơn nghỉ ngơi cần thiết.
"Tôi phải mặc gì? Tôi không muốn mặc bikini trước mặt đồng nghiệp", Catherine nói và nhắc về trải nghiệm phải ngồi nghe hết bài diễn văn nhàm chán của bộ phận nhân sự, hay trông chừng những nhân viên trẻ 25-30 tuổi để đảm bảo họ không quá chén, tại các chuyến đi trước.
Dù các chuyến đi không ép buộc, nhưng phần lớn nhân viên vẫn miễn cưỡng đi, trừ người có con nhỏ. Angelica, 30 tuổi, người làm việc trong lĩnh vực truyền thông, cũng có trải nghiệm không vui khi đi du lịch cùng công ty.
Sợ sếp không vừa ý, cô buộc phải đăng ký chuyến trekking đến trang trại ở San Antonio với 25 đồng nghiệp tại các chi nhánh London, Paris và Mexico hồi tháng 3. Chuyến đi ba ngày bao gồm hoạt động cưỡi ngựa, ăn uống ngoài trời và trò chuyện về công việc bên lửa trại.
Nhưng Angelica tỏ rõ sự chán ghét. "Tôi không thoải mái khi phải ở chung phòng với một đồng nghiệp người Pháp và không biết tiếng Anh, còn thức ăn lại quá nhiều dầu mỡ. Thậm chí trong đoàn còn có người mắc Covid-19, nhưng công ty vẫn không hủy chuyến đi", Angelica kể.
Charlie Saffro, 44 tuổi, giám đốc điều hành một công ty, quyết định chi 80.000 USD để đặt chuyến đi 3 ngày đến Cabo San Lucas, Mexico cho toàn bộ 30 nhân viên hồi tháng 2. Nhưng người quản lý sớm nhận ra hầu hết nhân viên không hề hào hứng. Họ tỏ ra e ngại và nghĩ rằng chuyến đi có thể chỉ để thay đổi nơi làm việc.
Để không khí trở nên thoải mái, nữ CEO quyết định cho toàn bộ nhân viên nghỉ làm trong suốt chuyến đi. "Là người quản lý, tôi nghĩ mình cần thấu hiểu nguyện vọng của nhân viên. Tôi không muốn họ mất tự nhiên nên luôn tìm cách rút lui sau bữa tối. Mọi người sẽ kết nối với nhau hơn nếu không còn sếp ở đó. Chúng tôi thường đùa với nhau rằng chuyện gì ở Cabo sẽ ở lại Cabo", Charlie chia sẻ.
(Theo NyPost)