EVO là một sản phẩm tín dụng do Masan kết hợp với ngân hàng đối tác, có tích hợp chức năng thành viên thân thiết của WinMart, WinMart+. Tổng hạn mức đã phát hành thẻ EVO lên đến 815 tỉ đồng.
Đại diện Masan cho biết ngoài mạng lưới khách hàng đa dạng có nhu cầu lớn, website đăng ký thẻ thiết kế đơn giản, thao tác dễ dàng giúp số lượng thẻ EVO phát hành tiện lợi.
Thẻ tín dụng tích hợp thành viên EVO là động thái đầu tiên trong kế hoạch tham gia sâu vào thị trường fintech của Masan. Trước đó, "ông lớn" này công bố kế hoạch mở mới 1 triệu thẻ tín dụng thông qua hợp tác với các ngân hàng đối tác tại đại hội cổ đông thường niên mới đây. Khách hàng là người tiêu dùng sở hữu thẻ tín dụng này sẽ hưởng lợi từ hệ sinh thái bán lẻ tiêu dùng của Masan thông qua chương trình khách hàng thân thiết. Đây cũng là mô hình cơ bản mà nhiều tập đoàn lớn trên thế giới triển khai, giúp giữ chân khách hàng trong hệ sinh thái.
Theo đại diện tập đoàn này, thời gian mở thẻ sẽ giảm đáng kể nhờ sự hỗ trợ của công nghệ, so với mô hình phát hành thẻ tín dụng truyền thống kéo dài từ 7-14 ngày như trước đây, tùy thuộc vào chất lượng hồ sơ mở thẻ và quy trình nội bộ của các ngân hàng.
Ông Danny Le, Tổng giám đốc Masan cho biết, dư địa để tập đoàn phát triển các sản phẩm tài chính là rất lớn. Theo đó, 80% khách hàng hiện hữu của Masan vẫn đang sử dụng tiền mặt. Tỷ lệ người dân sống ở nông thôn chưa được tiếp xúc mạng lưới và sản phẩm tài chính cũng ở mức cao.
Trong khi đó, độ phủ sản phẩm tài chính của thị trường Việt Nam vẫn còn rất thấp, với khoảng chỉ 2,4% dân số được tiếp cận với các sản phẩm bảo hiểm, còn tỷ lệ sử dụng thẻ tín dụng chỉ mới đạt khoảng 4%.
Theo kết quả phân tích hệ thống bán lẻ của Masan, những người trẻ Gen Z (sinh năm 1996 trở đi) chiếm phần lớn doanh số, có nhu cầu tiêu dùng cao trong tương lai.
Trước khi công bố lấn sân sang lĩnh vực tài chính, Masan đã xây dựng nhiều nền tảng nổi bật như "Point of Life" - một hệ sinh thái giúp khách hàng trong một lần có thể mua sắm hàng nhu yếu phẩm (WinMart+), thức uống trà, cà phê (Phúc Long), dịch vụ tài chính ngân hàng (Techcombank), chăm sóc sức khỏe, và mạng di động (Reddi).
Masan đang triển khai đẩy mạnh mô hình "Mini Mall", một trung tâm mua sắm thu nhỏ, tích hợp nhiều sản phẩm, dịch vụ cơ bản tại điểm bán WinMart+ duy nhất. Trong đó, sản phẩm tài chính cũng được xem là chủ lực.
Chia sẻ tại đại hội cổ đông, ông Danny Le cho biết các cửa hàng thí điểm đã tăng lưu lượng khách hàng hơn 30% và giảm doanh thu để đạt điểm hòa vốn đi 45%, giúp Masan tự tin có thể mở rộng mô hình này trên cả nước, đạt mục tiêu 30.000 cửa hàng trong tương lai.
Tập khách hàng mới và cũ cũng sẽ được Masan đẩy mạnh khai thác thông qua công nghệ. Bên cạnh đó, công nghệ Trí tuệ nhân tạo (AI) và Máy học (ML) sẽ cho phép Masan hiểu người tiêu dùng, thiết kế một chương trình khách hàng thân thiết hiệu quả, gia tăng tính tương tác.
Đại diện Masan cho biết sẽ tiếp tục hợp tác với nhiều tổ chức, định chế tài chính khác để mở rộng dải sản phẩm, mang đến nhiều lựa chọn hơn cho người tiêu dùng.
Để thực hiện kế hoạch trên, Masan cũng mua 25% cổ phần của Trusting Social. Bên cạnh thị trường Việt Nam, Fintech chấm điểm tín dụng này chuyên cung cấp dữ liệu chuyên sâu về tín dụng của hơn 1 tỷ người dùng cho hơn 170 tổ chức tài chính ở thị trường Indonesia, Ấn Độ và Philippines.
"Hợp tác giữa Masan, nền tảng bán lẻ O2 (cả online và offline), cùng với các ngân hàng được kỳ vọng sẽ đáp ứng kỳ vọng mục tiêu phát triển tài chính toàn diện mà Ngân hàng Nhà nước đặt ra, tức là người dân ở vùng sâu vùng xa cũng có thể tiếp cận được các sản phẩm tài chính toàn diện", đại diện Masan nhận định.
Theo các tổ chức phát hành thẻ, tại thị trường Việt Nam, số lượng thẻ tín dụng và các giao dịch qua thẻ cho thấy sự tăng trưởng nhanh chóng. Tính đến hết năm 2021, số lượng thẻ phát hành mới tăng 28% và tổng doanh số sử dụng thẻ đạt hơn 224.000 tỉ đồng, tăng 33% so với năm trước. Tuy nhiên, quy mô này được cho là vẫn còn rất khiêm tốn so với con số tiêu dùng của người Việt, mặt khác, tập trung ở các thành phố lớn, nơi có thị trường tiêu dùng mạnh mẽ.