Dọc tuyến đường quốc lộ 1 đoạn từ Nam cầu Bến Thủy đến Bắc tuyến tránh thành phố Hà Tĩnh, những ngày qua, Chi nhánh BOT tuyến tránh thành phố Vinh - đơn vị chịu trách nhiệm quản lý đang huy động máy móc, nhân công sửa chữa.
Việc sửa chữa quốc lộ này diễn ra sau khi Cục Đường bộ Việt Nam có công văn yêu cầu Công ty cổ phần Tập đoàn Cienco 4 (nhà đầu tư) khẩn trương tổ chức sửa chữa, khắc phục hư hỏng đoạn tuyến quốc lộ 1.
Ông Lâm Hoàng Linh - Phó giám đốc Chi nhánh BOT tuyến tránh thành phố Vinh cho biết, hiện nay đơn vị đang huy động nhân lực, máy móc để sửa chữa lại những điểm hư hỏng trên dọc tuyến đoạn từ Nam cầu Bến Thủy đến Bắc tuyến tránh thành phố Hà Tĩnh. Việc sửa chữa trên dọc tuyến sẽ hoàn thành trong tháng 3 này.
Cũng theo đại diện BOT, nguyên nhân đường bị xuống cấp là do ảnh hưởng của mưa lũ vào năm 2022 và trọng lượng xe quá tải. Nguồn kinh phí sửa chữa đợt này khoảng 12 tỷ đồng.
Hàng năm, đơn vị quản lý cũng trích ngân sách để sửa chữa những điểm hư hỏng, nhưng việc sửa chữa chỉ mang tính nhỏ lẻ.
Để đảm bảo tiến độ, Chi nhánh BOT tuyến tránh thành phố Vinh huy động máy móc, nhân lực chia 3 ca làm việc liên tục từ sáng tới đêm khuya.
Đơn vị thi công dùng biện pháp cào bóc toàn bộ lớp bê tông nhựa cũ và thảm lại lớp bê tông nhựa mới. Những mặt đường bị hư hỏng, máy móc sẽ cào bóc, thổi bụi rồi thảm lại bê tông nhựa.
Trước đó Ban ATGT tỉnh Hà Tĩnh đã kiểm tra tuyến quốc lộ 1 phát hiện có nhiều đoạn xuống cấp, hư hỏng, hằn lún, ổ gà, bong tróc mặt đường, hệ thống vạch sơn bị mờ... nguy cơ mất an toàn giao thông, làm hạn chế khả năng khai thác của tuyến đường.
Đoạn đường từ nam cầu Bến Thủy đến Bắc tuyến tránh thành phố Hà Tĩnh được đầu tư theo hình thức BOT, dài 35,1 km. Dự án được đầu tư với nguồn vốn hơn 2.400 tỷ đồng. Gói thầu này được hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2014.
Ngày 10/3, Cục Đường bộ Việt Nam - Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản chỉ đạo nhà đầu tư phải khẩn trương tổ chức sửa chữa, khắc phục hư hỏng tuyến quốc lộ 1, đoạn từ Nam cầu Bến Thủy đến Bắc thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh. Việc khắc phục, sửa chữa phải đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, an toàn kết cấu công trình và an toàn giao thông (ATGT) trong quá trình khai thác, theo đúng quy định.
Cùng với đó yêu cầu nhà đầu tư dự án rà soát, hoàn thành các dự án bảo trì trên toàn bộ dự án BOT. Ngoài ra Cục Đường bộ Việt Nam cũng yêu cầu Khu Quản lý đường bộ II tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện sửa chữa của đơn vị theo nhiệm vụ được giao. Trường hợp khắc phục chậm hoặc không đảm bảo chất lượng, tiếp tục hoàn thiện các hồ sơ pháp lý, làm cơ sở để Cục Đường bộ xem xét tạm dừng thu phí.