Chứng khoán

Founder AZFin Việt Nam: "Không thiếu những cổ phiếu tăng 10-40 lần trong 10 năm qua, đừng T+ mà hãy coi cổ phiếu là tài sản như vàng, bất động sản hay gửi tiết kiệm"

Chứng khoán những ngày này, nhà đầu tư đã phần nào thấm nhuần ý nghĩa của câu nói "kiếm được tiền dễ nhưng giữ được tiền mới khó". Chỉ trong trong vòng hơn 1 tháng thị trường điều chỉnh, nhiều nhà đầu tư đã bay hết thành quả của 2 năm gom góp khi số đông cổ phiếu đã giảm bình quân 30-50%, thậm chí đã âm cả vào vốn gốc khi tham gia "bữa tiệc chứng khoán" muộn.

Vậy làm sao để kiếm được tiền trên thị trường chứng khoán và giữ thành quả bền vững. Dưới đây là quan điểm của ông Đặng Trần Phục, Founder Azfin Việt Nam. 

Founder AZFin Việt Nam: Không thiếu những cổ phiếu tăng 10-40 lần trong 10 năm qua, đừng T+ mà hãy coi cổ phiếu là tài sản như vàng, bất động sản hay gửi tiết kiệm - Ảnh 1.

Thị trường chứng khoán sau một nhịp điều chỉnh sâu, thanh khoản chỉ còn 14.000-17.000 tỷ so với mức 30.000-40.000 tỷ của cuối năm 2021. P/E Forward năm 2022 về mức 11.x là hiếm thấy. Theo ông, cơ hội đầu tư dài hạn đã mở ra chưa khi P/E đã thấp. Nếu thị trường cứ đi ngang thì cơ hội đầu tư tích sản, mỗi tháng trích một phần lương mua một ít cổ phiếu có tốt không?

Ông Đặng Trần Phục: Việc thị trường chứng khoán suy giảm khiến định giá cổ phiếu hiện nay (5/2022) trở nên hấp dẫn, việc suy giảm này là bất lợi với các trader nhưng là thiên đường của tích sản cổ phiếu.

Thứ nhất, mua được cổ phiếu với định giá hấp dẫn thậm chí chiết khấu 50% so với giá trị của cổ phiếu, khi thị trường chứng khoán được định giá hợp lý trở lại cộng với kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán Việt Nam được dự báo có thể tăng trưởng 20%/năm đến 2024 thì lợi nhuận nhà đầu tư tích sản đạt được sẽ rất cao, có thể tương đương giai đoạn 2020-2021.

Thứ hai, thị trường chứng khoán sau khi giảm và có định giá thấp càng lâu thì nhà đầu tư tích sản sẽ mua được càng nhiều cổ phiếu với cùng một lượng tiền nhất định, ngắn hạn họ sẽ được lợi nhờ số lượng cổ phiếu tích sản được nhiều hơn.

Thứ ba, cổ phiếu giảm càng sâu, càng lâu thì khi tăng càng nhanh và cáng kéo dài, khi đó những người tích sản cổ phiếu đã sẵn sàng với một vị thế cổ phiếu lớn trong tay và thu lợi lớn.

Founder AZFin Việt Nam: Không thiếu những cổ phiếu tăng 10-40 lần trong 10 năm qua, đừng T+ mà hãy coi cổ phiếu là tài sản như vàng, bất động sản hay gửi tiết kiệm - Ảnh 2.

Tích sản cổ phiếu còn là phương pháp khá mới ở Việt Nam - nơi mà nhà đầu tư cá nhân chiếm chủ đạo giao dịch hàng ngày, và họ quen với việc đầu tư lướt sóng T+. Ông có thể giải thích thêm về phương pháp đầu tư này được không?

Ông Đặng Trần Phục:  Tích sản cổ phiếu là một phương pháp đầu tư giá trị, người tích sản sẽ mua cổ phiếu hàng tháng, hàng quý nhằm mục đích đầu tư lâu dài hướng đến xây dựng một kênh sinh lời thụ động, người tích sản cổ phiếu thu lợi nhuận nhờ nhận được cổ tức và sự gia tăng về giá trị trên cơ sở tăng trưởng và phát triển của doanh nghiệp trong tương lai. 

Tích lũy tài sản bằng cổ phiếu cũng giống như các kênh tích lũy tài sản truyền thống khác, thay vì hàng tháng mua vàng, gửi tiết kiệm, mua bất động sản ... thì chúng ta tích sản bằng cách mua và nắm giữ cổ phiếu lâu dài đồng hành cùng doanh nghiệp. Vì thế nó thực sự là một kênh đầu tư phù hợp với số đông người dân, kể cả những người có ít thời gian tìm hiểu cũng như những người không có nhiều kiến thức về đầu tư.

Trên thế giới, đặc biệt ở các nước phát triển, người dân sở hữu tài khoản đầu tư chứng khoán cũng gần phổ biến như tài khoản ngân hàng, việc đầu tư cổ phiếu nói chung và tích sản cổ phiếu nói riêng rất phổ biến. Những người có kiến thức về doanh nghiệp và đầu tư thường lựa chọn tích sản cổ phiếu riêng lẻ, còn những người chưa có kinh nghiệm thường tích sản 1 danh mục cổ phiếu hoặc tích sản chứng chỉ quỹ ETF. Nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett chính là người thực hiện phương pháp tích sản thành công nhất thế giới, thay vì mua các cổ phiếu riêng lẻ, ông sử dụng nguồn tiền từ doanh nghiệp sinh ra thực hiện các thương vụ mua lại các doanh nghiệp đều đặn cho tập đoàn của mình, tính đến 2022 Berkshire Hathaway đã sở hữu tới hơn 200 công ty con, đa phần đến từ chiến lược mua tích lũy này.

Với một thị trường đầy biến động như chứng khoán Việt Nam, nơi nhà đầu tư cá nhân chiếm tới hơn 80% giá trị giao dịch mỗi phiên. Ông nghĩ đầu tư tích sản có phù hợp?

Ông Đặng Trần Phục: Thị trường chứng khoán là một nơi có rủi ro cao đặc biệt trong ngắn hạn. Vì thế phương pháp tích sản cổ phiếu càng trở lên có giá trị hơn bao giờ hết vì lý do:

Tích sản cổ phiếu hướng đến việc hưởng lợi nhờ sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp, người tích sản tập trung vào giá trị thay vì giá cả, do đó giúp nhà đầu tư loại bỏ được hoàn toàn áp lực biến động giá ngắn hạn của cổ phiếu.

Nhờ việc mỗi tháng chỉ tích lũy đều một lượng nhất định do đó giúp nhà đầu tư tránh được việc mua vào lượng lớn trúng đỉnh do bị tâm lý FOMO (sợ nhỡ mất cơ hội); Tránh được bán đúng đáy do bị tâm lý FOBI (sợ bị mất thành quả).

Nhờ việc mua tích sản ở vùng định giá hấp dẫn do đó thị trường chứng khoán càng biến động thì người tích sản lại càng mua được cổ phiếu với giá trung bình thấp hơn và tạo cơ hội có thể chốt lời khi thị trường chứng khoán định giá đắt quá đà.

Founder AZFin Việt Nam: Không thiếu những cổ phiếu tăng 10-40 lần trong 10 năm qua, đừng T+ mà hãy coi cổ phiếu là tài sản như vàng, bất động sản hay gửi tiết kiệm - Ảnh 3.

Phương pháp mua tích sản tức là đầu tư dài hạn vào doanh nghiệp. Truyền thông phương Tây từng viết về một nhân viên văn phòng nhỏ bé đã trở thành triệu phú đô la sau khi mỗi tháng anh ta đã dành ra một phần lương của mình để mua vào của cổ phiếu Tesla vì thần tượng Elon Musk, sau đó cổ phiếu tăng giá gấp 10 lần. Tiêu chí của mua cổ phiếu tích sản vẫn là phải chọn đúng doanh nghiệp. Vậy tích sản chứng khoán ở Việt Nam phải chọn những doanh nghiệp như thế nào, thưa ông?

Ông Đặng Trần Phục: Việc mua tích sản cổ phiếu đã có rất nhiều tấm gương thành công như: Huyền thoại Warren Buffett, người gác cổng ông Ronal Read, Thư ký hãng Abbott bà Grace Groner…, hay nhiều nhà đầu tư ở Việt Nam tích lũy các cổ phiếu như: FPT, VCS, VSC, DGC, HPG tại Việt Nam cũng sở hữu cho mình tài sản hàng tỷ đồng khi giá những cổ phiếu này tăng từ 10-40 lần chỉ trong vòng chưa đến 10 năm. Tuy vậy để có thể thành công với phương pháp này việc có các tiêu chí lựa chọn các cổ phiếu phù hợp là hết sức quan trọng. 

Dưới đây là những tiêu chí mà AzFin đã áp dụng tích sản cổ phiếu rất hiệu quả từ năm 2013:

Thứ nhất, doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh mạnh và tăng trưởng bền vững, chỉ có những doanh nghiệp như vậy mới có thể vững vàng tăng trưởng và phát triển vượt trội trong bối cảnh tương lai đầy biến động, từ đó mang lại giá trị lớn hơn cho cổ đông.

Thứ hai, quản trị công ty xuất sắc, chỉ có những doanh nghiệp như vậy thì rủi ro pháp lý giảm thiểu, rủi ro rút ruột công ty không xảy ra, khi đó thì cổ đông rất an tâm cầm nắm lâu dài và nhận giá trị từ công ty.

Thứ ba, thanh khoản ở mức khá, tương lai bất kỳ điều gì cũng có thể xảy ra như doanh nghiệp có thể chuyển biến xấu về cơ bản hoặc chúng ta cần tiền gấp, do đó chúng ta cần lựa chọn những cổ phiếu có thanh khoản để có thể rút ra khi cần thiết.

Thứ tư, định giá hấp dẫn, đây là yếu tố đủ trong tích sản, mua ở vùng định giá hấp thì hiệu quả tích sản mới cao, hơn nữa định giá hấp dẫn cũng là phòng rủi ro tốt nhất đối với nhà đầu tư tích sản, khi có chọn sai doanh nghiệp, hay doanh nghiệp có những rủi ro bất ngờ thì chúng ta cũng bị thiệt hại ít, thậm chí không bị thiệt hại nhờ việc mua được ở mức giá chiết khấu cao.

Founder AZFin Việt Nam: Không thiếu những cổ phiếu tăng 10-40 lần trong 10 năm qua, đừng T+ mà hãy coi cổ phiếu là tài sản như vàng, bất động sản hay gửi tiết kiệm - Ảnh 4.

Hai năm qua trong con sóng thần của chứng khoán, rất nhiều người đã kiếm được tiền tỷ thậm chí hàng chục hàng trăm tỷ. Nhưng trong cơn say chứng khoán, thị trường điều chỉnh mạnh lại "bay" tài khoản rất nhanh. Theo ông, giao dịch như thế nào sẽ giúp nhà đầu tư bảo vệ được thành quả mà không mất quá nhiều trong con sóng xuống của thị trường?

Ông Đặng Trần Phục: Thị trường chứng khoán uptrend mạnh sẽ khiến nhà đầu tư chủ quan, do đó dễ dẫn đến quyết định liều lĩnh, bản thân tôi hay nhiều nhà đầu tư 10-20 năm kinh nghiệm thi thoảng vẫn mắc phải. Việc kiếm tiến khó nhưng việc giữ tiền càng khó hơn trên thị trường chứng khoán. Để có thể bảo vệ được thành quả hay xa hơn là đứng dậy sau khó khăn hướng đến thành công trên thị trường chứng khoán theo tôi nhà đầu tư cần xây dựng phương pháp đầu tư đúng và xây dựng tư duy phù hợp với bản thân mình, đầu tư không có phương pháp như đi không có bản đồ trong khi đầu tư sai phương pháp như đi lạc đường. Chỉ có phương pháp đúng và tư duy đầu từ phù hợp mới giúp chúng ta có được một con đường sáng tỏ để đến với thành công.

Founder AZFin Việt Nam: Không thiếu những cổ phiếu tăng 10-40 lần trong 10 năm qua, đừng T+ mà hãy coi cổ phiếu là tài sản như vàng, bất động sản hay gửi tiết kiệm - Ảnh 5.

Nhà đầu tư cũng cần học hỏi, nâng cao kiến thức không ngừng, Benjamin Franklin đã từng nói "Đầu tư vào tri thức là đầu tư mang lại lợi nhuận cao nhất", thật vậy, tôi chưa từng thấy ai không có kiến thức mà giàu và thành công cả, thị trường chứng khoán là một thị trường cao cấp trong lĩnh vực tài chính vì thế càng cần sự hiểu biết từ: vĩ mô, ngành, doanh nghiệp, định giá thậm chí đọc vị tâm lý đám đông thì mới có thể thành công lâu dài được.

Nhà đầu tư cũng cần tuân thủ kỷ luật một cách nghiêm ngặt và đưa ra các kịch bản để hành động, với một thị trường đầy biến động và do tâm lý đám đông quyết định thì việc tuân thủ kỷ luật và đưa ra các kịch bản sẽ giúp chúng ta không bị ngài thị trường dắt mũi mà chúng ta sẽ chủ động được trước các diễn biến thị trường, với kịch bản thị trường xuống thì làm gì, thị trường lên thì làm gì, thị trường đi ngang thì làm gì.

Tinh thần luôn luôn duy trì ở trạng thái trung dung, không lạc quan quá đà khi thị trường chứng khoán tăng mạnh, không bi quan quá đà khi thị trường chứng khoán giảm mạnh. Nếu có thiệt hại về tiền bạc nhiều đi chăng nữa chỉ cần tinh thần còn vững thì cơ hội luôn tìm đến chúng ta.

Đối với danh mục đầu tư của mình chúng tôi lựa chọn tích sản cổ phiếu và tuân thủ kỷ luật vì thế luôn trong trạng thái an tâm về hiệu quả đầu tư lâu dài trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Nhà đầu tư cá nhân chiếm chủ đạo trong giao dịch hàng ngày do đó luôn có hiệu ứng FOMO rất mạnh cả khi thị trường lên và thị trường xuống. Theo ông, giao dịch nhiều có thực sự tốt không. Bởi theo nhiều nghiên cứu trên thế giới, chẳng hạn trên thị trường Đài Loan có nghiên cứu kéo dài hàng chục năm cho thấy việc giao dịch lướt sóng hàng ngày chỉ có 1% nhà đầu tư thắng cuộc, còn lại số đông là thua lỗ (có thể năm này lãi nhưng năm sau lại lỗ)?

Ông Đặng Trần Phục: Đúng vậy, việc giao dịch quá nhiều thường dẫn đến kết quả thua lỗ cho đa phần các nhà đầu tư do giao dịch thường xuyên đồng nghĩa với việc chúng ta cần ra quyết định quá nhiều, quá nhanh mà chưa kịp có suy nghĩ thấu đáo với mọi việc. Từ đó các quyết định sẽ cảm tính nhiều và tỷ lệ sai là rất cao.

Việc giao dịch nhiều thường kèm với đòn bẩy rất cao và đồng thời tốn nhiều loại phí: Phí giao dịch, thuế giao dịch, phí lưu ký, lãi vay margin. Có rất nhiều tài khoản trading sau một năm ngồi tính tổng các loại phí trên chiếm khoảng 20-80% tổng giá trị tài sản bỏ vào đầu năm. Khi chi phí quá cao như vậy thì để có lãi nhà đầu tư phải kiếm cả trăm %, điều này gần như bất khả thi.

Giao dịch thường xuyên chỉ phù hợp với những trader chuyên nghiệp ở tại các tổ chức chuyên trading để kiếm tiền, tuy vậy đa phần nhà đầu tư giao dịch thường xuyên là những người nghiệp dư, tay ngang vì thế phương pháp này không phù hợp với họ, việc thua lỗ là tất yếu.

Founder AZFin Việt Nam: Không thiếu những cổ phiếu tăng 10-40 lần trong 10 năm qua, đừng T+ mà hãy coi cổ phiếu là tài sản như vàng, bất động sản hay gửi tiết kiệm - Ảnh 6.

Thực tế rất nhiều nhà đầu tư đã "mất trắng" "cháy tài khoản" trong giai đoạn thị trường lao dốc vừa qua. Quả thực thị trường chứng khoán rất khốc liệt. Theo ông, làm thế nào để nhà đầu tư mất ít nhất trong giai đoạn thị trường xuống. Bỏ tiền vào quỹ có phải là một kênh đầu tư bền vững không? 

Ông Đặng Trần Phục: Ở các thị trường tài chính phát triển như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản đa phần nhà đầu tư cá nhân ủy thác cho các quỹ đầu tư chuyên nghiệp (75-83% giao dịch trên thị trường chứng khoán đến từ các tổ chức) vì thế nên không có nhiều hệ lụy đáng tiếc.

Founder AZFin Việt Nam: Không thiếu những cổ phiếu tăng 10-40 lần trong 10 năm qua, đừng T+ mà hãy coi cổ phiếu là tài sản như vàng, bất động sản hay gửi tiết kiệm - Ảnh 7.

Trong đầu tư chứng khoán thì việc chuyên môn hóa là rất cần thiết. Các quỹ đầu tư chuyên nghiệp là nơi có nhiều lợi thế với: Trình độ chuyên môn cao; Tiềm lực tài chính mạnh để đầu tư công nghệ mạnh, hệ thống tốt để phục vụ cho việc phân tích đầu tư; Nhanh nhạy về thông tin, am hiểu về thị trường. Vì thể các nhà đầu tư mới nên đầu tư vào các quỹ này vừa an toàn nhưng hiệu quả cũng tương đối cao đặc biệt là không bị phân tâm ảnh hưởng đến công việc và gia đình.

Việc đầu tư vào các chứng chỉ quỹ, tức là giao tiền của mình cho những người có kinh nghiệm chiến đấu trên thị trường hơn quản lý tiền của mình. Thói quen của nhà đầu tư dường như vẫn chưa quen với việc cho người khác cầm tiền đi đầu tư, thường họ muốn tự mình đầu tư. Làm sao để thay đổi nếp suy nghĩ này của nhà đầu tư cá nhân, thưa ông?

Ông Đặng Trần Phục: Nhà đầu tư Việt Nam chưa quen với việc giao tiền cho các quỹ, nguyên nhân ngoài đến từ thói quen còn đến từ việc một số không nhỏ các quỹ hoạt động không có hiệu quả. Để có thể thay đổi suy nghĩ của nhà đầu tư cá nhân thì cần những giải pháp từ cơ quan quản lý đến các quỹ đầu tư.

Về phía cơ quan quản lý rất cần có sự quan tâm hơn nữa để thúc đẩy các quỹ đầu tư phát triển mạnh hơn ở Việt Nam, hiện nay về cơ bản là không dễ xin giấy phép để mở một quỹ đầu tư mới, việc mua lại giấy phép cũng tốn chi phí từ 50-100 tỷ đồng là khoản chi phí quá lớn.

Các quỹ đầu tư cần thiết tăng cường hơn về mặt truyền thông, đào tạo, công khai minh bạch để nhà đầu tư hiểu hơn về kênh đầu tư an nhàn và hiệu quả này, ngoài ra thêm sự tin tưởng từ nhà đầu tư cá nhân đến với các quỹ đầu tư.

Hiện nay các quỹ đầu tư tại Việt Nam chủ yếu phục vụ các tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài là chính, các quỹ đầu tư nên phát triển thêm nhiều sản phẩm phù hợp với các nhà đầu tư cá nhân trong nước để có thêm các lựa chọn phù hợp với mục tiêu đầu tư của họ.

Xin cám ơn ông!

Chúng ta có thể làm giàu ở bất cứ độ tuổi nào nhưng lý tưởng nhất, hoàn hảo nhất chính là những năm tháng tuổi trẻ. Đã có sẵn "chất liều" bên trong, khả năng học hỏi nhanh nhạy và tâm thế sẵn sàng đứng lên dẫu vấp ngã, vậy thì còn chờ gì mà không Làm giàu tuổi 20.

Hãy chia sẻ câu chuyện của bạn lên trang cá nhân ở chế độ công khai kèm hashtag #LamGiauTuoi20 #CafeF #Kenh14 hoặc gửi bài dự thi về BTC qua:

Website: Làm giàu tuổi 20

Email [email protected]

Fanpage Kenh14.vn và CafeF .

Chủ đề "Làm giàu tuổi 20" sẽ diễn ra từ 6/5/2022 đến 19/5/2022 với nhiều giải thưởng hấp dẫn:

Giải nhất: 20.000.000 VND

Giải Yêu thích do độc giả chọn: 2.000.000 VND

Giải yêu thích do BGK lựa chọn: 3.000.000 VND

Cuộc thi Làm giàu tuổi 20 được đầu tư thực hiện, phối hợp tổ chức bởi Kenh14.vn, CafeF cùng đơn vị đồng hành Ngân hàng số Cake by VPBank và sự góp mặt đặc biệt bởi các khách mời là Chuyên gia tài chính uy tín, những người có tầm ảnh hưởng và đam mê về lĩnh vực tài chính. Mọi thông tin chi tiết xem tại đây.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm