Sau thời gian điều trị Covid-19, nhiều F0 có kết quả âm tính với SARS-CoV-2 và phục hồi nhưng vẫn phải đối diện các vấn đề sức khỏe do hội chứng hậu Covid-19 để lại.
Theo Tiến sỹ Diaz, Trưởng nhóm Quản lý lâm sàng tại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có khoảng 200 triệu chứng bệnh xuất hiện ở giai đoạn này. Đau dạ dày hậu COVID là một trong những tình trạng gặp ở nhiều người sau khi khỏi bệnh. Trình trạng bệnh kéo dài có thể ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như đời sống hàng ngày của bệnh nhân.
Ảnh: Internet
Trong thời gian nhiễm bệnh, nếu F0 thường có chế độ ăn uống kém khoa học hay lạm dụng thuốc có thể sẽ là nguyên nhân gây tái phát cơn đau dạ dày giai đoạn hậu COVID-19. Bên cạnh đó, việc người bệnh lo lắng, mất ngủ hay chịu căng thẳng kéo dài cũng sẽ gây ra những cơ co thắt dạ dày ở những người có tiền sử viêm loét dạ dày.
Vì vậy, để cải thiện tình trạng này, người bệnh cần thay đổi chế độ sinh hoạt hàng ngày và hình thành chế độ ăn uống, nghỉ ngơi khoa học hơn. Đặc biệt, cần bổ sung ngay 4 nhóm chất này để kiểm soát những cơn đau bao tử dai dẳng và giúp dạ dày của bạn khỏe mạnh hơn:
- Tinh bột (chủ yếu từ các loại ngũ cốc)
- Chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu, đỗ...)
- Chất béo (mỡ động vật, dầu thực vật)
- Vitamin và khoáng chất (các loại rau, củ, quả tươi...)
Trong những nhóm chất trên, người bệnh nên ưu tiên bổ sung 5 thực phẩm sau:
- Nghệ và mật ong: Hỗn hợp tinh bột nghệ và mật ong có công dụng hiệu quả trong điều trị bệnh lý viêm loét dạ dày. Nghệ có tác dụng chống viêm, giảm tiết dịch vị, kiềm hoá độ acid của dịch vị. Mật ong có tác dụng điều hòa nồng độ acid tại dạ dày, tránh tình trạng kích ứng dạ dày.
- Rau xanh và trái cây: Tăng cường ăn rau xanh và trái cây tươi sẽ giúp thúc đẩy nhanh quá trình làm lành niêm mạc dạ dày, giúp cho hệ tiêu hóa trở nên khỏe mạnh và hạn chế những trở ngại trong quá trình tiêu hóa. Đối với người đau dạ dày mãn tính, bổ sung vitamin A và vitamin B trong khẩu phần ăn là vô cùng cần thiết, đặc biệt là vitamin A có tính oxy hóa cao làm giảm tiết dịch vị dạ dày.
- Đậu bắp: Đậu bắp chứa nhiều vitamin B, C, E, và một số dưỡng chất giúp bảo vệ tốt cho niêm mạc dạ dày, ngăn ngừa các nguy cơ gây tổn thương niêm mạc dạ dày, hỗ trợ làm lành các vết viêm loét trong dạ dày.
- Cơm: Cơm mềm, dễ tiêu hóa và tránh kích thích dạ dày tiết nhiều acid do đó có tác dụng làm giảm cơn đau dạ dày.
- Canh/Súp: Cũng giống như cơm, canh/ súp với thực phẩm đã được nấu chín, mềm, không gây "áp lực" với hệ tiêu hóa, đồng chứa nhiều nước sẽ giúp pha loãng nồng độ acid trong dịch dạ dày làm người bệnh dễ tiêu hoá thức ăn hơn.
Ngoài những thực phẩm tốt cho dạ dày nên trên, các bệnh nhân cũng nên lưu ý hạn chế tiêu thụ những thực phẩm như đồ cay, thực phẩm nhiều dầu mỡ, thức uống có ga và cồn, thức ăn thô và lạnh...để tránh làm tổn thương dạ dày và trầm trọng thêm tình trạng bệnh.
(Nguồn: Bộ Y Tế, Vinmec.com)