Hành trình năm 2022 đã kết thúc nhưng nhiều chị em vẫn còn thêm một mối bận tâm lớn. Đó chính là việc chi tiêu cho dịp Tết Nguyên đán đang tới rất gần. Gia đình chị Hào Nguyễn (hiện đang sống tại Long Biên, Hà Nội) cũng như thế.
Bà mẹ trẻ hiện đang sống cùng chồng và con trai tại Long Biên, Hà Nội. Tết năm nay, gia đình chị sẽ cùng chồng về quê Nghệ An (quê chồng) và Bắc Ninh là quê ngoại để đón Tết. Năm nay Tết đến sớm nên chị Hào cũng đã lên kế hoạch chi tiêu Tết từ bây giờ, cụ thể với số tiền khoảng gần 30 triệu đồng để chuẩn bị cho tươm tất, đủ đầy nhất.
Chị Hào Nguyễn, hiện đang sống tại Long Biên, Hà Nội. Ảnh: NVCC.
Kế hoạch chi tiêu Tết gần 30 triệu mà vẫn thấp thỏm sợ phát sinh
Trước mắt, chị Hào đã vạch ra sơ lược các khoản cần chi tiêu cho dịp Tết năm nay. Cụ thể, chị chi phí di chuyển của gia đình về quê nội và quê ngoại vào khoảng 2 triệu đồng. Cần mua thêm quà biếu Tết cho hai bên gia đình, tổng số tiền là 6 triệu. Chị Hào sắm quần áo mới cho con và cả áo dài, thêm quần áo cho hai vợ chồng nữa hết khoảng 4 triệu. Khoản lì xì sẽ rơi vào khoảng 6 triệu.
Về trang trí nhà cửa, năm nào Tết đến chị Hào cũng trang trí đơn giản. Nhưng năm nay việc chi tiêu của gia đình có nhiều biến động nên muốn tính toán và cân nhắc nhiều hơn. Đặc biệt là trong khoản đồ trang trí nhà cửa nhà ngày Tết, chị Hào quyết định sẽ cắt giảm hoàn toàn để tiết kiệm. Thay vào đó, chị sẽ chỉ dọn dẹp nhà sạch sẽ gọn gàng và thoáng mát hơn.
Ngoài ra, chị Hào Nguyễn cần mua thực phẩm, đồ lễ để thờ cúng tổ tiên mất khoảng 6 - 8 triệu. Và để thêm 3 triệu nữa dành cho các khoản phát sinh khác nếu có.
Năm nay việc chi tiêu của gia đình có nhiều biến động nên chị Hào quyết định sẽ cắt giảm hoàn toàn chi phí mua sắm đồ trang trí nhà cửa ngày Tết để tiết kiệm. Ảnh minh họa.
Thời điểm này, chị Hào Nguyễn đã vạch kế hoạch dự trù trước các khoản chi tiêu Tết cụ thể như vậy để khi Tết đến, chi tiêu không bị thiếu hụt tiền. Trong những khoản chi tiêu này, bà mẹ trẻ cũng tâm sự chú trọng nhất đến khoản chi mua thực phẩm, đồ lễ để thờ cúng tổ tiên và khoản lì xì cho những đấng sinh thành.
"Tết đến mình có thể cắt giảm tiền mua sắm đồ trang trí nhà cửa, quần áo mới nhưng việc chi tiêu cho thực phẩm, các đồ lễ để thờ cúng tổ tiên trên ban thờ nhằm thắp nén nhang hướng tới nguồn cội là điều không thể thiếu được.
Vì thế, không Tết nào là mình quên mua gà, đồ một chõ xôi, nấu một bát miến dâng lên ông bà. Ngoài việc đó ra, mình cũng rất chú trọng đến việc biếu Tết cho những đấng sinh thành đã vất vả nuôi dưỡng hai vợ chồng nên người đến hôm nay", bà mẹ một con tâm sự thêm.
Bảng dự trù chi tiêu trong dịp Tết của gia đình chị Hào Nguyễn.
Kiểm soát chi tiêu và không "vung tay quá trán" cũng cần bí kíp
Theo chị Hào Nguyễn thì Tết chi tiêu tốn kém hơn các tháng khác trong năm là điều hợp lý. Tuy nhiên để kiểm soát chi tiêu và không "vung tay quá trán" mới là điều chị quan tâm.
Tới khoảng 23 - 25 âm là chị Hào sẽ bắt đầu ngồi liệt kê từng món cụ thể cần mua, những khoản cần và không cần mua sắm. Chị cũng để dự trữ 1 khoản tiền đủ chi tiêu từ sau Tết tới khi có lương.
"Dù bận thì cũng phải cố gắng ngồi lập kế hoạch chi tiêu các khoản càng cụ thể càng tốt. Khi Tết đến thì cứ thế mà mua sắm theo đúng dự tính. Việc lập kế hoạch vừa giúp chủ động kế hoạch chi tiêu, vừa giúp kiểm soát tốt hơn.
Khi đã dự tính mua sắm Tết bao nhiêu thì nhất quyết chỉ đi mua trong danh sách này. Bởi nhiều khi không dự định mua sắm nhưng đi siêu thị nhìn thấy thích lại phát sinh thêm. Cố gắng sẽ không được phát sinh thêm khoản khác hay tặc lưỡi để chi tiêu vượt quá số tiền đã dự trù", chị Hào Nguyễn chia sẻ thêm.
Ảnh minh họa.
Ngoài ra khi đi chơi Tết dù rất vui nhưng cũng đồng nghĩa với việc chi tiêu tốn kém. Do đó, cần dành ra 1 khoản cụ thể cho việc này. Để không vượt quá số tiền chơi Xuân, mẹo nhỏ của chị Hào Nguyễn là chỉ mang theo đúng số tiền đã dự định chi tiêu. Do đó, lúc có “hứng” muốn chi mạnh tay thì trong túi không có cũng không thể chi nhiều hơn được.
Riêng khoản tiền lì xì chị Hào Nguyễn cũng dự trù trước bằng cách nhẩm tính có bao nhiêu người và định lì xì số tiền bao nhiêu, cụ thể là trong số tiền khoảng 6 triệu đồng. Tất cả đều được cho trước vào phong bao vừa kín đáo vừa đẹp mắt.
Với những sự chuẩn bị chặt chẽ trong chi tiêu này, chị Hào Nguyễn mong rằng số tiền 30 triệu mà mình đã vạch ra sẵn từ trước sẽ ổn thỏa và giúp Tết Nguyên đán này của gia đình chu đáo và vẹn tròn nhất.