Trong sự kiện Blockchain Global Day 2022 diễn ra ngày 29/7 tại TP HCM, các chuyên gia thừa nhận bên cạnh những sản phẩm tốt, nổi tiếng thế giới, không ít dự án của người Việt bị gắn mác lừa đảo, lùa gà. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến hình ảnh của ngành blockchain Việt mà còn làm xói mòn niềm tin của cộng đồng vào công nghệ.
Ông Thái Thanh Liêm, CEO Topebox, cho rằng những dự án lùa gà thường kêu gọi tiền từ các quỹ đầu tư, cộng đồng người dùng blockchain thông qua việc bán token với định giá quá cao so với thực tế. Đây chủ yếu là những dự án bánh vẽ và đội ngũ gần như không có khả năng thực hiện ý tưởng đưa ra.
"Khi các nhà đầu tư gặp quá nhiều dự án lừa đảo, họ sẽ không còn giữ được đánh giá khách quan về toàn ngành. Còn cộng đồng truyền thống và những người chưa hiểu đúng về blockchain sẽ có góc nhìn hoài nghi, dè dặt với công nghệ mới. Ngoài ra những dự án này còn tạo dựng một thói quen xấu cho cộng đồng là chỉ tập trung vào nhìn biểu đồ giá token lên xuống mà không quan tâm nhiều đến thông tin của sản phẩm", ông Liêm nói.
Đồng quan điểm, ông Trần Toản, CEO AceStarter, cho rằng một thách thức lớn với ngành blockchain Việt là tỷ lệ người dùng đông, cộng đồng mạnh nhưng đa phần bàn về tiền số, token, rất ít người thật sự hiểu về công nghệ.
Hệ lụy của việc không trang bị đầy đủ kiến thức nhưng lại tham gia quá sâu vào thị trường là nhiều người bị mất tiền vào những dự án "rút thảm", kém tin cậy. Khi mất tiền, họ lại có những cái nhìn thiếu thiện cảm với công nghệ như một vòng luẩn quẩn.
Ngoài việc giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng, ông Lưu Đức, Chủ tịch Spores Network, cho rằng để xoá những ấn tượng không tốt của mọi người về công nghệ, các dự án cần làm thật và chứng minh cho người dùng thấy những giá trị hiện hữu của blockchain.
Ông lấy ví dụ về một dự án của Spores đang làm với một đội bóng tại Mỹ để xây dựng sân vận động trong metaverse. Trong vũ trụ ảo, người dùng vừa nắm giữ một NFT vừa có thể sở hữu vị trí ghế trong sân vận động ngoài đời thật. Yếu tố đời thực và metaverse được kết hợp với nhau giúp tăng cường giá trị của vật phẩm chứ không đơn thuần là những dự án ảo. Đây là một trong nhiều cách để xây dựng lại niềm tin cho người dùng.
Theo ông Cris Duy Trần, Giám đốc chiến lược của Huobi Global Việt Nam, niềm tin là vấn đề cốt lõi của blockchain vào giai đoạn này. Trong tương lai, để nhiều người tin hơn vào công nghệ mới như blockchain, cần có sự tham gia của các tập đoàn lớn và cả chính phủ. "Khi những tổ chức có vai trò dẫn dắt nền kinh tế thừa nhận, công nghệ sẽ nở hoa và có những tác động rất tốt đến niềm tin của cộng đồng", ông nói.
Các chuyên gia cũng cho rằng bản thân công nghệ blockchain cũng đang tự chứng minh được giá trị, có thể giải quyết được nhiều bài toán của xã hội chứ không chỉ xoay quanh tiền mã hóa hay dự án GameFi. Theo ông Trần Toản, CEO AceStarter, năm 2017-2018, khi tham gia các hội thảo trong ngành, đa số bàn về trade, về coin. Nhưng bốn năm sau, mọi thứ đã hoàn toàn khác, cộng đồng nói nhiều hơn về công nghệ, nhiều chủ đề chuyên sâu của blockchain được mổ xẻ. Chính sự thay đổi đó sẽ giúp củng cố niềm tin. "Đây là giai đoạn thử thách nhưng cũng là cơ hội của các startup về blockchain. Tôi tin với tiến độ phát triển hiện tại, blockchain sẽ sớm đi vào mọi nhà, mọi ngóc ngách của đời sống một cách tự nhiên mà không cần biết nó có blockchain đứng sau", ông Toản nói.
Ông dự đoán đến năm 2030, blockchain sẽ thay đổi bộ mặt của đời sống xã hội một cách không tưởng và 2026 có thể là một cột mốc lớn, đánh dấu sự bùng nổ của công nghệ này trong đời sống con người.