Sau nhịp giằng co kéo dài, VN-Index bước vào giai đoạn điều chỉnh. Áp lực chốt lời liên tục xuất hiện khiến thị trường liên tục giảm sâu "thủng" mốc 1.200 điểm. Thị trường lao dốc nhanh chóng khiến việc tìm kiếm lợi nhuận trở nên khó khăn, vậy nhà đầu tư nên hành động như thế nào trong thời điểm này?
Chia sẻ tại hội thảo "Bắt mạch dòng tiền tháng 8", ông Đoàn Minh Tuấn - Trưởng phòng phân tích FIDT cho rằng thị trường chung sẽ tiếp tục có những nhịp điều chỉnh ngắn hạn. Với xu hướng kém tích cực từ các nhóm ngành và rủi ro call margin chéo ở thời điểm hiện tại, chuyên gia cho rằng kịch bản xấu thị trường có thể về 1.180-1.200 điểm, song thị trường khó có thể "đạp sâu" qua khỏi ngưỡng này.
Động lực hỗ trợ cho xu hướng tăng dài hạn của chỉ số là vĩ mô Việt Nam sẽ tiếp đà tăng trưởng trong nửa cuối năm nhờ trụ đỡ từ đầu tư công. Bên cạnh đó, vĩ mô trung hạn cũng ổn định nhờ rủi rủi ro tỷ giá, lãi suất đã giảm đáng kể.
Nhận định về bức tranh lợi nhuận quý 2/2024, bà Đỗ Hồng Vân – Trưởng phòng Phân tích FiinGroup cho rằng lợi nhuận doanh nghiệp tiếp đà hồi phục đánh dấu chuỗi 3 quý tăng trưởng liên tiếp, đạt mức tăng trưởng 25,6% so với cùng kỳ, trong đó nhóm tài chính đóng góp hơn một nửa tổng thị trường. Đây là quý lợi nhuận toàn thị trường đạt mức cao nhất trong 5 quý gần đây.
Theo thống kê của FiinGroup, xét theo vốn hoá, nhóm VN-30 có tăng trưởng lợi nhuận dương trở lại, trong khi quý 1 tăng trưởng âm. Nhóm vốn hoá vừa quay đầu giảm sau xu hướng hồi phục trước đó, ngược chiều nhóm vốn hoá nhỏ tiếp đà tăng trưởng dương.
Lý giải nguyên nhân lợi nhuận tăng trưởng nhưng giá cổ phiếu không hồi phục tương ứng, chuyên gia FiinGroup dẫn 4 pha thường gặp trên thị trường, (1) Tuyệt vọng là giai đoạn sụp đổ ban đầu thúc đẩy bởi suy giảm lợi nhuận và định giá khi lo ngại rủi ro tăng lên; (2) Hy vọng là thời điểm giá cổ phiếu hồi phục mạnh mẽ, (3) Tăng trưởng là pha chứng kiến sự hồi phục lợi nhuận nhưng định giá không còn quá hấp dẫn và (4) Pha lạc quan xuất hiện khi định giá mở rộng.
"Pha kỳ vọng tạo lợi nhuận cao nhất cho nhà đầu tư, pha tăng trưởng dù lợi nhuận hồi phục nhưng giá cổ phiếu tiêu cực nhất. Tôi cho rằng thị trường chứng khoán hiện đã chuyển từ pha kỳ vọng sang tăng trưởng với hai tín hiệu nổi bật, (1) lợi nhuận doanh nghiệp tăng trưởng phù hợp với vĩ mô, (2) định giá trên thị trường đang giảm đi do sự phấn khích của nhà đầu tư trong giai đoạn hy vọng đã giảm dần", chuyên gia FiinGroup nhận định.
Nhìn sâu vào từng phân lớp cổ phiếu, chuyên gia cho rằng sự phân hoá về các pha trong ngành khá rõ nét.
Trong nhóm pha kỳ vọng, nổi bật có thực phẩm, may mặc, điện có giá tăng trong quý 2 nhờ định giá mở rộng trong khi lợi nhuận giảm hoặc đi ngang. Ở phía ngược lại, xây dựng dù tăng trưởng nhưng chưa đến từ KQKD lõi, thuỷ sản dù tăng trưởng trong quý 2 nhưng gần như chỉ giảm lỗ so với các quý trước.
Nhóm đang chuyển sang pha tăng trưởng như bán lẻ, sữa, phân bón, bảo hiểm đang bước vào đầu pha tăng trưởng, nhóm này có thể xem xét tìm cơ hội đầu tư trong thời gian tới vì triển vọng lợi nhuận khá tốt. Tuy nhiên, với bối cảnh thị trường hiện tại, những nhóm cổ phiếu này cần được chiết khấu về mức hợp lý tầm 15-20% so với mặt bằng giá hiện tại. Với thép, ngân hàng, chứng khoán ở giữa pha tăng trưởng có nghĩa lợi nhuận tăng trưởng nhưng giá thì giảm.
Chuyên gia FiinGroup cho rằng bất động sản, xuất khẩu (dệt may) và bán lẻ sẽ là nhóm có cơ hội trong thời gian tới.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Nguyên Vũ - Founder TVN & Partners cho rằng Fed hạ lãi suất những yếu tố về tỷ giá sẽ giảm. Những doanh nghiệp hưởng lợi khi tỷ giá giảm là doanh nghiệp có nợ vay USD lớn như dầu khí, điện, bán lẻ, thép.
Với nhóm ngân hàng, chuyên gia kỳ vọng sẽ có nhịp tăng trước khi dòng tiền luân chuyển sang BĐS, dự kiến diễn ra vào cuối tháng 8. Nhóm BĐS dân cư sẽ kỳ vọng có hiệu ứng tích cực nhờ Luật Đất đai, Luật nhà ở, Luật kinh doanh BĐS có hiệu lực từ 1/8. Nhà đầu tư nên ưu tiên doanh nghiệp có quỹ đất sạch đã đóng tiền sử dụng đất. Nhóm bán lẻ cũng được nhận định sẽ có cơ hội hồi phục theo chu kỳ nền kinh tế trong dài hạn, tâm điểm là MWG.