Bất động sản

Đừng sợ thị trường rơi vào kịch bản "đóng băng" 10 năm trước

Tăng trưởng quá nhanh, quá nóng trong những năm vừa qua đẩy giá bất động sản tăng gấp 2, gấp 3 lần. Nhưng đến hiện tại, giá bất động sản đang được đánh giá ở mức cao nhưng thanh khoản sụt giảm. Trong khi đó, nhiều thách thức đối với thị trường địa ốc đã xuất hiện như siết tín dụng bất động sản, siết phân lô khiến nhà đầu tư lo ngại rằng kịch bản lặp lại giai đoạn trước.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhấn mạnh, kịch bản của 10 năm trước sẽ không thể lặp lại. Ông Trần Khánh Quang, chuyên gia bất động sản nhận định, về hiện tượng về giá là giống nhau. Nhưng độ nóng của thị trường là khác nhau. Nhà đầu tư, khách hàng hiện tại thông minh hơn ngày xưa. Thời điểm 2008, họ mua bất chấp tất cả. Và chủ đầu tư lợi dụng việc đó để đẩy giá lên cao. Nhưng nhà đầu tư vẫn giằng nhau mà mua.

Theo ông Quang, giá bất động sản đang nằm ở trên đỉnh. Tuy nhiên, thị trường khôn ngoan hơn, nhà đầu tư thận trọng hơn. Can thiệp chính sách của Nhà nước từ cuộc khủng hoảng lần trước khiến cho sự can thiệp lần này trở nên từ từ, đảm bảo không lặp lại trước đây vì thị trường bất động sản biến động sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế nói chung.

 Ông Cao Minh Thành, Tổng giám đốc MLAND Pro nhận định, thị trường bất động sản đang giống như năm 2009 về giá. Tuy nhiên, ông Thành cho rằng, sẽ không có bong bóng vỡ và nguy cơ đóng băng như trước bởi sự can thiệp hiệu quả của cơ quan quản lý nhà nước.

Trong khi đó, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh khẳng định, thị trường giai đoạn 2009 – 2010 và thời điểm hiện tại đã rất khác nhau.

Vị chuyên gia này phân tích, giai đoạn trước, bong bóng bất động sản đã hình thành ở nhiều phân khúc, từ đó làm cho hoạt động bị trì trệ, giá vẫn cao, trong khi giao dịch gần như không có. bất động sản khi không bán được rơi vào tình trạng đình trệ, hạ giá. Thậm chí đến nay chúng ta vẫn chưa khắc phục xong hệ quả của bong bóng bất động sản xảy ra từ những năm 2008-2009.

Trong khi, thị trường giai đoạn hiện nay chưa đến mức có bong bóng, cũng chưa có khả năng dẫn đến tình trạng trị trệ quá, thậm chí đóng băng mặc dù cũng có tình trạng giá bất động sản tăng nóng nhưng không tăng cao so với giai đoạn trước.

TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng nhấn mạnh, thị trường bất động sản không lặp lại kịch bản của hơn 10 năm trước. Ông Hiếu phân tích, năm 2009, vấn đề cung cấp tín dụng bừa bãi, không kiểm soát đã tạo ra bong bóng bất động sản. Còn hiện tại, tín dụng bất động sản đang được kiểm soát chặt chẽ. Lãi suất cho vay bất động sản cũng tương đối cao. Đây là bài học nhãn tiền của thời kỳ trước làm cho chủ thể tham gia địa ốc cẩn thận hơn.

Cũng theo TS. Hiếu, dòng vốn đổ vào thị trường bất động sản sẽ chậm lại do các cơ quan quản lý sẽ siết chặt dòng vốn để bảo đảm không có bong bóng và hiện tượng "đồng tiền dễ dãi", các nhà đầu tư sẽ thận trọng hơn. Tuy nhiên, đây không phải là tín hiệu xấu cho thị trường bất động sản vì "đồng tiền khôn ngoan" bao giờ cũng tạo nên lợi nhuận tốt và đóng góp vào sự phát triển ổn định của nền kinh tế và sự phát triển của chính các doanh nghiệp.

Còn theo bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao, Bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu, Savills Hà Nội, động thái như kiểm soát tín dụng bất động sản, hạn chế tách thửa tại một số địa phương hay tăng cường chống thất thu thuế là cần thiết để điều tiết thị trường bất động sản. Mục đích của các động thái là nhằm đảm bảo một thị trường phát triển theo hướng bền vững hơn.

Các chuyên gia còn cho rằng, thị trường đang ở giai đoạn tự điều chỉnh. Thách thức là có song điều này chỉ giúp thị trường phát triển bình ổn hơn, lành mạnh và theo quỹ đạo minh bạch.  Khoảng thời gian khó khăn của thị trường dao động ở trong vòng ngắn hạn. Và trong thời gian tới, thị trường sớm phục hồi trở lại.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm