Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo “Cung cấp thông tin báo chí về tác hại của đồ uống có đường và vai trò của thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) trong kiểm soát tiêu dùng” do Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam và tổ chức HealthBridge tổ chức ngày 28/4. Tại hội thảo các chuyên gia đã đưa ra nhiều cảnh báo đáng lo ngại về mức tiêu thụ đường đang gia tăng hiện nay.
![]() |
Mỗi người không nên tiêu thụ quá 50gr đường mỗi ngày. Tuy nhiên, chỉ một lon nước ngọt đã chứa tới 40gr đường, gần bằng lượng khuyến cáo tối đa”. Ảnh minh họa: Internet |
"Việt Nam không phải chờ 10-20 năm nữa chứng minh xem trẻ em có mắc đái tháo đường, tim mạch không từ việc tiêu thụ đồ uống có đường. Chúng ta hãy học ngay lập tức thế giới và lắng nghe khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, không nên chần chừ việc đề xuất chính sách hạn chế tiêu thụ đồ uống có đường", PGS.TS Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng nhấn mạnh.
Theo bà Đinh Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), việc tiêu thụ đồ uống có đường ngay từ thời thơ ấu có liên quan chặt chẽ đến nguy cơ thừa cân, béo phì. “Mỗi ngày tiêu thụ thêm 100ml đồ uống có đường sẽ làm tăng chỉ số khối cơ thể (BMI) và nguy cơ thừa cân, béo phì lên 1,2 lần ở trẻ em từ 6 tuổi”, bà Thủy nhấn mạnh.
![]() |
TS. Angela Pratt, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam chia sẻ tại hội thảo. |
Không chỉ ảnh hưởng đến trẻ em, thói quen sử dụng đồ uống có đường còn gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng ở người lớn, như tăng nguy cơ đái tháo đường tuýp 2, tăng huyết áp, bệnh tim mạch, đột quỵ, rối loạn tiêu hóa và các bệnh lý răng miệng. Đáng chú ý, đồ uống có đường hiện chiếm tới 25% lượng đường tự do tiêu thụ ở người lớn và 40% ở thanh thiếu niên.
Bà Thủy cho biết, đường dạng lỏng trong các loại nước giải khát hấp thụ rất nhanh vào máu và gan, dẫn đến cơ thể không kịp ghi nhận cảm giác no, gây dư thừa năng lượng. Đặc biệt, đường fructose thường có trong đồ uống này khi tiêu thụ quá nhiều sẽ tích tụ mỡ ở gan, làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, béo phì, tăng huyết áp, kháng insulin và rối loạn lipid máu.
TS. Angela Pratt, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam, cũng chia sẻ: “Mỗi người không nên tiêu thụ quá 50gr đường mỗi ngày. Tuy nhiên, chỉ một lon nước ngọt đã chứa tới 40gr đường, gần bằng lượng khuyến cáo tối đa”. Theo thống kê, mức tiêu thụ đồ uống có đường tại Việt Nam đã tăng gấp 4 lần so với năm 2009, hiện đạt trung bình khoảng 70 lít/người/năm, tương đương 1,3 lít mỗi tuần.
Đánh thuế đồ uống có đường: Giải pháp cần thiết
Để đối phó với tình trạng này, bà Đinh Thị Thu Thủy nhấn mạnh, việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường là một trong những giải pháp quan trọng mà WHO khuyến nghị. Biện pháp này vừa góp phần cải thiện sức khỏe cộng đồng, vừa tăng thu ngân sách và giảm chi phí chăm sóc y tế trong tương lai.
Theo Dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi, nước giải khát có đường sẽ được đưa vào danh mục chịu thuế với mức thuế suất dự kiến 8% từ năm 2027 và tăng lên 10% từ năm 2028. Tuy nhiên, WHO và Bộ Y tế đề xuất mức thuế nên đạt 40% để thực sự hạn chế tiêu dùng và bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đồng thời khuyến nghị xây dựng lộ trình tăng thuế hợp lý để tránh gây sốc cho doanh nghiệp.
![]() |
Thói quen sử dụng đồ uống có đường còn gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng ở người lớn, như tăng nguy cơ đái tháo đường tuýp 2, tăng huyết áp, bệnh tim mạch, đột quỵ, rối loạn tiêu hóa và các bệnh lý răng miệng. Ảnh minh họa: Internet |
Tại hội thảo, các chuyên gia nhấn mạnh thuế TTĐB là công cụ hiệu quả để giảm tiêu thụ đồ uống có đường, phù hợp với kinh nghiệm quốc tế. Song song với chính sách thuế, việc tăng cường truyền thông để người dân hiểu rõ hơn về tác hại của đường cũng được khuyến nghị.
TS. Angela Pratt cho rằng: “Bằng chứng từ các nước cho thấy khi áp thuế cao với đồ uống có đường, người dân sẽ chuyển sang sử dụng các sản phẩm lành mạnh hơn. Các doanh nghiệp thông minh sẽ nhanh chóng điều chỉnh sản phẩm để đáp ứng nhu cầu mới, do đó tác động tiêu cực đến ngành công nghiệp không quá lớn”.
Các chuyên gia cũng lưu ý, cần cảnh giác trước các luận điệu từ ngành công nghiệp đồ uống nhằm trì hoãn hoặc làm yếu đi các chính sách thuế, gây ảnh hưởng đến nỗ lực bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
"Trên thế giới, số nước áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường đã gia tăng, từ 35 nước năm 2009 lên 104 vào năm 2023, trong đó ASEAN có 6 nước áp dụng thuế gồm: Thái Lan, Philippines, Malaysia, Lào, Campuchia và Brunei.
Bộ Y tế có văn bản gửi Bộ Tài chính thống nhất phương án mặt hàng nước giải khát đưa vào trong Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) và áp dụng 8% vào năm 2027 và 10% từ năm 2028", bà Thủy chia sẻ.
Nhấn mạnh đến những hệ lụy sức khỏe mà giới trẻ sẽ gặp phải nếu không có biện pháp ngăn chặn tình trạng thừa cân, béo phì do tiêu thụ đồ uống có đường từ sớm, PGS.TS Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, thế giới đã có những bài báo nghiên cứu trên 10 năm để đưa ra được những con số khuyến cáo cụ thể và nhìn thấy rõ hệ lụy về mặt sức khỏe với con người khi trưởng thành.