Doanh thu thuần của Dược Hậu Giang trong quý II đạt gần 1.120 tỷ đồng, tăng hơn 18% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó nhóm bán thành phẩm vẫn chiếm doanh thu chủ đạo. Biên lợi nhuận gộp tiếp tục tăng lên mức 49,5% so với 48,8% cùng kỳ và 47,4% của quý liền trước. Nhóm chi phí thường xuyên kỳ này tăng khoảng 23%, trong đó chi phí nhân viên, quảng cáo và chi phí bán hàng khác tăng đến gần 35%.
Tổng lại "ông lớn" ngành dược lãi sau thuế hơn 234,5 tỷ đồng, tăng 17% so với quý II/2020. Ban lãnh đạo công ty lý giải động lực đến từ việc tập trung bán các sản phẩm dinh dưỡng và các sản phẩm liên quan đến điều trị Covid-19 như thuôc giảm đau hạ sốt, kháng sinh, kháng viêm, viên sủi hỗ trợ điều trị suy nhược cơ thể... Song song đó, việc quản lý tốt các khoản phải thu và hàng tồn kho giúp cải thiện dòng tiền, tăng hiệu quả công ty.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp này có 2.184 tỷ đồng doanh thu và 490 tỷ đồng lợi nhuận, tăng lần lượt hơn 11% và 21% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, DHG đã hoàn thành hơn một nửa chỉ tiêu doanh thu và gần hai phần ba kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Theo báo cáo mới đây của Chứng khoán ACB (ACBS), kênh nhà thuốc vẫn là nguồn thu chính của DHG, còn kênh bệnh viện chiếm khoảng 10%. Dược Hậu Giang hiện có hai dây chuyền sản xuất đạt tiêu chuẩn GMP Nhật Bản, cho phép công ty đấu thầu ở những nhóm cao khi vào kênh bệnh viện.
Công ty dự kiến biên lợi nhuận gộp năm 2022 chỉ duy trì quanh mức của năm ngoái, do giá nguyên vật liệu tăng và ảnh hưởng của chi phí vận chuyển. Tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý trên doanh thu thuần hiện tại có thể cũng sẽ không duy trì cho cả năm do công ty có thể thực hiện nhiều hoạt động trong các quý sau và ghi nhận thêm chi phí.
Tuy nhiên theo SSI Research, mặt bằng giá của nhiều loại thuốc có mức tăng tương đối ổn định khi nguồn cung bị thắt chặt. Các loại thuốc giảm sốt, giảm ho, vitamin, thực phẩm chức năng và các thuốc điều trị Covid-19 đã tăng giá trung bình 5% so với cùng kỳ trong quý I/2022 và 13% kể từ đợt bùng phát dịch đầu tiên trong năm 2020. Mức tăng giá thuốc tại các công ty sản xuất dược phẩm niêm yết cũng được ghi nhận tương tự, đủ để bù đắp chi phí đầu vào tăng cao, giúp duy trì lợi nhuận ngành ổn định trong kỳ.
Về rủi ro chi phí đầu vào, SSI Research cho rằng, hoạt động kinh doanh dược phẩm ít chịu ảnh hưởng khi lạm phát. Mặc dù chi phí nguyên vật liệu chiếm tỷ trọng lớn nhất (khoảng 60%) nhưng lại được chia nhỏ thành nhiều loại hoạt chất và dược phẩm khác nhau. Do đó, cấu thành chi phí sản xuất viên thuốc cuối cùng sẽ rất phân mảnh và hoạt động kinh doanh dược phẩm sẽ ít bị ảnh hưởng hơn bởi lạm phát, trừ khi có sự gián đoạn đáng kể trong chuỗi cung ứng nguyên vật liệu.
Kết quả kinh doanh tốt nhưng thị giá cổ phiếu Dược Hậu Giang so với đầu năm đang giảm mạnh. Cuối tháng 2 - đầu tháng 3, mã DHG có đợt tăng giá lớn đạt đỉnh 118.000 đồng một đơn vị, sau đó giảm mạnh rồi phục hồi nhẹ vào cuối tháng 3. Từ đó đến nay, mã này trải qua nhiều đợt giảm giá liên tiếp, giữa tháng 6 có lúc về 86.000 đồng một cổ phiếu. Từ đầu tháng 7, thị giá DHG biến động liên tiếp, kết phiên hôm nay ở mức 91.700 đồng một đơn vị, tăng 3,62%.