Cậu thanh niên 17 tuổi khi đó nuốt nước mắt, rời căn nhà sàn dột nát để tiếp tục đến trường. Tháng 9/2023, một năm sau ngày mẹ mất, Bùi Mạnh Dũng, cựu học sinh trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Hòa Bình trở thành thủ khoa khối B00 (Toán, Hóa, Sinh) của trường.
"Ước mơ của em sau này là đi làm kiếm tiền xây một phòng riêng cho bố, không phải xích chân ông mãi như thế này", tân sinh viên khoa Công nghệ hàng không, Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ.
Mạnh Dũng, chàng trai dân tộc Mường ở xóm Gia Phú, xã Gia Mô, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình là con trai duy nhất trong gia đình được hàng xóm ví "nghèo từ trong trứng". Dũng bao nhiêu tuổi là bấy nhiêu năm gia đình thuộc hộ đặc biệt khó khăn. Mẹ làm nông, rảnh lại đi phụ hồ, rửa bát thuê nuôi cậu con trai và người chồng bệnh tâm thần nặng. Mỗi khi lên cơn, ông Bùi Văn Hay (47 tuổi), bố Dũng thường bỏ nhà đi lang thang. Không đủ sức ngày nào cũng đi tìm, người vợ đành xích chồng trong một căn lều nhỏ dựng tạm dưới nhà sàn, nhưng được vài bữa bị bão cuốn. Từ đó, ông Hay được chuyển lên gian nhà chính.
Từ nhỏ Dũng đã rất hiểu chuyện. Sống trong căn nhà dột nát tứ phía, mỗi khi có bão, cậu bé ba tuổi biết trốn xuống gầm bàn rồi chạy sang nhà bác trú ngụ nếu mái bị lật tung. Sáu tuổi, cậu theo người lớn đi nhặt phế liệu, chặt củi và mò ốc trên rừng.
Lớn hơn chút nữa, Dũng theo mẹ làm ruộng, nhổ cỏ, gieo mạ. Vào mùa gặt, Dũng mệt nhoài, đôi tay đỏ mẩn, bỏng rát vì bị lá lúa cứa. Dù hai mẹ con xoay xở đủ cách nhưng chẳng mấy khi gia đình này đủ ăn. Năm mất mùa vì bão lũ, Dũng lại vác rá đi vay họ hàng, làng xóm.
Thấy con trai nhiều lúc tự ti vì cuộc sống vất vả hơn bạn bè, người mẹ mới học hết tiểu học lại động viên: "Để thoát nghèo và thay đổi số phận, không cách nào khác là chăm chỉ học tập".
Nghe lời mẹ, Dũng đến trường đều đặn. Thời tiểu học, ngoài thời gian trên lớp và làm ruộng, cứ đến tối cậu lại chong đèn ngồi học. Nhà nghèo không có bàn, Dũng nằm dài ra sàn nhà. Ông nội thấy thương đi khắp nơi xin bàn học cho cháu. Tìm được chiếc bàn bé xíu mang về, người ông gia công lại để vừa vặn với thằng bé. Suốt tuổi thơ cho đến hiện tại, Dũng vẫn ngồi học trên chiếc bàn đi xin đó.
Lên cấp hai, Dũng thi đỗ vào trường nội trú huyện cách nhà 20 km, bắt đầu cuộc sống xa bố mẹ. Với thành tích học tập tốt, lên cấp ba cậu đỗ vào lớp chuyên Toán trường dân tộc nội trú tỉnh Hòa Bình, năm nào cũng lọt top học sinh giỏi của lớp. Năm lớp 12, Dũng còn đạt giải nhì Hóa của tỉnh.
Học nội trú, cách vài tuần con trai mới về thăm gia đình một lần. Ngồi ăn cơm, nhìn thấy đôi tay chằng chịt vết sẹo của mẹ, Dũng tự nhủ sau này sẽ gần bà hơn để chăm sóc. Nhưng rồi ước mơ đó không thành hiện thực bởi người mẹ phát hiện ung thư gan giai đoạn cuối năm 2021.
Người phụ nữ này giấu con trai. Dũng chỉ biết thông tin khi tình cờ đọc được lời kêu gọi ủng hộ của vị trưởng xóm cho gia đình mình. Cậu học sinh lớp 11 khi đó rụng rời chân tay, chui vào phòng vệ sinh khóc nấc.
Nhớ lại thời điểm đó, ông Bùi Văn Đan, trưởng xóm Gia Phú chia sẻ, ai cũng thương cho hoàn cảnh éo le của Dũng. "Mọi người hỏi nhau, bố thần kinh, mẹ bệnh nan y, không biết tương lai thằng bé sẽ thế nào", ông kể. Điều mà ông Đan lo nhất là Dũng xuống tinh thần rồi đòi nghỉ học, phần phải chăm sóc bố mẹ, phần khác vì không còn đủ kinh tế.
Suy nghĩ của trưởng xóm đúng với dự định khi đó của Dũng. Hiểu được hoàn cảnh, thầy chủ nhiệm Bùi Tuấn Dũng khuyên học trò, bỏ học sẽ phí hoài công nuôi dưỡng của gia đình, tương lai cũng rất mờ mịt.
"Học mới thoát được nghèo. Em phải cố gắng, thầy cô và bạn bè sẵn sàng giúp đỡ". Người thầy còn khuyên, con người không thể lựa chọn được nguồn gốc nhưng có thể lựa chọn nỗ lực để thay đổi vận mệnh.
Đầu năm 2022, Covid-19 bùng phát mạnh tại Hòa Bình. Suốt mấy tháng phải ở lại trường cách ly, Dũng chỉ có thể hỏi thăm sức khỏe mẹ qua điện thoại. Đến khi dịch giãn, cậu mới được về nhà, nhưng chưa kịp gặp mặt thì mẹ mất.
Người làng kể, ngày đưa tang vợ ông Hay bỗng tỉnh táo lạ thường. Ông ngồi thu lu trong góc nhà, ngước nhìn cậu con trai mắt ầng ậc nước. Có lẽ lúc này ông cũng hiểu, giờ bố con họ không còn ai để nương tựa.
Biết được hoàn cảnh, ngân hàng cũng xóa khoản nợ gia đình vay sửa nhà hơn chục năm trước bởi không còn đủ khả năng chi trả.
Sợ cháu phải bỏ dở việc học, ông nội dù 87 tuổi vẫn tình nguyện đến chăm con để Dũng tiếp tục được đi học. Ngoài cơm nước hàng ngày có các con bên cạnh tiếp tế, ông còn đan lát thêm, kiếm đồng ra đồng vào, thỉnh thoảng giúi chút tiền cho thằng cháu mang lên tỉnh. Nhưng không lần nào Dũng cầm, vì cậu muốn dành tiền đó mua thêm thuốc cho bố.
Trước kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023, Dũng vượt hơn 50 km về nhà đặt hai cây bút lên bàn thờ mẹ. Trong tâm thức, cậu mong bà luôn ở bên, vào những thời khắc quan trọng nhất cuộc đời. Ngày biết điểm thi, trở thành thủ khoa khối B00 của trường, Dũng run rẩy bám chặt đôi bàn tay lên bàn thờ: "Con đã vào được đại học rồi mẹ ạ". Nói rồi cậu òa khóc.
Với số điểm đạt được, Dũng đăng ký vào khoa Công nghệ hàng không của Đại học quốc gia Hà Nội. Ngày nhập trường, họ hàng làng xóm gom góp mỗi người vài đồng để chàng trai có chút lộ phí. Gần đây, Dũng còn nhận được học bổng hỗ trợ học phí bốn năm đại học. Còn tiền ăn ở và sinh hoạt, chàng trai dự định khi mọi thứ ổn định sẽ đi làm kiếm thêm.
Trong đề thi Ngữ Văn tốt nghiệp THPT năm 2023 với câu hỏi rút ra bài học qua dòng thơ "Ai cũng đi qua cơn giông của riêng mình", Dũng viết không ai muốn gặp "bão giông" nhưng cuộc đời vẫn luôn vậy, quan trọng là cách bản thân đối diện và cân bằng cảm xúc. Bài văn của cậu đạt 8,25 điểm.
Với chàng trai 18 tuổi, dù hành trình phía trước còn dài, có thể trải qua thêm nhiều bão giông, nhưng có một điều cậu luôn chắc chắn "sẽ không rời giảng đường mà phải cố gắng đến cùng".
Giờ mỗi khi về thăm nhà, Dũng lại thay ông nội chăm sóc bố. Trong câu chuyện của hai người đàn ông, chàng trai cứ nói còn ông Hay cứ cười, đôi khi tỉnh táo mới đáp lại một hai tiếng. Nhưng lần nào ngồi cạnh, người cha tâm thần cũng nắm chặt bàn tay con trai, như cách hiểu của Dũng là "động viên em đủ sức kiên cường, bền chí".