Website của Diễn đàn kinh doanh IoT châu Á (AIBP) vừa công bố trao giải thưởng "Doanh nghiệp sáng tạo ASEAN năm 2022" (2022 AIBP ASEAN Enterprise Innovation Award Winners) cho EVNHCMC.
Theo đó AIBP đánh giá EVNHCMC là nhà cung cấp dịch vụ tiện ích hàng đầu tại Việt Nam. Doanh nghiệp này đã triển khai chuyển đổi số trên 7 tiêu chí chính trong lộ trình phát triển lưới điện thông minh, như triển khai các công cụ tự động hóa cũng như trí tuệ nhân tạo (AI) để đảm bảo giám sát, kiểm soát quá trình cung cấp điện tốt hơn và cải thiện khả năng phục hồi thông qua không gian mạng.
Ông Luân Quốc Hưng - Phó tổng giám đốc EVNHCMC cho biết, quá trình xây dựng và phát triển lưới điện thông minh của doanh nghiệp triển khai qua 4 giai đoạn. Đầu tiên năm 2010-2013 là giai đoạn tự tìm tòi, nghiên cứu, qua 2014-2015 là giai đoạn thí điểm các cấu phần của lưới điện thông minh trên quy mô nhỏ để nắm bắt, làm chủ công nghệ. Đến năm 2016-2020 xác định lộ trình lưới điện thông minh và tập trung triển khai đại trà. Cuối cùng giai đoạn 2021-2025 tập trung phát triển theo chiều sâu.
"Qua quá trình hơn 10 năm nghiên cứu, xây dựng và triển khai đến nay chúng tôi đã phát triển hệ thống lưới điện thông minh trên địa bàn thành phố với đầy đủ các cấu phần theo đúng chuẩn quốc tế", ông Luân Quốc Hưng chia sẻ.
Còn ông Phạm Quốc Bảo - Chủ tịch Hội đồng thành viên EVNHCMC cho biết thời gian qua doanh nghiệp đã vượt nhiều khó khăn, thách thức để đảm bảo cung cấp điện an toàn, đầy đủ, ổn định, đáp ứng nhu cầu về điện cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân thành phố.
Cụ thể sản lượng điện thương phẩm năm 2022 đạt 27,093 tỷ kWh, tăng 11,03% so với năm 2021 và đạt 106,16% kế hoạch được giao. Chất lượng điện cung cấp cho khách hàng ngày càng tốt hơn. Đó là kết quả của hiện đại hóa, tự động hóa và ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào quản lý vận hành hệ thống điện.
"Đồng thời, EVNHCMC cũng hoàn thiện hệ thống giao dịch khách hàng theo phương thức điện tử, kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia, khai thác hiệu quả tổng đài đa kênh phục vụ khách hàng sử dụng điện", ông Phạm Quốc Bảo nhấn mạnh.
EVNHCMC là doanh nghiệp Nhà nước đầu tiên được Bộ Thông tin và Truyền thông chứng nhận đạt mức độ chuyển đổi số 3/5, là mức "Hình thành doanh nghiệp số" theo bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp do Bộ ban hành.
Cơ quan Tổng công ty, với vai trò là người tổ chức và dẫn dắt quá trình chuyển đổi số của toàn tổng công ty, đã đạt 545 điểm, tiệm cận điểm chuẩn của mức 4 là 556 điểm.
Các mốc đánh giá Trải nghiệm số cho khách hàng và Văn hóa số đạt mức 4/5 - "Chuyển đổi số ở mức cao", cho thấy các hoạt động kinh doanh và dịch vụ khách hàng đã vận hành dựa trên nền tảng số và dữ liệu số.
Ba đơn vị trực thuộc Tổng công ty Điện lực Việt Nam, bao gồm Trung tâm điều độ hệ thống điện, Trung tâm chăm sóc khách hàng và Công ty công nghệ thông tin được chứng nhận đạt mức độ "Chuyển đổi số ở mức cao" (mức 4/5). Việc chuyển đổi số thành công đã đem lại nhiều lợi ích và hiệu quả thiết thực trong các hoạt động của Tổng công ty cũng như trải nghiệm của khách hàng.
"Tổng công ty Điện lực TP HCM sẽ tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn 2023-2025, xây dựng lộ trình chuyển đổi thành doanh nghiệp số ở mức 'Nâng cao', bao gồm các hoạt động từ phân phối điện, kinh doanh và dịch vụ khách hàng, quản trị doanh nghiệp số", ông Phạm Quốc Bảo cho biết thêm.
Giải thưởng "Doanh nghiệp sáng tạo Asean" được Diễn đàn kinh doanh IoT châu Á khởi xướng từ năm 2017, nhằm công nhận các tổ chức đã bắt tay vào các dự án chuyển đổi kỹ thuật số doanh nghiệp của họ thông qua việc áp dụng đổi mới công nghệ. Giải thưởng tổ chức hàng năm tại các quốc gia ASEAN là Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.
Trong danh sách top 10 được trao giải thưởng "Doanh nghiệp sáng tạo Asean năm 2022", Việt Nam có 2 doanh nghiệp là Ngân hàng Techcombank và EVNHCMC. Trước đó EVNHCMC cũng đã nhận giải thưởng "Doanh nghiệp sáng tạo Asean năm 2020".