Chuyện về bà Đào Thị Liên, một y sĩ nghỉ hưu cứu hàng nghìn người bị tai nạn giao thông trên Quốc lộ 5 qua tỉnh Hải Dương được báo chí phản ánh như một hiện tượng cách đây gần 10 năm. Trong mùa hè tình nguyện này, việc làm nhân ái, gan dạ, bền bỉ và nhiều tranh cãi của bà có lẽ cần được cập nhật, ghi lại.
Từ Hà Nội, tôi xuôi Quốc lộ 5 gần 90km đến thôn Dương Thái Trung, xã Phúc Thành, huyện Kim Thành, Hải Dương gặp bà.
“Bà tiên” cứu nghìn người
Trong căn nhà cấp 4 đơn sơ của bà, không có thiết bị gì giá trị ngoài dụng cụ sơ cứu người tai nạn giao thông. Nếu có những thứ giá trị đó là những bằng khen, giấy khen được Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, các cấp, các ngành tặng, treo kín tường.
Bà Liên bên tủ thuốc, các loại dụng cụ, các loại thuốc, dung dịch sát khuẩn thiết yếu sơ cứu người tai nạn giao thông.
Trước mặt tôi, bà Liên có mái tóc cắt ngắn, gần như đã bạc trắng nhưng trông vẫn mạnh khỏe. Bà Liên chia sẻ, năm 1973 khi về công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương hễ có tai nạn ở đâu bà đều xung phong đi cứu. Năm 1980, khi được chính quyền địa phương cấp cho mảnh đất cạnh Quốc lộ 5, vợ chồng bà dựng căn nhà cấp 4 sinh sống. Bà Liên cho biết, không hiểu cơ duyên thế nào, mình được cấp đất, làm nhà ngay ngã 3, nơi có đông dân cư, gần 3 trường học, lại có đường tàu cắt ngang, nổi tiếng hay xảy ra tai nạn giao thông, cướp đi sinh mạng của nhiều người.
Khi về sinh sống ở đây, thấy cảnh tai nạn thương tâm, bà và chồng tình nguyện đưa những người tai nạn vào nhà cứu chữa, nhẹ thì giúp lau rửa, băng bó vết thương; nặng thì hỗ trợ sơ cứu rồi gọi xe cấp cứu chuyển bệnh nhân vào các cơ sở y tế. Bà Liên nói: “Khi chứng kiến nhiều vụ tai nạn thương tâm, tôi không đành lòng, bàn với chồng dành riêng một phòng nhỏ trong nhà làm nơi sơ cấp cứu. Hai vợ chồng còn trích một khoản tiền lương ít ỏi hàng tháng để mua bông băng, thuốc và dụng cụ y tế”.
Bà Đào Thị Liên sơ cứu, khâu vết thương cho người tai nạn giao thông.
Trong cuốn sổ cũ dày cộp, bà Liên cẩn thận ghi chép lại hơn 1.000 tên, tuổi, quê quán, tình trạng sức khỏe của những người mình từng cứu giúp. Vừa lật các trang viết, bà vừa phân tích: Các vụ tai nạn gãy xương hoặc chấn thương cột sống, được sơ cứu ban đầu kịp thời, sử dụng nẹp cố định xương đúng cách sẽ giảm được 70% biến chứng. Còn những trường hợp có những biểu hiện chấn thương sọ não, bà băng bó, cố định nạn nhân trên cáng, không cho di chuyển, hạn chế những chấn động mạnh làm vỡ các mạch máu và kịp thời gọi xe cấp cứu đưa đến cơ sở y tế. Nhờ được sơ cứu ban đầu, nhiều người sau khi điều trị phục hồi rất tốt… Những vụ tai nạn tàu hỏa, nạn nhân người không còn nguyên vẹn, bà tình nguyện giúp người ta khâm liệm.
Tình người sau những lời dị nghị
Nhiều người được cứu giúp quay lại cảm ơn, biếu tặng tiền, quà, nhưng bà chỉ nhận quà, còn tiền thì bà quyết không nhận. “Người ta quay lại cảm ơn là điều mà tôi trân trọng nhất, hạnh phúc nhất. Cách đây mấy ngày có cháu gái từ Quảng Ninh vào cứ hỏi cô có nhớ cháu không. Tôi bảo không nhớ và cháu kể lại: “Năm 2012, cháu bị tai nạn tại đây, được cô sơ cứu, đưa vào bệnh viên băng bó, rồi bắt xe khách đưa về quê”. Khi cháu nó nói đến đây, mình mới nhớ ra”, bà Liên kể.
Khi chúng tôi đang trò chuyện thì hai mẹ con chị Nguyễn Thị Thúy (xã Phúc Thành, huyện Kim Thành) đến tặng bà vài cân vải thiều đầu mùa. Bà Liên kể, cuối năm 2014, hai mẹ con chị Thúy qua đường, không may va chạm với ô tô đầu kéo. Nghe có người hô hoán, bà Liên chạy ra cấp cứu cho chị Thúy lúc đó bị gãy xương đùi, xương cẳng tay, máu ở đầu chảy nhiều. Bà bố trí đưa được chị lên bệnh viện rồi quay lại, thấy cháu bé vẫn dính vào xe máy dưới gầm xe ô tô đang bén lửa. Người dân xì xào bảo cháu bé chết rồi, không ai dám bế ra. Bà bất chấp nguy hiểm xông vào lấy chăn dập lửa, bế cháu ra tiến hành cấp cứu. Sau khi hô hấp, xoa bóp tim khoảng 10 phút, cháu bé mở mắt ra gọi mẹ. Ngay lập tức, bà và con trai chở cháu vào bệnh viện. Bệnh viện Đa khoa huyện Kim Thành tiếp nhận rồi đưa 2 mẹ con chị lên Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) cấp cứu kịp thời nên đã cứu được mạng sống hai mẹ con.
Bà Liên vừa dứt lời, chị Thúy liền nói: “Bà là người sinh ra hai mẹ con tôi lần thứ hai. Hai mẹ con tôi sau khi chữa trị giờ tôi sức khỏe tốt, tôi vẫn đi làm công nhân ở nhà máy và cháu nay đã học lớp 9. Tôi không biết lấy gì đền ơn”.
Trong khi cứu người, không phải lúc nào bà cũng nhận được lời cảm ơn. Có người nói bà lập trạm cấp cứu để trục lợi, kiếm tiền, thu tiền của người ta, số khác bảo bà gàn dở. Bà Liên kể, Tết năm 2012, bà hỗ trợ sơ cứu một thanh niên ở thị trấn Kim Thành bị tai nạn xe máy. Vừa tỉnh lại, người này lập tức đổ tội cho bà lấy trộm tiền trong cốp xe. Bà bị Công an huyện mời lên làm việc đến mấy lần, nhưng rất may bà được minh oan vì lực lượng chức năng bắt được nghi phạm. “Những lời đàm tiếu tôi không quan tâm, tôi chỉ làm đúng lương tâm mình mách bảo”, bà cho hay.
Nay ở tuổi 75, khi hai khớp gối đau nhức, đi lại khó khăn, bà chưa có ý định nghỉ làm việc thiện. “Tôi sẽ tiếp tục đến lúc không thể làm được nữa. Còn sức khỏe, còn những vụ tai nạn giao thông thì tôi vẫn làm”, bà nói. Hiện nay, người con trai thứ hai của bà đang kinh doanh quán ăn tại nhà và cô cháu gái hiện đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện Kim Thành cũng tiếp nối, giúp sức bà cứu người tai nạn. Anh Đoàn Ngọc Quý (con trai thứ 2 của bà) cho hay, từ bé đã quen cảnh mẹ cứu người gặp tai nạn. Dù vất vả, bận công việc kinh doanh nhưng thấy việc làm này có ý nghĩa nhân văn, nên anh tiếp nối tham gia, hỗ trợ. Anh cho hay, khi mẹ yếu, không làm được nữa, anh và con gái sẽ tiếp nối công việc cứu người. Theo anh Quý, hiện nay, hàng xóm cũng bắt đầu chung tay, không ngại khó, sợ khổ, nguy hiểm mà cùng xắn tay giúp đỡ khi thấy người bị nạn.
Với việc làm ý nghĩa tình nguyện cứu người tai nạn giao thông, bà Đào Thị Liên 4 lần được Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tặng bằng khen. Năm 2016, bà được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng giải thưởng Tình nguyện Quốc gia. |