Tài chính

Dự báo lãi suất huy động, lãi suất cho vay thời gian tới

Công ty chứng khoán VCBS mới đây đã có báo cáo phân tích về ngành ngân hàng năm 2025. Theo dự báo của nhóm phân tích, tốc độ tăng lãi suất huy động sẽ tăng theo hướng nhích dần đều nhưng vẫn ở mặt bằng thấp so với giai đoạn trước Covid19.

Cụ thể, mặt bằng lãi suất huy động tiếp tục xu hướng tăng nhẹ trong giai đoạn cuối năm 2024 do nhiều yếu tố. Thứ nhất, áp lực về tỷ giá và sức ép của lạm phát vẫn hiện hữu khi xét đến những yếu tố liên quan đến biến động giá cả hàng hóa dưới tác động của những căng thẳng địa chính trị. Áp lực chênh lệch tỷ giá giữa đồng USD/VND có thể tiếp diễn trong bối cảnh USD vẫn đang mạnh lên trong năm 2025.

Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất huy động vẫn chịu áp lực tăng nhằm thu hẹp mức độ chênh lệch giữa số dư tiền gửi và dư nợ tín dụng toàn hệ thống và gia tăng mức độ cạnh tranh của kênh tiền gửi tiết kiệm so với lợi suất đầu tư của các kênh đầu tư khác trên thị trường.

Ngoài ra, mục tiêu đảm bảo thanh khoản và đáp ứng nhu cầu tín dụng cũng khiến nhiều ngân hàng có thể phải tăng cường huy động nhằm mục đích cân đối thanh khoản và đảm bảo các chỉ số an toàn tài chính, trong đó một số ngân hàng đã chạm ngưỡng LDR dẫn đến ưu tiên tăng nguồn huy động để giảm thiểu rủi ro thanh khoản. Trong khi cầu tín dụng thường có xu hướng tăng cao trong những tháng cuối năm, đặc biệt là nhóm bất động sản và xây dựng.

Năm 2025, các chuyên gia của VCBS cho rằng nhiều khả năng lãi suất huy động sẽ duy trì đi ngang với sự hỗ trợ đến từ nỗ lực thúc đẩy tín dụng trong năm 2025 của NHNN cùng với định hướng “tiếp tục bám sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng cung ứng tín dụng cho nền kinh tế và kịp thời có giải pháp điều hành chính sách tiền tệ phù hợp”.

“Do đó, chúng tôi kỳ vọng tốc độ tăng lãi suất huy động sẽ tăng theo hướng nhích dần đều nhưng vẫn ở mặt bằng thấp so với giai đoạn trước Covid19, chúng tôi dự báo mức lãi suất huy động sẽ tăng nhẹ từ 20 - 30 bps ở các kỳ hạn trung và dài hạn cho giai đoạn cuối năm 2024 và đi ngang trong năm 2025”, báo cáo cho biết.

Tuy nhiên, xu hướng tăng lãi suất huy động sẽ có sự phân hóa giữa các ngân hàng. Đối với nhóm ngân hàng quốc doanh, lãi suất huy động kỳ vọng duy trì đi ngang ở mức hiện tại theo hướng hỗ trợ nền kinh tế. Đối với nhóm NHTMCP tư nhân, xu hướng tăng nhẹ lãi suất huy động để tăng cường huy động vốn nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, đặc biệt đối với những ngân hàng có mức độ phụ thuộc vào tiền gửi khách hàng lớn và cơ cấu huy động vốn kém linh hoạt.

Đối với lãi suất cho vay, mặt bằng lãi suất đi ngang và duy trì ở mức thấp cho giai đoạn cuối 2024 – năm 2025 theo định hướng hỗ trợ nền kinh tế. Theo VCBS, việc lãi suất huy động tăng nhẹ sẽ tạo áp lực nhất định lên lãi suất cho vay. Tuy nhiên, room tín dụng dồi dào trong thời gian qua làm tăng cạnh tranh tăng trưởng tín dụng giữa các ngân hàng và giúp duy trì mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp.

Trong ngắn hạn, lãi suất cho vay sẽ có sự phân hóa. Lãi suất cho vay đối với nhóm ngành thuộc lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, xuất khẩu, …theo các chương trình ưu đãi về lãi suất, dẫn đến lãi suất có thể tiếp tục giảm nhẹ. Lãi suất ở nhóm ngành có mức độ hồi phục nhanh hơn và rủi ro hơn như bất động sản và xây dựng sẽ điều chỉnh tăng theo đà tăng của lãi suất huy động.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm