Theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Công ty CP Kinh doanh F88 hiện đang còn lưu hành 8 mã trái phiếu với 1.709 trái phiếu mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu. Như vậy, số dư nợ trái phiếu chưa thanh toán của F88 đang ở mức 1.170,9 tỷ đồng.
Trong khi đó, theo FiinRaitings, về trung hạn, khả năng huy động vốn của F88 có thể bị ảnh hưởng bởi các điều kiện kinh tế vĩ mô xấu đi cũng như bởi những thay đổi pháp lý và những gián đoạn trên thị trường vốn.
Theo quan điểm của FiinRaitings, việc lãi suất tăng và diễn biến bất lợi của tỷ giá sẽ có những tác động tiêu cực đến biên lợi nhuận của F88 do chi phí lãi vay cao hơn cho các khoản nợ mới và do chi phí phòng ngừa rủi ro tỷ giá hối đoái gia tăng.
Bên cạnh đó, FiinRaitings cũng cho rằng thị trường vốn, đặc biệt là thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang trải qua một giai đoạn chững lại do những trường hợp sai phạm gần đây của một số tổ chức phát hành, khiến nhu cầu của các nhà đầu tư đối với trái phiếu doanh nghiệp có sự sụt giảm. Ngoài ra, Nghị định 65 được ban hành vào Quý 3/2022 đã thắt chặt hơn việc chào bán và phát hành riêng lẻ trái phiếu doanh nghiệp.
Do kênh trái phiếu là một trong những nguồn huy động chính của F88 trong những năm gần đây, FiinRaitings cho rằng trong trung hạn, F88 có thể sẽ gặp phải một số khó khăn trong việc huy động mới vốn nợ trong nước và/hoặc xoay vòng vốn cho các khoản nợ hiện tại.
FiinRaitings nhận định khả năng thanh khoản của F88 sẽ duy trì ở mức vừa phải trong 12 tháng tới (tính từ thời điểm lập báo cáo, ngày 8/11/2022) dù vào cuối năm 2022, việc NHNN chấp thuận khoản vay dài hạn từ một tổ chức cho vay quốc tế về cơ bản đã làm giảm đáng kể áp lực trả nợ cho năm 2023 của F88.
Cũng theo FiinRaitings, đơn vị này đã thực hiện kiểm tra sức chịu đựng (stress-test) về khả năng thanh khoản của F88 với các giả định khác nhau. Trong kịch bản xấu với các giả định rằng F88 không huy động được vốn chủ sở hữu và nợ vay mới trong năm tới, F88 sẽ có mức thanh khoản ở mức vừa phải.
Về mức đòn bẩy tài chính của F88, tính đến quý 3/2022, tỷ lệ Nợ vay/Vốn chủ sở hữu của F88 ở mức 4,2 lần. Mặc dù chỉ số này vẫn dưới mức giới hạn mà các tổ chức cho vay nước ngoài yêu cầu là 5,0 lần, nhưng vẫn cao hơn đáng kể so với số liệu dự phóng của FiinRaitings là 2,2 lần.
Về vốn chủ sở hữu, theo FiinRaitings, khả năng F88 huy động vốn chủ sở hữu kịp thời và đầy đủ để tài trợ cho các kế hoạch tăng trưởng cũng như để duy trì hồ sơ rủi ro tài chính phù hợp sẽ là những thách thức mà F88 phải đối mặt.