Sau 1 năm bết bát, 4 tháng vừa qua, đặc biệt là những ngày đầu tiên của năm mới 2023 đã đem đến nhiều tin vui cho các nhà đầu tư trên TTCK Mỹ. Chỉ số S&P 500 đã tăng tới 15% sau 4 tháng, nhưng lại nhờ 1 nghịch lý phá vỡ quy tắc thông thường trên phố Wall.
“Đừng chống lại Fed” là triết lý được “phát minh” bởi Martin Zweig, 1 nhà đầu tư Mỹ nổi tiếng vì đã dự đoán chính xác cú sập của TTCK Mỹ năm 1987. Lập luận của Zweig rất đơn giản: lãi suất giảm là tin tốt cho thị trường chứng khoán, ngược lại lãi suất tăng sẽ là tin xấu. Sau này suy luận của Zweig được mở rộng hơn nữa: đừng đặt cược chống lại các định chế tài chính giữ vai trò siêu quan trọng là in tiền và còn là nơi làm việc của hàng nghìn chuyên gia kinh tế như các NHTW.
Nhận định này vẫn luôn đúng. Tuy nhiên, trong 4 tháng qua, mặc dù Cục dự trữ liên bang Mỹ Fed đã tăng lãi suất 3 lần liên tiếp, thị trường lại tăng điểm mạnh. Hôm 7/2, vài ngày sau khi số liệu về thị trường lao động khiến nhà đầu tư lo lắng, Chủ tịch Fed Jerome Powell lên tiếng cảnh báo cuộc chiến chống lạm phát sẽ kéo dài hơn so với dự đoán của thị trường, tức lãi suất sẽ còn tăng trong dài hạn. Thế nhưng, lời cảnh báo của ông lại bị suy diễn thành tín hiệu tích cực cho giá cổ phiếu.
Không chỉ tại Mỹ, các nhà đầu tư trên khắp thế giới cũng đang phớt lờ lời nói của các NHTW. Ví dụ, NHTW Nhật Bản lâu nay luôn cam kết giữ vững chính sách kiểm soát đường cong lãi suất, nhưng những nhà đầu tư đặt cược rằng BoJ sẽ nới lỏng đã chiến thắng vào tháng 12 năm ngoái, khi các quan chức BoJ bất ngờ nâng mức trần áp dụng với lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm từ 0,25 lên 0,5%.
Có những lý do chính đáng để thị trường chống lại Fed hay BoJ. Dựa trên các dữ liệu từ năm 1954 đến nay, các chuyên gia phân tích tại Truist Advisory Services rút ra kết luận chỉ số S&P 500 vẫn diễn biến khá tốt trong nhiều dịp Fed tăng lãi suất. Trung bình chỉ số này tăng 9% trong quãng thời gian giữa lần tăng đầu tiên và lần tăng cuối cùng của 1 chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ.
Nguyên nhân lớn nhất khiến các trader hết sức quan tâm đến Fed và các nhận định của Fed là do họ tin rằng Fed có lợi thế lớn về thông tin. Một nghiên cứu được 2 chuyên gia kinh tế Christina và David Romer công bố năm 2000 khẳng định dự báo của Fed chính xác hơn các đối thủ. Tuy nhiên, một nghiên cứu khác được thực hiện bởi Trường Kinh tế Barcelona và Fed San Francisco cho thấy độ chính xác đã giảm đi đáng kể từ giữa những năm 2000.
Hơn nữa, chống lại NHTW có thể là điều tốt cho hệ thống tài chính. Trừ khi 1 NHTW muốn trực tiếp kiểm soát lãi suất bằng cách mua vào 1 lượng khổng lồ tài sản (như BoJ), đôi lúc các nhà hoạch định chính sách sẽ phải dùng “võ mồm”. Câu trả lời cho các câu hỏi như Fed nghĩ gì về sức khỏe nền kinh tế và họ dự định điều chỉnh lãi suất theo hướng nào sẽ được thể hiện qua các bài phát biểu và những văn bản thông báo. Nếu làm tốt thì phương thức giao tiếp này có thể tạo ra tác động đủ lớn để không cần phải thực sự điều chỉnh lãi suất.
Để làm được điều đó, các NHTW cần nhà đầu tư hành động trên thị trường tài chính. Giống như 1 người nổi tiếng khác trên phố Wall đã nói: bất đồng mới tạo nên thị trường. Có người mua thì cũng cần phải có người bán, và những thông tin về kỳ vọng của nhà đầu tư sẽ được thể hiện qua giá cả thị trường.
Các nhà đầu tư non kinh nghiệm và những người không hiểu rõ về kinh tế vĩ mô thường biến thành “miếng mồi ngon” nếu chống lại các quy luật của thị trường. Tuy nhiên, cuộc chiến giữa thị trường và các NHTW hiện nay vẫn là cơ hội mà một số nhà đầu tư có thể tận dụng và kiếm bộn tiền.
Tham khảo The Economist