Thảm họa ghê gớm?
Lâu nay, ngành Y thường chỉ tuyển sinh theo tổ hợp B00 gồm môn Toán, Hóa, Sinh. Tuy nhiên, trong mùa tuyển sinh năm 2023, một số trường đại học đào tạo ngành Y lại sử dụng tổ hợp có môn Văn hoặc không có môn Sinh để xét tuyển đầu vào gây nhiều ý kiến trái chiều .
Nêu quan điểm về vấn đề này, thầy giáo Vũ Khắc Ngọc, giáo viên dạy Hóa ở Hà Nội cho rằng, thật ra tuyển sinh vào ngành Y bằng điểm Văn cũng không phải thảm họa gì ghê gớm lắm.
Theo giáo viên này, quan trọng là với "sức hút" cỡ mấy trường này thì e là cũng chả tuyển nổi người "giỏi Văn" đâu, mà môn gì cũng lờ nhờ thôi. Ấy mới đáng lo.
Thầy Ngọc cho rằng, đã đến lúc chúng ta nên thay đổi cách tiếp cận truyền thống là đánh giá khả năng của học sinh thiên về kiểm tra kiến thức và gắn liền với từng môn học.
Thầy Ngọc chỉ ra thực tế là rất nhiều bạn học sinh thời phổ thông vì "thích/giỏi môn Hóa" nên chọn thi vào Dược, Công nghệ/kỹ thuật Hóa học tới khi lên Đại học bị đủ "các loại Hóa" (Hóa Đại cương, Hóa phân tích, Hóa lý,....) “quật” cho tới hết yêu nổi, rồi lại hối hận.
Tương tự như vậy, có vào học Y mới thấy khối kiến thức Hóa, Sinh các bạn học ở phổ thông chỉ bé tý teo so với những gì cần học trên Đại học.
Thầy Ngọc nói, cái cần nhất đối với sinh viên học Y là năng lực Tư duy logic, tư duy Đọc hiểu các tài liệu, văn bản khoa học và cả những kiến thức nền cơ bản về Khoa học tự nhiên (cả Lý, Hóa, Sinh) và tư duy về nghiên cứu khoa học.
“Theo tôi, các trường Y không nên loay hoay mãi với việc đi tìm kiếm một phương thức thi và tuyển sinh riêng. Các trường có thể tham khảo Đề thi Đánh giá tư duy của Bách Khoa, cách thi khá phù hợp với việc tuyển sinh vào trường Y, trên cả 3 phương diện: Tư duy Toán học, Tư duy Đọc hiểu và Tư duy Khoa học tự nhiên.
Học sinh giỏi Văn hầu như không theo Y
Thầy Nguyễn Thành Công, giáo viên dạy Sinh học trường THPT chuyên Sư phạm (trường đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, đặc thù của ngành Y nói chung và bác sỹ nói riêng đòi hỏi phải có năng lực cốt lõi liên quan đến toán, tư duy logic, khoa học tự nhiên, khoa học cơ thể người, bệnh học, năng lực giải quyết vấn đề, khả năng làm việc độc lập, khả năng làm việc nhóm, tinh thần nhân văn với tấm lòng "lương y như từ mẫu".
Nhìn vào đây có thể thấy rằng tuyển sinh vào ngành Y đòi hỏi các môn Toán , khoa học tự nhiên (vật lí, hóa học và đặc biệt là sinh học) là cần thiết. Môn Văn nếu có đưa vào phải thay đổi cấu trúc đề, dạng đề ở các kĩ năng đọc hiểu, phân tích tình huống...
“Do vậy, theo quan điểm của tôi thì đưa môn Văn vào là không thực tế. Học sinh giỏi Văn hầu như không theo Y, do vậy trường cũng chỉ chọn được những học sinh "nhàng nhàng". Mục tiêu đào tạo sẽ khó khăn và chất lượng đào tạo khó đánh giá được. Điều này có thể gây ra những hệ lụy lâu dài cho ngành y và nền y tế của chúng ta”- thầy Công nêu quan điểm.
Về phương thức tuyển sinh cho ngành Y, thầy Công cho rằng, nếu kì thi tốt nghiệp vẫn đáp ứng được độ phân hóa thì nên tuyển sinh như cũ, nhưng kì thi tốt nghiệp hiện tại mang tính "tốt nghiệp" hơn.
Do vậy, theo thầy Công nên chuyển đổi theo hướng: Các trường Y thành lập hội đồng thi tuyển sinh vào Y riêng, sử dụng các bài thi như: toán và tư duy logic; kĩ năng đọc hiểu; tư duy khoa học (lí, hóa, sinh).
Thêm nữa, có thể thay đổi tỉ trọng các môn sao cho phù hợp với mục tiêu ngành Y ví dụ như trong các môn Lí, Hóa, Sinh thì môn Sinh có thể tăng số lượng câu hỏi hơn chẳng hạn. Xây dựng các trung tâm khảo thí độc lập, đủ uy tín để tổ chức các bài thi đủ chất lượng, đủ khả năng...
“Theo tôi, ngành Y có thể tuyển sinh các sinh viên đã tốt nghiệp đại học các ngành liên quan như Khoa học tự nhiên...”- thầy Công đề xuất.