Chị V. T hồi tháng 3 vừa qua đã quyết định rút hết tiền từ chứng khoán, đầu tư một mảnh đất hơn 500 m2 ở khu vực Khoái Châu, Hưng Yên có giá hơn 6 tỷ đồng. Đây là một trong những địa điểm hot thời gian đó với những thông tin về dự án đường vành đai 4 và các khu đô thị lân cận. Giữa lúc sốt đất, vừa đặt cọc, giá đã tăng hơn 1,5 triệu/m2, chỉ cần “lướt cọc”, chị T đã có thể lãi ngay 800 triệu.
Tuy nhiên, khi đó, chị cho rằng để lâu có lợi hơn nên quyết định vào tiền toàn bộ. Chỉ ít ngày sau, UBND tỉnh Hưng Yên ra thông báo về việc tạm ngừng một số trường hợp tách thừa đất. Mảnh đất của chị có diện tích khá lớn nên ngay sau đó, những người hỏi mua cũng biến mất. Thời điểm này, sau một thời gian “ngâm tiền”, giá trị lô đất vẫn đứng yên.
“Vì tôi không phải vay tiền nên cũng không muốn bán lỗ. Tuy nhiên, nếu hồi đó không chần chừ lướt cọc thì giờ tôi không bị đọng vốn như thế này. Tiền đấy gửi ngân hàng thì giờ tôi cũng được 40 triệu/tháng”
Không bị vướng vào vấn đề như chị T vì lô đất đã tách thành 2 thửa từ trước, nhưng chị H. H cũng đang bị găm vốn vì trót đu đỉnh. Mảnh đất ở mặt ngõ nhỏ, mặt tiền hẹp và thửa đất dài khiến chị mãi không thể “thoát hàng”. Giá trị tiền tỷ chỉ có ý nghĩa trên giấy.
“Lúc mua thì môi giới bảo mảnh đất đã chia nhỏ dễ trao tay, có hàng ra là có người mua, không quan trọng vị trí nên tôi cũng liều theo. Giờ tôi cũng chấp nhận cắt lỗ vài trăm triệu mà không có ai hỏi.” Chị H cho biết.
Sau thông tin quy hoạch đường Vành đai 4, giá bất động sản tại nhiều khu vực ven đô của Hà Nội như Đông Tảo, Văn Giang, Sóc Sơn hay Mê Linh... đã có hiện tượng “nhảy múa” chóng mặt, giá thay đổi theo ngày. Đất trao tay qua nhiều chủ, thậm chí mới đặt cọc mà vẫn lời lớn. Người dân địa phương cho biết, có những mảnh đất mới năm trước người dân bán với giá 100 triệu, sang năm sau, qua một vài lần trao tay, giá đã lên đến 1 tỷ. Nhiều mảnh đất vốn dùng để trồng cây ăn trái, nằm trong ngõ sâu cũng tăng giá gấp 2, thậm chí 3 lần, lên tới hơn 10 triệu/m2 chỉ trong nửa năm. Các ví trí đẹp, đường ô tô tránh lên tới vài chục triệu, thậm chí cả trăm triệu một m2. Mỗi ngày, xe ô tô của các nhà đầu tư và “cò đất” lại kéo nhau vào từng đường làng nhỏ. Tuy nhiên, đây đã là chuyện của vài tháng trước.
Có thời điểm những mảnh đất sâu trong làng cũng được tranh nhau mua
Trao đổi với PV, anh V. C, một môi giới BĐS tại Hưng Yên cho biết tại tỉnh hiện nay “những lô ở gần trung tâm Hà Nội hơn như Văn Giang, Đông Tảo vị trí đẹp thì vẫn còn thanh khoản, chỉ là rất chậm, còn giá thì đứng yên hoặc giảm nhẹ. Trong khi đó ở những khu vực xa, quy hoạch chưa rõ ràng, mặt tiền hẹp thì muốn bán cũng đành chịu, trừ khi chấp nhận lỗ nặng. Nhà đầu tư bây giờ có vốn thì cũng rất cẩn trọng, giá thật tốt, vị trí đẹp thì mới xuống tiền, vì tình hình hiện nay, họ xác định khó có thể mua nhanh bán nhanh mà phải để lâu dài.”
Theo ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn, trong quý vừa qua câu chuyện về nguồn vốn là trọng điểm. Chính sách kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro cao trong đó có bất động sản đang khiến thị trường gặp khó khăn về giao dịch và gây ảnh hưởng mạnh đến thanh khoản chung của thị trường. Đặc biệt, loại hình đất nền bán tại Hà Nội có sự sụt giảm mạnh nhất ghi nhận ở mức 18%.
Thực tế cho thấy “lướt sóng” khi thị trường bất động sản nóng hổi hay bắt đáy để chờ thời cơ chỉ dành cho những nhà đầu tư chuyên nghiệp, thành thạo thị trường.
Theo chuyên gia Lê Đình Hảo, trước thực trạng dòng tiền vẫn tiếp tục eo hẹp, ngân hàng vẫn giới hạn dòng tiền vào bất động sản sẽ khiến thị trường có sự thanh lọc tự nhiên. Trong bối cảnh đó, bản thân nhà đầu tư sẽ có động thái cơ cấu lại dòng tiền của mình, tìm mua những sản phẩm chất lượng tốt để đảm bảo an toàn trước rồi mới tính tới chuyện đầu tư sinh lời.