Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên 2023, ông Gabor Fluit, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) nêu đề xuất về việc kéo dài thời gian miễn thị thực lên 30 ngày.
Theo ôngGabor Fluit, Việt Nam đang trở thành một điểm đến hàng đầu cho khách du lịch. Do đó, để khai thác tối đa tiềm năng này, việc miễn thị thực một tháng nên được mở rộng cho tất cả các nước EU và các nước có nhiều khách du lịch khác.
Đặc biệt, việc thực hiện một chương trình riêng cấp thị thực cho những người về hưu tự túc trong ba đến sáu tháng có thể là chất xúc tác cho ngành du lịch phát triển mạnh, giống như sự thành công của các quốc gia trong khu vực.
Trình bày cụ thể hơn tại báo cáo gửi tới VBF, EuroCham nhấn mạnh nhóm ngành khách sạn tại Việt Nam phụ thuộc phần lớn vào lượng khách du lịch khổng lồ từ Trung Quốc, và Ukraina. Tuy nhiên, hiện thấy không có chính sách nào hướng tới những thị trường này, gây nên tổn thất lớn cho ngành khách sạn.
Bên cạnh đó, thị trường Australia và New Zealand, cũng như các quốc gia khác thuộc Liên minh châu Âu đều là thị trường tiềm năng với sức chi lớn, khoảng từ 100 – 150 USD/ ngày. Tuy nhiên vẫn chính sách miễn thị thực vẫn chưa thực sự thỏa đáng với các quốc gia này.
Đại diện EuroCham khuyến nghị Chính phủ và những cơ quan có thẩm quyền mở rộng chính sách miễn thị thực cho tất cả các quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu (EU) cũng như có lộ trình rõ ràng và thủ tục công khai minh bạch để thực thi chính sách miễn thị thực.
Đối với Australia và New Zealand, Việt Nam cũng nên cấp visa miễn thị thực với thời hạn 14 ngày và có thể tăng lên tối đa là 21 ngày, hoặc cấp visa tại sân bay với phí định trước không quá 20 USD/ người.
Sau đại dịch COVID-19, giờ đây du khách đi du lịch với tần suất ít hơn song lại dành nhiều thời gian hơn tại mỗi điểm đến. Do đó, thời gian miễn thị thực thông thường không đủ để đẩy mạnh việc phục hồi ngành du lịch. Vì vậy, ít nhất kéo dài thời hạn miễn thị thực lên 30 ngày thì Việt Nam mới bắt kịp với xu hướng mới trong du lịch.
Đóng góp giải pháp nhằm phát triển ngành du lịch, EuroCham kiến nghị Chính phủ thành lập Hội đồng Du lịch Việt Nam nhằm chịu trách nhiệm chính về hoạt động truyền thông quảng bá du lịch Việt Nam.
Hội đồng sẽ đảm bảo rằng du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn thông qua việc xây dựng quan hệ hợp tác, cập nhật chính sách du lịch và hỗ trợ các bên liên quan tại nước ngoài.
Đại diện cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cũng bày tỏ mong muốn kiến nghị thành lập các văn phòng nước ngoài của Hội đồng này tại các thị trường chính của du lịch Việt Nam, với nhiệm vụ trở thành một trung tâm thông tin để kết nối và hỗ trợ các bên liên quan tại đất nước sở tại.
Ngoài ra, việc chất lượng dịch vụ quầy thủ tục xuất nhập cảnh tại các sân bay còn kém cũng là nguyên nhân khiến du lịch khó có thể phát triển. EuroCham đề xuất cần tăng thêm quầy thủ tục ưu tiên tại các sân bay cũng như lập ra các quầy thủ tục dành riêng cho cư dân thành phố, bao gồm cả người nước ngoài có thẻ cư dân, để đẩy nhanh quá trình làm thủ tục.
"Sự thiếu hụt quầy thủ tục hạng thương gia, không có lựa chọn mua dịch vụ ưu tiên làm thủ tục và thái độ chần chừ của nhân viên dịch vụ mặt đất càng làm cho tình hình này tồi tệ hơn. Chúng tôi lo ngại rằng tình trạng tắc nghẽn như vậy có thể làm suy giảm trải nghiệm du lịch và gây ra hậu quả tiêu cực cho toàn bộ hệ sinh thái kinh doanh du lịch", đại diện EuroCham cho biết,