6 tháng đầu năm 2022, CTCP FPT (Mã: FPT) ghi nhận doanh thu 19.826 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 3.637 tỷ đồng, lần lượt tăng 22,2% và 23,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả kinh doanh duy trì tăng trưởng hai con số với động lực chính tới từ nhu cầu gia tăng mảng công nghệ, nhất là dịch vụ chuyển đổi số và tăng trưởng biên lợi nhuận mảng viễn thông.
Tính riêng quý II, FPT đạt 10.094 tỷ đồng doanh thu, 1.858 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế; tăng lần lượt 16,5% và 20,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm 2022, tập đoàn lên kế hoạch kế hoạch 42.420 tỷ đồng doanh thu và 7.618 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Như vậy, sau 6 tháng, FPT đã thực hiện được gần 47% mục tiêu doanh thu và gần 48% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế cả năm.
Khối công nghệ (bao gồm dịch vụ CNTT trong nước và dịch vụ CNTT nước ngoài) tiếp tục giữ vai trò chủ chốt, đóng góp 57% doanh thu, tương đương 11.252 tỷ đồng và 45% lợi nhuận trước thuế với 1.625 tỷ đồng.
Doanh thu dịch vụ CNTT tại nước ngoài đạt 8.622 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 1.362 tỷ đồng; tăng lần lượt 29% và 28,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Doanh thu tăng trưởng tại mọi thị trường, đặc biệt tại Mỹ (tăng 48,4%) và châu Á – Thái Bình Dương (tăng 55,5%). Thị trường Nhật cũng chứng kiến sự hồi phục với mức tăng trưởng theo đồng yen Nhật đạt 18%.
Doanh thu chuyển đổi số đạt 3.484 tỷ đồng, tăng trưởng 64,6% so với cùng kỳ.
Mảng dịch vụ CNTT tại thị trường nước ngoài ghi nhận doanh thu ký mới đạt 11.681 tỷ đồng, tăng trưởng 40% so với cùng kỳ, tạo động lực tăng trưởng cho nửa cuối năm 2022, trong đó, FPT ghi nhận nhiều đơn hàng lớn với 13 dự án có quy mô trên 5 triệu USD.
Mảng dịch vụ CNTT tại thị trường trong nước đạt doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt 2.630 tỷ đồng và 263 tỷ đồng. Trong đó, các sản phẩm thuộc hệ sinh thái Made-by-FPT mang lại 406 tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng 51,6% so với cùng kỳ.
Hệ sinh thái công nghệ Made by FPT được phát triển dựa trên các nền tảng công nghệ lõi gồm AI, Blockchain, Cloud, IoT và Lowcode; có khả năng ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực trọng yếu như chính phủ điện tử, giao thông, y tế, tài chính ngân hàng, viễn thông, giáo dục, sản xuất… Đây được tập đoàn đánh giá là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của FPT trong dài hạn.