Trong báo cáo mới đây, CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đề cập đến ba động lực tăng trưởng những tháng cuối năm gồm đầu tư công, đầu tư tư nhân và FDI. Nhóm phân tích nhấn mạnh FDI kỳ vọng được hưởng lợi với dòng vốn từ Mỹ sau khi hai nước trở thành đối tác chiến lược toàn diện.
Dòng vốn FDI vẫn ổn định, đạt 15,9 tỷ USD (tăng 2,2% so với cùng kỳ) trong 9 tháng đầu năm 2023.
Vốn FDI đăng ký mới 9 tháng đầu năm 2023 tăng mạnh từ mức thấp vào trong năm 2022 lên 10,2 tỷ USD (tăng 43,6% so với cùng kỳ). Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo và bất động sản lần lượt chiếm 84,7% và 5,9% vốn FDI đăng ký mới.
Đồng quan điểm, Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam mới đây cũng dự báo lạc quan về thu hút FDI vào Việt Nam thời gian tới sau sự kiện Việt Nam - Mỹ nâng cấp quan hệ.
Các chuyên gia tại đây cho rằng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ có thể mở đường cho các dự án FDI từ nước này đến Việt Nam (chiếm khoảng 2,6% tổng vốn FDI của các dự án còn hiệu lực), đặc biệt trong lĩnh vực bán dẫn và năng lượng tái tạo.
Gần đây, Việt Nam thu hút một số dự án trong lĩnh vực bán dẫn, như dự án nhà máy sản xuất Hana Micron Vina 2 (Hàn Quốc) với kế hoạch rót 1 tỷ USD đến năm 2025), tập đoàn Victory Giant Technology (Trung Quốc) xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện điện tử 400 triệu USD hay Amkor Technology (Mỹ) mở nhà máy lắp ráp và thử nghiệm chip trị giá 1,6 tỷ USD.
Mirae Asset nhấn mạnh Việt Nam vẫn là điểm đến ưa thích cho quá trình dịch chuyển chuỗi cung ứng sản xuất đang diễn ra, với các động lực như đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng; các chính sách hỗ trợ và cam kết hướng tới mức phát thải carbon bằng 0 vào năm 2050 và điều kiện kinh tế toàn cầu có dấu hiệu phục hồi.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh chuyển đổi cơ cấu, rủi ro địa chính trị, cũng như sự chuyển dịch kinh tế của Trung Quốc, các nhà sản xuất sẽ có động lực tìm kiếm thị trường mới để đặt nhà máy, hoặc xem xét chiến lược Trung Quốc+1.
HSBC mới đây cũng nhấn mạnh triển vọng FDI dài hạn của Việt Nam vẫn không bị ảnh hưởng, bất chấp những thách thức mang tính chu kỳ trong thương mại
"Mặc dù FDI đã giảm so với đỉnh năm 2017, một phần do bối cảnh tiền tệ toàn cầu thắt chặt hơn, Việt Nam vẫn là quốc gia vượt trội trong ASEAN về thu hút FDI, chỉ đứng sau Malaysia", HSBC cho hay.
Theo HSBC, lĩnh vực sản xuất chiếm phần lớn vốn FDI, mang lại niềm hy vọng Việt Nam có thể tiến lên trong chuỗi giá trị, chuẩn bị cho một giai đoạn phục hồi mạnh mẽ khi chu kỳ thương mại đổi chiều. Luồng FDI mới tiếp tục đổ vào lĩnh vực sản xuất, tính đến thời điểm này đã vượt mức tổng FDI mới của từng năm trong ba năm qua.
Báo cáo cũng đề cập đến sự dịch chuyển chuỗi cung ứng công nghệ tiếp tục là vấn đề trọng tâm trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Biden vào tháng 9 khi hai nước nâng cấp mối quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện.
Tổng thống Biden công bố rằng các công ty công nghệ Mỹ, bao gồm Amkor và Marvell, có kế hoạch đầu tư vào Việt Nam. Nhưng không chỉ Mỹ đầu tư vào Việt Nam, vài tuần sau, công ty Hana Micron của Hàn Quốc cũng hưởng ứng bằng việc công bố sẽ mở rộng sản xuất chip với khoản đầu tư 1 tỷ USD từ đây đến năm 2025.