Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings vừa thông báo nâng xếp hạng tín nhiệm đối với 8 ngân hàng tại Việt Nam là Vietcombank, VietinBank, Agribank, ACB, MB, Ngân hàng HSBC Việt Nam, Ngân hàng ANZ Việt Nam và Ngân Standard Chartered Việt Nam.
Động thái này diễn ra sau khi Fitch Ratings nâng Xếp hạng tín nhiệm nhà phát hành nợ dài hạn (Long-term Issuer default ratings - IDR) của Việt Nam từ mức 'BB' lên 'BB+', với triển vọng ổn định vào ngày 8/12.
Với Vietcombank, VietinBank và Agribank, Fitch Ratings đã đồng loạt nâng Xếp hạng nhà phát hành nợ dài hạn (IDR) của các ngân hàng này lên mức 'BB+' và Xếp hạng hỗ trợ của Chính phủ lên mức 'bb+' từ 'bb'. Triển vọng IDR ổn định.
Việc nâng hạng này phản ánh quan điểm của Fitch Ratings về khả năng cải thiện của Chính phủ trong việc hỗ trợ các ngân hàng trong hệ thống, thể hiện qua việc nâng hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam từ 'BB' lên 'BB+' vào ngày 8/12
Với MB, Fitch Ratings đã nâng Xếp hạng tín nhiệm nhà phát hành nợ dài hạn (IDR) từ mức 'BB-' lên 'BB' và Xếp hạng Hỗ trợ Chính phủ (GSR) từ 'bb-' lên 'bb '. Triển vọng IDR ổn định.
Việc nâng hạng này phản ánh quan điểm của Fitch Ratings về khả năng cải thiện của Chính phủ trong việc hỗ trợ ngân hàng, vốn được phản ánh qua việc nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia gần đây của Việt Nam.
Đồng thời, Fitch Ratings cũng duy trì Xếp hạng sức mạnh tín dụng độc lập (Viability Rating - VR) của MB ở mức 'b+'.
Với ACB, Fitch Ratings đã nâng Xếp hạng Hỗ trợ Chính phủ (GSR) của lên 'bb-' từ mức 'b+'. Hành động này phản ánh quan điểm của Fitch Ratings về khả năng cải thiện của nhà nước trong việc hỗ trợ ngân hàng trong những thời điểm cần thiết, thể hiện qua việc nâng hạng của Việt Nam ngày 8/12.
Đồng thời, cơ quan này duy trì Xếp hạng tín nhiệm nhà phát hành nợ dài hạn (IDR) của ACB ở mức 'BB-' và Xếp hạng sức mạnh tín dụng độc lập (Viability Rating - VR) ở mức 'bb-'. Triển vọng ổn định.
Với 3 ngân hàng 100% vốn nước ngoài là Ngân hàng HSBC Việt Nam, Ngân hàng ANZ Việt Nam và Ngân Standard Chartered Việt Nam, Fitch Ratings đều nâng Xếp hạng nhà phát hành nợ dài hạn (IDR) của lên mức 'BB+' từ 'BB' và Xếp hạng nợ trong nước dài hạn lên'BBB' từ mức 'BBB-'. Triển vọng về IDR dài hạn là ổn định. Đồng thời, Fitch đã nâng Xếp hạng IDR nội tệ ngắn hạn của các ngân hàng này lên 'F2' từ mức 'F3' và Xếp hạng hỗ trợ cổ đông (SSR) lên 'bb+' từ mức 'bb'.
Trước đó, trong báo cáo cập nhật xếp hạng tín nhiệm Việt Nam công bố ngày 8/12, Fitch Ratings đã nâng hạng tín nhiệm nhà phát hành nợ dài hạn của Việt Nam (IDR) từ mức 'BB' lên 'BB+', với triển vọng ổn định.
Theo Fitch Ratings, việc nâng hạng phản ánh triển vọng tăng trưởng trung hạn thuận lợi của Việt Nam, được củng cố bởi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mạnh mẽ.
"Chúng tôi ngày càng tin tưởng rằng những trở ngại kinh tế trong ngắn hạn trong lĩnh vực bất động sản, nhu cầu toàn cầu suy yếu sẽ khó có thể ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế vĩ mô trong trung hạn cùng với dư địa chính sách dồi dào sẽ góp phần kiểm soát rủi ro trong ngắn hạn", báo cáo của Fitch Ratings nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế sẽ tiếp tục củng cố nền tài chính công lành mạnh, với nợ Chính phủ được dự báo sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp hơn so với các quốc gia cùng xếp hạng tín nhiệm.
Trong trung hạn, theo Fitch Ratings, tăng trưởng GDP năm 2023 của Việt Nam ước tính đạt khoảng 4,8%, thấp hơn khá nhiều so với con số 8% của năm 2022. Tuy nhiên, sang đến năm 2024 GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng được 6,3% và 6,5% trong năm 2025.
GDP Việt Nam đã hồi phục trong quý III/2023, tăng trưởng được 5,3% sau khi chỉ tăng trưởng được 3,7% trong nửa đầu năm 2023.
"Tuy nhiên, việc phụ thuộc vào tăng trưởng tín dụng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cũng tiềm ẩn những rủi ro nhất định với ổn định kinh tế vĩ mô", Fitch Ratings lưu ý.
Fitch Ratings cho biết dự trữ ngoại hối của Việt Nam cải thiện khiêm tốn lên 89 tỷ USD vào cuối tháng 9/2023, sau khi giảm mạnh vào năm 2022. Điều này phần nào phản ánh sự quay trở lại của dòng vốn và thặng dư thương mại lớn hơn.
Tổ chức này kỳ vọng dự trữ ngoại hối của Việt Nam sẽ cải thiện hơn nữa trong giai đoạn 2024-2025 với quy mô trung bình tương đương khoảng 3 tháng nhập khẩu. Đồng thời, cơ cấu nợ nước ngoài của Việt Nam vẫn thuận lợi do phần lớn nợ là nợ song phương và đa phương. Điều này dẫn đến gánh nặng trả nợ nước ngoài thấp hơn và hỗ trợ tỷ lệ thanh khoản bên ngoài cao.
Tuy nhiên, Fitch Ratings nhận định sự yếu kém trong lĩnh vực bất động sản và tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm hơn đã làm giảm nhu cầu vay vốn. Dù vậy, nhiều ngân hàng đã không giảm đáng kể hoạt động cho vay bất động sản hoặc nắm giữ trái phiếu, cho thấy rằng họ sẽ tái cấp vốn cho những người đi vay đủ điều kiện để tránh dẫn đến tình trạng vỡ nợ và thua lỗ trên phạm vi rộng hơn.
Tổ chức này cũng kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ giữ quan điểm chính sách thích ứng vào năm 2024, vì một số căng thẳng trong lĩnh vực bất động sản có thể sẽ kéo dài. Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã cắt giảm lãi suất tái cấp vốn 150 điểm cơ bản vào năm 2023 sau khi tăng thêm 200 điểm cơ bản vào năm 2022 nhằm hỗ trợ tăng trưởng và giảm bớt căng thẳng trên thị trường tín dụng do ảnh hưởng từ lĩnh vực bất động sản.
Lạm phát được dự báo tiếp tục giảm trong năm 2024 và duy trì trong phạm vi mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước, sau khi giảm xuống mức trung bình 3,2% trong năm 2023.
Ngoài ra, Fitch Ratings cũng cho rằng quy mô tài sản lớn của hệ thống tài chính, ở mức 190% GDP vào cuối năm 2022, vẫn là một hạn chế về xếp hạng đi cùng với việc tăng trưởng tín dụng cao và vốn hóa mỏng. Tổ chức này dự báo tăng trưởng tín dụng của Việt Nam sẽ tăng lên khoảng 14% vào năm 2024 (so với mức 11% trong năm 2023), phù hợp với mục tiêu tăng trưởng tín dụng của Chính phủ khi tâm lý người tiêu dùng được cải thiện. Đồng thời, Fitch Ratings kỳ vọng vốn hóa lĩnh vực ngân hàng sẽ cải thiện nhờ khả năng tăng vốn tự có và các kế hoạch huy động vốn.