"Mọi người thường nghĩ các công ty tìm đến Trung Quốc vì chi phí nhân công rẻ. Tôi không biết họ đến nơi nào tại Trung Quốc, nhưng thực tế nước này không còn chuyên về lao động giá rẻ từ nhiều năm qua", CEO Tim Cook nói trong video được tài khoản Historyinmemes đăng trên X ngày 6/9.
CEO Apple nhấn mạnh tư duy này đã lỗi thời và lý do chính khiến họ chọn Trung Quốc để đặt dây chuyền sản xuất iPhone là mức độ tập trung người lao động có tay nghề cao mà chưa nơi nào sánh được.
"Tất cả xoay quanh kỹ năng và số người sở hữu kỹ năng đó tại một địa điểm. Khả năng sử dụng công cụ sản xuất ở đây rất sâu rộng. Ở Mỹ, tôi không chắc có thể tập hợp đủ kỹ sư gia công để lấp đầy một căn phòng, trong khi số lượng nhân lực cùng ngành tại Trung Quốc cần nhiều sân vận động mới chứa được. Chuyên môn nghề nghiệp tại nước này rất, rất sâu", ông nói.
Lượng lớn nhân lực tay nghề cao là yếu tố cốt lõi với quy trình sản xuất phức tạp trong dây chuyền của Apple, theo Tim Cook.
Sau đó, tỷ phú Mỹ Elon Musk phản hồi "Đúng vậy" dưới bài đăng, giúp video thu hút hàng chục nghìn lượt thích và bình luận. Thực tế, đây là đoạn phỏng vấn của Tim Cook với truyền thông từ năm 2015.
Những năm gần đây, Apple tìm cách đa dạng nguồn cung để giảm thiểu rủi ro khi có sự cố với chuỗi cung ứng. Chiến lược quan trọng nhất là chuyển một số đơn đặt hàng sản xuất sang Ấn Độ, nhưng thay đổi này gặp nhiều rào cản, đặc biệt với iPhone 15. Chất lượng sản phẩm, tỷ lệ lỗi cũng như vấn đề liên quan an toàn vệ sinh tại nhà máy khiến sản lượng kém xa dự tính.
Theo một số nguồn tin, vấn đề nghiêm trọng đến mức đích thân Tim Cook phải đến Trung Quốc để thay đổi. Trang CNMO dẫn nguồn nội bộ từ chuỗi cung ứng cho biết hãng bắt đầu điều chỉnh chiến lược từ đầu năm khi tăng cường trở lại hoạt động sản xuất tại Trung Quốc.
Bên cạnh Foxconn, gần đây công ty đã thuê các đối tác lớn cho sản xuất iPhone 16 như BYD và Luxshare Precision. Nguồn tin trong ngành nói việc lắp dây chuyền sản xuất iPhone 16 đang diễn tiến như kế hoạch và kịp sản lượng cho việc mở bán trên toàn cầu.
(Theo Livemint)