Theo Tổng cục Thống kê, năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 6.391 nghìn tỷ đồng, tăng 9% so với năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,9%. Dù phục hồi tích cực so với thời kỳ trong dịch nhưng mức tăng này chưa đạt được kỳ vọng so với thời kỳ trước dịch COVID-19.
Người dân chi tiêu thận trọng hơn
Phân tích về xu hướng này, bà Đinh Thúy Phương, Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ, Tổng cục Thống kê cho hay, so với năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch COVID-19, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2024 tăng 29,4%, trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 31,5% và doanh thu du lịch lữ hành tăng 39,8%.
Kết quả này có được là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính Phủ đối với các Bộ, ngành và địa phương, trong việc đẩy mạnh hoạt động sản xuất; kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường trong nước trong năm 2024.
Từ đó góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh đối với các ngành sản xuất. Trong đó, có các ngành: Bán lẻ hàng hóa; dịch vụ lưu trú, ăn uống; dịch vụ du lịch lữ hành; dịch vụ vận tải, kho bãi...
Chính sách thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống 8% đối với một số mặt hàng thiết yếu, góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, tăng khả năng kích cầu tiêu dùng. Cùng với đó là việc thực hiện điều chỉnh tăng mức lương cơ sở từ ngày 1/7/2024, đã góp phần tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2024.
Nhu cầu tiêu dùng trong nước phục hồi tích cực, trong đó, nhập khẩu vật phẩm tiêu dùng năm 2024 tăng 20,6% so với năm 2023, phản ánh cầu tiêu dùng trong nước hồi phục.
Khách du lịch năm 2024 tăng, trong đó khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt hơn 17,5 triệu lượt khách, tăng 39,5% so với năm 2023, đã góp phần tác động lan tỏa đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của một số ngành kinh tế dịch vụ thị trường trong nước như: Dịch vụ lưu trú, ăn uống; vận tải; bán lẻ hàng hóa và dịch vụ du lịch, lữ hành.
Cũng theo đại diện Tổng cục Thống kê, với mức tăng 9%, dù tiêu dùng phục hồi tích cực so với thời kỳ trong dịch (năm 2020 - 2021 giảm lần lượt: 1,9%; 9,1%), song vẫn chưa đạt được kỳ vọng so với thời kỳ trước dịch COVID-19 khi giai đoạn 2015 - 2019 đều tăng từ 10 - 12%.
Cùng với đó, trong cấu trúc tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu, cơ cấu tiêu dùng của người dân đối với các mặt hàng phục vụ thiết yếu đời sống chiếm tỷ trọng 77,0%, tăng 1,7 điểm % so với năm 2019 (75,3%).
Trong khi các dịch vụ xã hội, gồm: Lưu trú, ăn uống; du lịch lữ hành và dịch vụ khác (vui chơi, giải trí…) chiếm tỷ trọng 23,0%, giảm 1,7 điểm % so với năm 2019 (24,7%). Điều này phản ánh tiêu dùng của người dân, chi tiêu tiết kiệm hơn sau dịch.
"Người dân chủ yếu tiêu dùng các nhóm hàng thiết yếu phục vụ đời sống như: Lương thực, thực phẩm; hàng may mặc; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình; vật phẩm văn hoá, giáo dục...và chi tiêu dùng các dịch vụ xã hội giảm so với thời kỳ trước dịch", bà Phương nêu rõ.
Khảo sát Người tiêu dùng tại Châu Á Thái Bình Dương năm 2024 của PwC Việt Nam mới đây cũng cho thấy, tại Việt Nam, dù nền kinh tế đang từng bước phục hồi song việc tăng giá lương thực, năng lượng, nhà ở và các chi phí thiết yếu khác được xem là rủi ro lớn nhất của đại đa số người tiêu dùng Việt Nam trong 12 tháng tới (63%). Trong khi đó, biến động kinh tế vĩ mô được xếp ở vị trí thứ hai (52%).
Vì vậy, người tiêu dùng hiện nay có xu hướng chi tiêu thận trọng hơn. Họ sẽ cắt giảm chi tiêu cho các mặt hàng không thiết yếu như các mặt hàng xa xỉ, sản phẩm giải trí, sách/báo, ưu tiên các sản phẩm/dịch vụ thiết yếu như nhu yếu phẩm, quần áo và chăm sóc sức khỏe.
Giảm thiểu tác động tăng giá hàng hóa
Đưa ra lời khuyên cho các doanh nghiệp, ông Nguyễn Lương Hiền, Phó Tổng Giám đốc, Lãnh đạo Dịch vụ Tiêu dùng và Bán lẻ, PwC Việt Nam, trong bối cảnh thị trường tiêu dùng Việt Nam ngày càng cạnh tranh và đa dạng, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần đưa ra những quyết định chiến lược để thúc đẩy tăng trưởng.
Ngoài ra, việc xây dựng lòng tin và đáp ứng nhu cầu tức thời của người tiêu dùng là yếu tố then chốt thì những giá trị vượt trội bên ngoài cạnh tranh về giá, xây dựng chiến lược bán lẻ phù hợp với mục đích cá nhân của khách hàng và đồng thời khuyến khích các lựa chọn tiêu dùng có trách nhiệm.
Bên cạnh đó, thực hành phát triển bền vững một cách thực chất bằng việc minh bạch hóa các thông tin về quá trình sản xuất và có chứng nhận của bên thứ ba sẽ góp phần quan trọng trong việc xây dựng hoạt động kinh doanh bền vững cho doanh nghiệp.
"Với những hành động này, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp không chỉ sẵn sàng đối mặt với những thách thức hiện tại mà còn nắm bắt cơ hội để phát triển mạnh mẽ trong thị trường tiêu dùng Việt Nam, một trong những thị trường được dự đoán là sẽ sôi động nhất thế giới vào năm 2030.
Còn theo Tổng cục Thống kê, để kích cầu tiêu dùng trong nước, thúc đẩy hoạt động bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của Việt Nam trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện các chính sách giảm thiểu tác động tăng giá hàng hóa từ việc tăng lương cơ sở.
Ổn định nguồn cung hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân dịp tết Nguyên đán. Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa, đặc biệt là các chương trình kết nối cung, cầu trên nền tảng số.
Thúc đẩy hoạt động du lịch, thu hút khách quốc tế đến Việt Nam. Đẩy mạnh các hoạt động kích cầu du lịch nội địa tại các địa phương có lợi thế.
, đại diện Tổng cục Thống kê nêu rõ.